Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với đầu tư hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão (06-09-2019)

Ngày 4/9/2019, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo thuyết minh nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia. Trong đó, Tổng cục Thủy sản được giao thực hiện lập 02 quy hoạch phát triển ngành đó là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản gắn với đầu tư hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão

Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Thủy sản, một số Viện, Trường nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản cùng phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ông Phùng Đức Tiến đã chủ trì Hội thảo.

Để đưa ngành thủy sản phát triển một cách bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Tổng cục Thủy sản thực hiện hai quy hoạch đó là Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản và Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Đây là hai quy hoạch rất quan trọng liên kết chặt chẽ với nhau và mang tính chiến lược phát triển bền vững của Ngành Thủy sản. Bên cạnh đó, hai quy hoạch nói trên cũng chính là mục tiêu định hướng đưa ngành phát triển ngành thủy sản phát triển tổng thể có trách nhiệm và liên kết theo chuỗi khép kín trong sản xuất phù hợp với hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng cho biết, hiện nay tình trạng khai thác đã mức tới hạn, nguồn lợi thủy sản suy giảm, công nghệ khai thác còn lạc hậu, tổn thất sau thu hoạch lớn, chuỗi liên kết trong sản xuất thiếu và yếu. Hệ thống cơ sở hạ tầng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão đang xuống cấp, ô nhiễm, khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, ngành thủy sản còn xung đột phát triển với các ngành khác như du lịch, giao thông. Chính vì vậy, thông qua Hội thảo này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp của các đơn vị về hai quy hoạch này, để sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo báo cáo của Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết, việc lập “Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản” nhằm bảo vệ, bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; khai thác hiệu quả, bền vững phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Quy hoạch nhằm đánh giá được hiện trạng về bảo vệ, bảo tồn, tái tạo, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản; hiện trạng quản lý, khai thác nguồn lợi thủy sản; hiện trạng dịch vụ hậu cần nghề cá; hiện trạng nguồn nhân lực (đội ngũ quản lý, lao động trên biển) giai đoạn 2010-2019. Bên cạnh đó, xác định các chỉ số quy hoạch cụ thể đối với từng chỉ tiêu, theo từng thời kỳ quy hoạch.

Theo Viện Nghiên cứu hải sản, hiện nay sản lượng thủy sản khai thác bình quân hàng năm khoảng 3,4-3,6 triệu tấn, vượt mức sản lượng khai thác bền vững cho phép phù hợp với trữ lượng nguồn lợi. Về nguồn lợi thủy sản nội đồng, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 200.000 tấn. Tuy nhiên, sức ép về tăng dân số, phát triển thủy điện, thủy lợi, ô nhiễm môi trường…đã làm mất đường di cư sinh sản và mất bãi đẻ, bãi giống, nơi cư trú của nhiều loài thủy sinh dẫn đến nguồn lợi bị suy giảm.

Theo quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg đến năm 2020 quy hoạch 16 khu bảo tồn biển Việt Nam trải dài trên 12 tình thành phố với mục tiêu đến năm 2015 có khoảng 0,24 % diện tích vùng biển Việt Nam nằm trong khu bảo tồn. Đến nay, Việt Nam đã thành lập được 10 khu bảo tồn biển gồm Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Đến thời điểm hiện tại, Thừa Thiên Huế là địa phương đầu tiên trên cả nước thành lập các khu bảo vệ nguồn lơi thủy sản trên hệ thống đầm phá ven biển. Toàn tỉnh này đã thành lập 23 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản với tổng diện tích được bảo vệ nghiêm ngặt là hơn 614ha, chiếm gần 3% diện tích vùng đầm phá.

Đánh giá về hiện trạng khai thác thủy sản hiện nay, Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản cho biết đã giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho 28 tỉnh, thành phố ven biển theo quy định của Luật thủy sản 2017; tình trạng tàu đi khai thác trái phép thủy sản tại vùng biển nước ngoài đã giảm đáng kể; nghề cá đang chuyển dần từ quy mô nhỏ lên hiện đại, có trách nhiệm; hình thành các tổ đội, nghiệp đoàn, hợp tác xã khai thác thủy sản. Có sự phối hợp với các doanh nghiệp chế biến làm nòng cốt trong khai thác, tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân.

Báo cáo tại Hội thảo, Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho biết, hiện cả nước có 83 cảng cá đi vào hoạt động tại 27 tỉnh, thành phố ven biển, đạt 65% so với quy hoạch. Trong đó, có 57 cảng cá có đủ hệ thống xác nhận nguyên liệu khai thác thủy sản, 70 cảng cá chỉ định cho tàu cá vùng khơi trở ra cập cảng, 12 cảng cá chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng. Tổng số lượng hàng hóa qua cảng thiết kế khoảng 1,8 triệu tấn/năm, với 9.298 lượt tàu mỗi ngày. Trong đó, có 3 cảng cá đáp ứng được tàu công suất lớn nhất 2.000 CV cập cảng. 

Cả nước hiện có 89 khu neo đậu tránh trú bão, trong đó có 9 khu neo đậu kết hợp cảng cá, bến cá. Sức chứa của khu neo đậu tránh trú bão lớn nhất khoảng 2.000 chiếc, như: Khu neo đậu Vịnh Xuân Đài (Phú Yên); khu Bến Đầm, Bến Đá (Bà Rịa – Vũng Tàu)... Tính đến năm 2020 là hết thời hạn quy hoạch, hệ thống hậu cần nghề cá đã bộc lộ rất nhiều bất cập. 

Phần lớn cảng cá đều quy mô nhỏ, không đáp ứng được điều 78 và 84 của Luật Thủy sản, thiếu diện tích mặt bằng cho sản xuất – kinh doanh hỗ trợ. Cơ khí đóng sửa tàu thuyền và chế biến thủy sản đa phần hoạt động bên ngoài cảng cá, làm tăng chi phí cho người đánh bắt thủy sản và doanh nghiệp chế biến. Một số cảng cá không thu hút được tàu thuyền, gây sự lãng phí. Nhiều cảng cá tình trạng ô nhiễm, gây bức xúc cho địa phương.

Chính vì vậy, Quy hoạch cảng cá và khu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2021-2030 cần hướng đến tạo thành một hệ thống liên hoàn, liên vùng cho hậu cần nghề cá, tận dụng vị trí địa lý, phù hợp điều kiện tự nhiên và gắn với ngư trường. Đồng thời, thu hút vốn đầu tư của mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả kinh tế tư nhân vào xây dựng cảng cá, hậu cần nghề cá, ông Quốc cho biết.

Tham gia góp ý cho dự thảo các đại biểu cho rằng cần rà soát hiện trạng hiện nay trong công tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão dựa trên các số liệu điều tra đã có và các nghiên cứu đánh giá của các viện nghiên cứu về trữ lượng để có căn cứ lập quy hoạch. Bên cạnh đó cần phối hợp với các Bộ, ngành để rà soát các quy hoạch và đánh giá tác động của việc lập quy hoạch để tránh chồng chéo. Mặt khác cần định hướng mục tiêu sát với tình hình trong nước và quốc tế hiện nay để phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập ngành.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Tổng cục Thủy sản tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các đại biểu.

Xây dựng hoàn thiện dự thảo quy hoạch dựa trên các số liệu cụ thể có căn cứ phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của ngành. Sử dụng tối đa các số liệu hiện có và các nghiên cứu để lập quy hoạch. Nghiên cứu tổng quan tình hình khu vực và quốc tế, kinh nghiệm của các nước để xây dựng khung quy hoạch.

Quy hoạch phát triển tổng thể phải dựa trên chuỗi khép kín sản xuất từ bảo tồn, khai thác, đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất chế biến, logistic, xuất khẩu.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác