Tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh giai đoạn 2015-2019 (17-04-2020)

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong giai đoạn 5 năm (2015-2019), Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong sản xuất và xuất khẩu tôm. Diện tích và sản lượng tôm nuôi tăng (chủ yếu nhờ tôm thẻ chân trắng). Tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh và ngày càng chiếm ưu thế trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu.
Tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh giai đoạn 2015-2019
Ảnh minh họa

Sản xuất và xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng

5 năm qua (2015-2019), diện tích nuôi tôm tăng trung bình 1,4% mỗi năm, trong khi sản lượng tăng trung bình 5,7%. Sản lượng tôm thẻ chân trắng tăng liên tục và tăng mạnh (gần 41%) với mức tăng trung bình 9% mỗi năm; Trong khi sản lượng tôm sú tăng trung bình 1,2% và sau 5 năm chỉ tăng 3,1% (năng suất tôm sú tăng trưởng không đáng kể so với tôm thẻ chân trắng).

Xuất khẩu tôm trong 5 năm qua đạt tăng trưởng trung bình là 4%/năm (tuy nhiên, tăng trưởng từng năm không ổn định). Sau 5 năm, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng trưởng mạnh, ngày càng chiếm ưu thế trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu. Trong tổng khối lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam, tôm đông lạnh hiện vẫn chiếm tỷ trọng lớn; Tôm chế biến chỉ chiếm tỷ trọng đáng kể ở một số thị trường (cao nhất là thị trường Mỹ, tiếp đến là thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Danh sách 5 thị trường đứng đầu về nhập khẩu tôm của Việt Nam gồm: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc (chiếm 81-85% tổng giá trị nhập khẩu tôm Việt Nam trong 5 năm qua). Từ năm 2017, Mỹ và EU hoán đổi vị trí cho nhau vì xuất khẩu tôm sang Mỹ sụt giảm liên tục và giảm mạnh hơn thị trường EU. Trong giai đoạn này, xuất khẩu sang Trung Quốc đột phá mạnh nhất với tăng trưởng trung bình năm là 16% và sau 5 năm tăng trên 55%.

Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất trong 5 năm qua

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, trong giai đoạn 5 năm (2015-2019), xuất khẩu tôm của Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng trung bình năm 4%. Trong 5 năm qua, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh nhất. Trung Quốc hiện vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm của Việt Nam, mức tăng trưởng trung bình năm 16% và sau 5 năm tăng trên 55%; Sau Trung Quốc, Hàn Quốc cũng là thị trường đáng chú ý trong 5 năm qua, tiếp đến là EU. 

Đánh giá triển vọng sản xuất, xuất - nhập khẩu

Tháng 4/2020, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đã phát hành “Báo cáo ngành hàng Tôm Việt Nam, 2015-2019” (song ngữ Việt - Anh, 50 trang). Đó là các dữ liệu thống kê về sản xuất và xuất khẩu, thông tin cơ bản về ngành hàng Tôm Việt Nam trong 5 năm (2015 - 2019). Bản báo cáo này đã cung cấp thông tin, dữ liệu chi tiết  về diễn biến sản xuất, xuất khẩu từng loài tôm chính đến các thị trường trong 5 năm qua; Đồng thời, đánh giá xu hướng cung - cầu tôm tại các thị trường; So sánh giá xuất khẩu, thuế quan nhập khẩu tôm của Việt Nam và các nước xuất khẩu khác tại các thị trường trên thế giới; Phân tích tác động của dịch bệnh corona (cơ hội, thách thức và dự báo kim ngạch xuất khẩu)… Từ đó, đánh giá triển vọng sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường trong năm 2020.

Về sản xuất, sẽ cung cấp thông tin, dữ liệu chi tiết (trong 5 năm): Sản lượng nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng; Phân tích xu hướng sản xuất. Về xuất khẩu, đưa ra Tổng quan xuất khẩu tôm - phân theo loài (tôm sú, tôm thẻ chân trắng) và phân theo mã HS (từ năm 2015-2019). Bên cạnh đó, cung cấp thông tin, dữ liệu chi tiết về thị trường; Phân tích thị trường xuất khẩu tôm 5 năm theo từng loài (tôm sú, tôm thẻ chân trắng); Xuất khẩu tôm đến các thị trường chính (Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc); Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tôm của các thị trường từ các nước trên thế giới; Tương quan giữa Việt Nam với các thị trường đối thủ; Giá xuất khẩu trung bình tôm sú và tôm thẻ chân trắng sang các thị trường năm 2019; Sản phẩm tôm chủ lực xuất khẩu sang các thị trường... Đặc biệt là, dự báo năm 2020 (theo thị trường). Về nhập khẩu, cung cấp thông tin, dữ liệu chi tiết nhập khẩu tôm của Việt Nam từ các nguồn cung (2015-2019); Danh sách 10 doanh nghiệp đứng đầu về xuất khẩu tôm trong 5 năm qua.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nếu xét về thuế nhập khẩu thủy sản (tại các thị trường chính) thì sản phẩm tôm của Việt Nam hiện đang có lợi thế hơn so với các nước xuất khẩu khác (như: Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc), nhất là tại các thị trường có Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam. Đây sẽ tiếp tục là ưu thế cho xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm 2020 và những năm tới.

Tuy nhiên, năm 2020, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu tôm đến các thị trường, làm hạn chế tăng trưởng của ngành hàng Tôm Việt Nam với mức độ ảnh hưởng ở mỗi thị trường sẽ khác nhau.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác