Cụ thể, diện tích thả nuôi thủy sản trong tháng 10 năm 2023 là 1.293 ha, diện tích thu hoạch là 508 ha, với sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 10.895 tấn. Lũy kế diện tích thả nuôi thủy sản là 9.062 ha, tương đương so với cùng kỳ năm 2022 (9.078 ha), vượt 9% so với kế hoạch năm (8.300 ha), diện tích thu hoạch là 2.977 ha, với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 176.389 tấn, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2022 (179.917 tấn), đạt 82% so với kế hoạch năm (214.000 tấn).
Sản lượng khai thác trong tháng 10 năm 2023 ước đạt 980 tấn. Lũy kế sản lượng khai thác ước đạt 5.691 tấn, tăng 39% so với cùng kỳ (4.083 tấn), vượt 128% so với kế hoạch năm (2.500 tấn). Tổng sản lượng thủy sản nuôi và khai thác đến tháng 10 năm 2023 của thành phố Cần Thơ ước đạt 182.080 tấn, bằng 99% so với cùng kỳ (184.000 tấn), đạt 84% so với kế hoạch năm (216.500 tấn).
Cá tra là đối tượng nuôi chủ lực của thành phố Cần Thơ. Diện tích nuôi cá tra là 10 ha, diện tích thu hoạch là 17 ha, với sản lượng ước đạt 5.914 tấn. Lũy kế diện tích nuôi cá tra là 643 ha, bằng 95% so với cùng kỳ (678 ha), đạt 92% so với kế hoạch năm (702 ha), diện tích thu hoạch là 442 ha và sản lượng ước đạt 141.725 tấn, bằng 95% so với cùng kỳ (149.105 tấn), đạt 81% so với kế hoạch năm (174.710 tấn).
Cá tra giống có diện tích ương là 30 ha và thu hoạch 55 ha, sản lượng ước đạt 541 tấn. Lũy kế đã thả ương cá tra giống là 377 ha, diện tích thu hoạch 278 ha, với sản lượng ước đạt 2.780 tấn.
Trong thời gian qua, ngoài sản xuất giống cá tra, Cần Thơ còn tập trung sản xuất nhiều loại giống thủy sản phục vụ nhu cầu cho các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, như: Cá chép, thát lát, rô đồng, trê, điêu hồng,… trong tháng 10 năm 2023 thu hoạch 58 ha, với sản lượng ước đạt 36 tấn. Lũy kế đã thả ương 418 ha và thu hoạch 277 ha, với sản lượng ước đạt 222 tấn.
Trên thị trường hiện nay, giá bán cá tra nguyên liệu dao động 26.500 – 27.500 đồng/kg (kích cỡ 750 – 950 g/con) tăng 500 – 1.000 đồng/kg so với tháng trước, giá thành bình quân 27.000 – 28.000 đồng/kg.
Còn đối với giá cá tra giống dao động từ 28.000 – 30.000 đồng/kg giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước, cá giống kích cỡ 2 cm chiều cao thân – mẫu 30 con/kg giá từ 28.000 – 29.000 đồng/kg, giá cá giống 1,5 cm chiều cao thân – mẫu 70 con/kg giá từ 29.000 – 30.000 đồng/kg.
Nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, thành phố Cần Thơ đã áp dụng các quy phạm thực hành nuôi tốt, quy trình nuôi tiên tiến, các biện pháp nuôi đảm bảo an toàn môi trường, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả nuôi như áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, BAP, BMP, ASC,...
Tính đến thời điểm này, tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm (ATTP) theo các tiêu chuẩn của thành phố Cần Thơ đạt 220,4 ha, bao gồm 206,6 ha VietGAP và 13,8 ha BAP+ASC, trong đó có 3,85 ha ASC.
Công tác quan trắc môi trường được thực hiện theo định kỳ thu mẫu, phân tích và tổng hợp kết quả các chỉ tiêu lý hóa 4 lần/tháng với kết quả chất lượng nước sông phù hợp nuôi thủy sản và tiếp tục theo dõi tình hình chất lượng nước nuôi cá lồng/bè; đã thực hiện gửi tin SMS đến các hộ nuôi trên địa bàn quan trắc.
|
Ngoài ra, chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng thông qua việc lồng ghép với các lớp tập huấn VietGAP, kỹ thuật nuôi thủy sản. Đã tổ chức 01 cuộc Hội thảo “Tổng kết Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thủy sản thành phố Cần Thơ giữa giai đoạn 2021-2025”. Đang triển khai kế hoạch quan trắc môi trường phục vụ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hiện tại, đang vận hành 01 trạm ở khu vực sông thuộc quận Thốt Nốt. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2023, sẽ đặt thêm 02 trạm ở quận Ô Môn và huyện Vĩnh Thạnh.
Ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật trong nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu như nuôi tuần hoàn nhằm tiết kiệm nước đồng thời hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài, thông qua việc hỗ trợ các mô hình điểm thuộc chương trình Khuyến ngư địa phương. Khuyến cáo các hợp tác xã nuôi thủy sản theo quy phạm thực hành nuôi tốt và các tiêu chuẩn quốc tế khác nhằm đảm bảo an toàn về môi trường, an toàn động vật nuôi và sản xuất sản phẩm an toàn. Tuyên truyền các hợp tác xã ứng dụng chuyển đổi số, cơ giới hóa, mở rộng liên kết chuỗi trong sản xuất. Đã tổ chức 03 lớp tập huấn triển khai văn bản pháp luật liên quan đến khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại quận Thốt Nốt với gần 120 lượt người tham dự.
Cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản của 02 cơ sở với kết quả đạt yêu cầu theo quy định; lũy kế đã kiểm tra 22 cơ sở với kết quả đạt yêu cầu theo quy định. Kiểm tra duy trì điều kiện sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của 01 cơ sở với kết quả đạt yêu cầu theo quy định; lũy kế đã kiểm tra 15 cơ sở với kết quả đạt yêu cầu theo quy định…
Để hoạt động sản xuất thủy sản đạt kết quả cao, trong thời gian tới thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện công tác quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh giống, thức ăn thủy sản và vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Cần Thơ; thực hiện cấp giấy chứng nhận, giấy xác nhận theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản...; tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình năm 2023 đã được phê duyệt; phối hợp với các quận/huyện tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện trong khai thác thủy sản trên địa bàn thành phố và tiếp tục theo dõi cập nhật tình hình nuôi thủy sản ở địa phương.
Thanh Thủy