Kiên Giang tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới (01-12-2021)

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành khai thác hải sản Việt Nam đã tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh Kiên Giang. Chính vì vậy, thời gian tới tỉnh Kiên Giang có những giải pháp và định hướng để đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Kiên Giang tổ chức khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới
Ảnh minh họa

Những khó khăn trong hoạt động khai thác thủy sản

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Kiên Giang, tính đến hết tháng 9 năm 2021, toàn tỉnh có 9.888 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét trở lên. Tàu cá Kiên Giang hoạt động thuộc 5 nhóm nghề chính: lưới  kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản. Sản lượng khai thác thủy sản là 430.383 tấn, trong đó tôm các loại là 25.045 tấn, mực là 54.024 tấn, cá các loại là 324.040 tấn, hải sản khác là 27.274 tấn; đạt 99,34% so với cùng kỳ năm 2020.

Về tỷ lệ cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với tàu cá hoạt động tại vùng lộng là 902/1.532, đạt tỷ lệ 59%, vùng khơi là 3.507/3.985, đạt tỷ lệ 88%, các tàu cá này đều được đánh dấu theo quy định. Tuy nhiên, về số lượng tàu cá hoạt động tại vùng biển ven bờ được phân cấp cho cấp huyện quản lý, có tỷ lệ cấp phép khai thác thủy sản còn hạn chế, khoảng 20%. Ngoài ra, công tác đăng kiểm đã kiểm tra được 2.131 tàu cá, giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2020, do việc đi lại của các đăng kiểm viên gặp khó khăn vì các địa phương tăng cường phòng chống dịch Covid-19.

Cũng theo báo cáo, tính đến hết tháng 9 năm 2021, số lượng tàu cá cập cảng là 5.049 lượt, sản lượng là 27.684 tấn. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, số lượng tàu cập cảng giảm hơn 50% so với trước khi thực hiện. Cảng cá Tắc Cậu là nơi tập trung phần lớn đội tàu khai thác xa bờ của tỉnh cập bến bốc dỡ cá; giá sản phẩm thủy sản giảm mạnh từ 20-40%, đặc biệt là sản phẩm mực khô giảm từ 20-30%, trong khi đây là mặt hàng chủ lực của đội tàu lưới kéo chiếm khoảng 70-90% doanh thu; một số ít mặt hàng giảm đến 50% nhưng vẫn không có người mua.

Hoạt động khai thác thủy sản là hoạt động mang tính đặc thù, không tổ chức sản xuất tập trung ở một địa điểm cố định mà theo chuyến biển nên không thể hoạt động theo nguyên tắc “3 tại chỗ”. Việc đi lại của chủ tàu cá, ngư dân gặp rất nhiều khó khăn nên việc chuẩn bị nhu yếu phẩm, lao động,.. cho chuyến biển là một trở ngại tuy đã được tháo gỡ trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, các dịch vụ hậu cần nghề cá như: dịch vụ sửa chữa tàu cá, ngư lưới cụ, các cơ sở cơ khí, điện máy,.. hầu như đóng cửa; cộng với việc huy động lao động phục vụ khai thác đảm bảo phòng chống dịch theo quy định gặp nhiều khó khăn nên số lượng tàu cá khai thác xa bờ xuất bến giảm, đặc biệt tại Trạm Biên Phòng Tây Yên (cửa ngõ vào cảng cá Tắc Cậu) trong tháng 8/2021 số lượt tàu cá xuất bến giảm hơn 50% so với tháng 7/2021 và tình hình được cải thiện trong tháng 9/2021 số lượng tàu cá xuất bến giảm 35% so với tháng 7/2021,..

Tuy nhiên, từ ngày 30/9/2021 đến nay, hoạt động đi lại của các chủ tàu cá, ngư dân trong hoạt động khai thác thủy sản đã trở lại bình thường. Tại thời điểm giữa tháng 10/2021, số lượng tàu cá toàn tỉnh đang nằm bờ hiện chỉ còn khoảng 1.600-1.700 tàu cá, chiếm khoảng 16-18% tổng số tàu cá (giảm hơn 50% so với thời gian áp dụng giãn cách xã hội). Các dịch vụ hậu cần nghề cá kèm theo đã hoạt động trở lại.

Tình hình tiêu thụ sản phẩm thủy sản gần như đạt trạng thái bình thường, giá sản phẩm thủy sản đã tăng từ 20-30% so với thời gian giãn cách xã hội nhưng vẫn còn giảm từ 5-10% so với trước khi có dịch.

Một số giải pháp và định hướng trong thời gian tới

Để đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản thích ứng an toàn, phòng chống dịch bệnh Covid-19; Kiên giang đã đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất trong thời gian tới, cụ thể là : tập trung tổ chức lại sản xuất theo tổ, đội để thực hiện linh hoạt việc cung cấp lương thực, vật tư vận chuyển sản phẩm sau khi khai thác về đất liền để giảm chi phí chuyến biển; tiếp tục các giải pháp hỗ trợ về hạ lãi suất cho vay thông thường và tiếp tục cho vay mới với lãi suất phù hợp; đầu tư hạ tầng cảng cá…; từng bước cải tiến bảo quản sản phẩm sau khai thác, cải tiến ngư cụ,.. để khai thác có tính chọn lọc cao, nâng cao chất lượng sản phẩm sau khai thác; nhanh chóng triển khai phương án tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi hai cho lực lượng lao động trên tàu khai thác chưa xuất bến và kế hoạch tiêm cả hai mũi cho lao động trên những tàu cá về bến trong thời gian tới.

Ngoài ra, định hướng thời gian tới, tỉnh sẽ khẩn trương xây dựng Dự án điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, để làm cơ sở cấp phép khai thác căn cứ vào nguồn lợi và đảm bảo rà soát, bổ sung tăng diện tích các khu bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản lên 6% vào năm 2030 theo Nghị quyết số 36-NQ/TW; xây dựng Đề án khôi phục ngành khai thác thủy sản tỉnh, đẩy nhanh sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác thủy sản, tăng cường cải thiện năng lực sản xuất trong chuỗi hoạt động khai thác gắn với các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác