Nam Định đẩy mạnh công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão (09-06-2020)

Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển với 72km đường bờ biển thuộc phía Nam đồng bằng châu thổ sông Hồng, gồm 4 sông trong đó có 3 cửa sông lớn là sông Hồng, sông Ninh Cơ và sông Đáy. Tại các cửa sông gần các cảng thương mại
Nam Định đẩy mạnh công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão
Ảnh minh họa

Theo Sở NN và PTNT tỉnh Nam Định, tính đến 25/6/2019, toàn tỉnh Nam Định có 2.137 tàu cá với tổng công suất 303.329 CV trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên là 559 chiếc.

Đến nay, tỉnh Nam Định đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 01 cảng cá (cảng cá Ninh Cơ, huyện Hải Hậu được quy hoạch là cảng cá loại 1 theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 12/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ) từ năm 2017. Trước đó Cảng cá Ninh Cơ được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt đầu tư năm 2004, theo quyết định số 2432/QĐ-UBND ngày 27/9/2004, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng với tổng diện tích là 9,5ha. Năm 2010, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 736/QĐ-UBND ngày 4/10/2010 về việc “Phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cửa NInh Cơ, huyện Nghĩa Hưng- Nam Định”, đến nay đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Âu số 1, diện tích 9,8ha. Ngoài ra, năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2437/QĐ-UBND ngày 28/10/2016 của UBND tỉnh về việc “Phê duyệt dự án: Đầu tư xây dựng Cảng cá Quần Vinh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (giai đoạn 1), đến nay đang chờ vốn để triển khai thực hiện.

Về kinh phí đầu tư xây dựng, cảng cá Ninh Cơ có kinh phí đầu tư là 50.306.757.000 gồm các hạng mục công trình chính: 01 cầu cảng dài 192m, 2 âu neo đậu có sức chứa 200 tàu (công suất từ 20-90CV), trạm cung cấp nước sạch công suất 300m3/ngày đêm… Cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá gồm 1 cơ sở cung cấp xăng, dầu bể chứa 100 tấn, 2 cơ sở sản xuất nước đá công suất 50 tấn/ngày, 3 cơ sở sửa chữa máy tàu, 01 cơ sở cung cấp trang thiết bị tàu cá, 1 cửa hàng dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm.

Khu tàu thuyền tránh trú bão cửa Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng có tổng diện tích là 30 ha, hiện nay đã hoàn thành giai đoạn 1 có diện tích 9,8ha, được đưa vào sử dụng ngày 01/11/2014. Kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 98.798.252.000 đồng với các hạng mục: 54 trụ neo tàu, 24 bộ phao, rùa neo.

Cảng cá Quần Vinh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 105 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu theo Chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững, giai đoạn 2016-2020 và các nguồn vốn hợp pháp khác khi có điều kiện cân đối bố trí cho dự án, gồm các hạng mục công trình chính: bến cập tàu dài 180m, phao báo hiệu D 1,4m, đường vào cảng 385m, kè bảo vệ, kè gầm bến…

 

Bến cá Hà Lạn- Giao Thủy được đầu tư xây dựng theo Quyết định số 1621/QĐ-UBND ngày 24/10/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh, hiện nay đang trong giai đoạn thi công, chưa được bàn giao. Ngoài ra, trên địa bàn Nam Định còn có một số cảng cá, bến cá do tổ chức cá nhân tự đầu tư vốn như Cảng cá loại III Thành Vui…

Về công tác quản lý hoạt động của cảng cá, hiện Ban quản lý cảng cá Nam Định tập trung tuyên truyền các quy định của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định như Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ NN và PTNT. Ban quản lý Cảng cá cũng đã in, phát đến tận tay các thuyền trưởng, chủ tàu cá hơn 1.000 thông báo về các văn bản hướng dẫn Luật, hơn 800 mẫu nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản. Trên các bảng tin tại văn phòng và khu vực cầu cảng, dán các thông báo với nội dung tuyên truyền để người dân tiện theo dõi và liên hệ khi làm việc. Đồng thời, Ban quản lý cũng phối hợp với Chi cục Thủy sản, Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh dán hơn 1.000 tờ rơi trên các tàu cá về chống khai thác IUU, phối hợp với Bộ tư lệnh vùng I Hải Quân tổ chức chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, phối hơp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tổ chức hội thảo về tình hình an ninh trên biển.

Đối với công tác quản lý tàu cá cập, rời cảng và giám sát sản lượng thủy sản, Ban quản lý Cảng cá là đơn vị đầu mối thực hiện các quy định về khai báo khi ra vào cảng cá đối với tàu cá. Thu nhận nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản và giám sát khối lượng hàng hóa qua cảng để phục vụ công tác thống kê, báo cáo, công tác kiểm tra giám sát hoạt động của cảng theo hướng dẫn tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

 

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Ban quản lý Cảng cá Nam Định thực hiện quy định thu nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác, danh sách tàu cá khai thác bất hợp pháp, xác nhận nguyên liệu thủy sản theo quy định.

Nhìn chung, theo đánh giá của Ban quản lý Cảng cá Nam Định, cơ sở hạ tầng cảng cá đã được đầu tư, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu ra, vào bốc xếp hàng hóa, neo đậu cho tàu có công suất lớn, đặc biệt là tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Việc thực hiện mô hình BQL Cảng cá trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT là phù hợp. Đây là hoạt động theo đúng chuyên ngành, bộ máy quản lý chuyên trách; chỉ đạo tập trung một đầu mối cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý cảng cá của tỉnh.

Ban quản lý Cảng cá Nam Định quản lý các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn tỉnh Nam Định cùng với đó đặc thù nghề nghiệp trực 24/24h. Tuy nhiên nguồn nhân lực BQL còn thiếu nên công tác quản lý và điều hành còn gặp nhiều khó khăn nhất là khi có thiên tai xảy ra. Ý thức của ngư dân về chấp hành các quy định của pháp luật về khai báo chưa cao và chống đối mặc dù đã được nhiều lần tuyên truyền, hướng dẫn, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký chưa đúng quy định, báo cáo khai thác, chưa thông báo cập, rời cảng. Hiện nay tỉnh Nam Định chỉ có 01 cảng cá Ninh Cơ được chỉ định cho tàu cá khai thác từ vùng khơi ra cập cảng bốc xếp hàng hóa, trong khi tàu cá neo đậu ở nhiều bến cá tại các huyện ven biển nên việc thu nhật ký, báo cáo khai thác theo từng chuyến biển gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra kiểm soát còn mỏng, sự phối hợp trong công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng có lúc chưa được thường xuyên, việc trao đổi thông tin và xử lý các tàu vi phạm trong lĩnh vực thủy sản còn hạn chế.

Để từng bước khắc phục những hạn chế, Ban quản lý Cảng cá Nam Định đã có kiến nghị Nhà nước tiếp tục đầu tư xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền (đặc biệt là khu neo đậu cho tàu cá đóng theo Nghị định 67/2014) đáp ứng nhu cầu neo đậu, bốc dỡ hàng hóa cho tàu cá. Đầu tư kinh phí để nâng cấp Cảng cá Ninh Cơ đáp ứng yêu cầu là cảng cá loại 1 (theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg) và hoàn thiện các dự án cảng cá đang xây dựng để sớm đưa vào hoạt động.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác