Bộ Giao thông vận tải: Triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC (12-05-2022)

Ngày 09 tháng 5 năm 2022, Bộ Giao thông vận tải có văn bản số 4460/BGTVT-HTQT gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc báo cáo kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Bộ Giao thông vận tải: Triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC
Ảnh minh họa

Theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ Giao thông vận tải đã tích cực phối hợp với cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để rà soát, phối hợp công bố cảng biển chỉ định cho tàu vào cảng; thực hiện các quy định về sử dụng cảng, chấp thuận hoặc từ chối tàu vào cảng, bố trí nhân lực, phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cảng theo các quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng (Hiệp định PSMA); tổ chức kiểm tra, từ chối không cho tàu vào cảng, sử dụng cảng nếu phát hiện tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam vi phạm quy định về khai thác IUU.

Đã công bố 14 cảng biển chỉ định cho tàu vào cảng; ban hành Kế hoạch tuyên truyền hoạt động phòng, chống khai thác IUU; tham gia xây dựng Quy chế phối hợp giữa các Bộ về việc thực hiện Hiệp định PSMA; triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định, các văn bản chỉ đạo thực hiện của Chính phủ, các Bộ, ngành,..

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải tham gia xây dựng dự thảo Quy chế hoạt động của Tổ công tác liên ngành về IUU để triển khai thực hiện Hiệp định PSMA; tham mưu cho Tổ công tác giải pháp kiểm soát tàu nước ngoài chở nguyên liệu thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp cập cảng thuộc quản lý của Bộ Giao thông vận tải; tham gia xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định PSMA và Đề án “Phòng chống khai thác IUU đến năm 2025”.

Tại các cảng biển, áp dụng các quy định về xin phép trước khi vào cảng, sử dụng cảng, chấp thuận hoặc từ chối tàu vào cảng, bố trí nhân lực, phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cảng theo các quy định của Hiệp định PSMA…; từ chối không cho tàu vào cảng, sử dụng cảng nếu phát hiện tàu nước ngoài đánh bắt thủy sản, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác cập cảng Việt Nam vi phạm quy định.

Trong năm 2021, tại các cảng biển được chỉ định thực hiện PSMA, đã có 23 lượt tàu cá được kiểm tra, giám sát và làm thủ tục ra, vào cảng.

Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục tổ chức rà  soát thực trạng việc kiểm soát, làm thủ tục cho các tàu có hàng hóa là sản phẩm thuộc diện kiểm soát theo IUU; rà soát các nội dung về việc kiểm tra, phát hiện, xử lý tàu nước ngoài vi phạm IUU; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật để thực hiện Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng.

Tuy nhiên, quá trình phối hợp với cơ quan liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT để quản lý khai thác IUU còn một số tồn tại và hạn chế như : số lượng tàu khai thác thủy sản còn nhiều so với trữ lượng khai thác; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào bảo quản thủy hải sản còn yếu kém, chất lượng không đảm bảo, gây khó khăn cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản; nhận thức về pháp luật và ý thức chấp hành của người dân còn hạn chế; chưa có quy định về việc trục xuất các tàu nước ngoài ra khỏi các cảng nước ta khi phát hiện có vi phạm liên quan tới IUU; cơ chế phối hợp giữa các Bộ ngành, cơ quan đơn vị liên quan còn chưa chặt chẽ, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, phối  hợp, còn hạn chế.

Vì vậy, trong thời gian tới Bộ Giao thông vận  tải tiếp tục rà soát, đề xuất xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, chính sách, các quy định cho tàu nước ngoài khai thác, vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản vào cảng biển; tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức kiểm tra, chấp thuận hoặc từ chối tàu vào cảng biển, sử dụng cảng biển liên quan tới phòng chống IUU phù hợp với các quy định của Hiệp định PSMA để tổ chức triển khai thực thi tại các cảng biển được chỉ định có liên quan đến các hoạt động thủy sản.

Phối hợp với Tổng cục Thủy sản nghiên cứu đề xuất quy định về hình thức xử phạt bổ sung phù hợp đối với tàu nước ngoài vi phạm IUU trong quá trình Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất sửa đổi Nghị định 42/NĐ-CP ngày 16/5/2019 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì phối hợp với Tổng cục Thủy sản và các đơn vị liên quan làm việc với cảng Quốc tế Long An rà soát triển khai các quy định về thực hiện Hiệp định PSMA và xem xét, đề xuất quy trình phối hợp kiểm tra, phát hiện xử lý và thông báo kết quả kiểm tra đối với tàu vào cảng vi phạm IUU để làm cơ sở áp dụng thống nhất cho các cảng đã công bố chỉ định.

Đối với 13 cảng biển được chỉ định còn lại đã được công bố theo Hiệp định PSMA, rà soát các nội dung về việc kiểm tra, phát hiện, xử lý tàu nước ngoài vi phạm IUU.

Cục Hàng hải Việt Nam rà soát, tổng hợp báo cáo các đề xuất liên quan đến nhiệm vụ “ Bố trí nhân lực, địa điểm làm việc, phương tiện, trang thiết bị để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thực thi các quy định Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng tại cảng biển được chỉ định cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng để thực hiệnhoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác qua lãnh thổ Việt Nam”.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan, đơn vị liên quan: tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng cho các tổ chức, cá nhân; đào tạo/tập huấn/hội thảo nâng cao năng lực cho thanh tra viên tại cảng, cán bộ thanh tra, tổ chức quản lý cảng để thực hiện Hiệp định PSMA; rà soát, chỉ định và công bố cảng chỉ định cho tàu đánh bắt thủy sản, tàu vận chuyển, chuyển tải thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài vào cảng để thực hiện hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, quá cảnh thủy sản,..; hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách của Việt Nam đảm bảo tuân thủ Hiệp định PSMA và các biện pháp, công cụ quốc tế liên quan; thiết lập cơ chế báo cáo, giám sát, trao đổi thông tin, giải quyết tranh chấp để thực thi Hiệp định.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác