Bình Thuận: 7/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tàu cá vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ (10-07-2021)

Xác định phòng chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chống khai thác IUU và khắc phục các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC).
Bình Thuận: 7/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tàu cá vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ
Ảnh minh họa

Thực trạng triển khai công tác chống khai thác IUU

Theo Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh Bình Thuận, để triển khai công tác khắc phục “thẻ vàng” IUU, tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp triển khai lắp đặt thiết bị VMS và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển. Tính đến ngày 10/6/2021, toàn tỉnh có 1.808/1.924 tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt tỷ lệ 93,97%. Số tàu cá chưa thực hiện lắp đặt thiết bị VMS là 116 chiếc, chiếm 6,02%. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu khẩn trương lắp đặt thiết bị VMS theo quy định. Đồng thời, đề nghị các đơn vị: Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá này, kiên quyết không cho xuất bến đi khai thác, không cấp đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản khi chưa lắp đặt thiết bị VMS.

Trong 06 tháng đầu năm 2021, phát hiện khoảng 100 tàu cá của tỉnh mất kết nối trên 10 ngày trên biển. Chi cục Thủy sản đã thông báo và chỉ đạo các Trạm Kiểm ngư phối hợp với Đồn Biên Phòng, chính quyền địa phương xác minh, làm việc với chủ tàu cá để nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết thực hiện mở thiết bị VMS 24/24 giờ theo quy định, nếu tiếp tục vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định.

Đối với tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, ngay khi phát hiện, Tổ trực giám sát tàu cá thông báo cho thuyền trưởng yêu cầu quay trở lại ranh giới cho phép trên biển; trường hợp không liên lạc được, các lực lượng Kiểm ngư, Biên phòng và chính quyền địa phương đến từng nhà chủ tàu cá để làm việc và yêu cầu chủ tàu cá hoặc người nhà bằng mọi cách liên lạc với thuyền trưởng đưa tàu cá quay trở lại vùng biển Việt Nam. 

Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong năm 2020 và 06 tháng đầu năm 2021, Chi cục Thủy sản đã xử phạt 592 vụ với số tiền là 4.382 triệu đồng; Bộ Chỉ huy Bộ độ Biên phòng tỉnh xử phạt 153 trường hợp với tổng số tiền là 336,3 triệu đồng. 

Công tác quản lý tàu cá tính đến 10/6/2021, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 6.768 chiếc, trong đó nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 06 mét là 181 chiếc, từ 6-12 mét là 2.724 chiếc, từ 12-15 mét là 1.935 chiếc, từ 15-24 mét là 1.892 chiếc và trên 24 mét là 36 chiếc; Đăng kiểm, đánh dấu tàu cá theo quy định thì tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 m trở lên bắt buộc phải thực hiện đăng kiểm. Số tàu cá còn hạn đăng kiểm là 2.980/3861 chiếc, chiếm 77,2 %. Tất cả tàu cá được đăng kiểm đều thực hiện việc đánh dấu tàu cá đúng theo quy định.

 Tổng số Giấy phép khai thác thủy sản đã cấp, còn hạn đến thời điểm hiện tại là 4.054 chiếc/5.288 chiếc, đạt tỷ lệ 76,7%. Trong đó, giấy phép khai thác vùng khơi là 1.776 giấy/1.925 tàu cá, đạt tỷ lệ 92,3% (tất cả tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản đều đã lắp đặt thiết bị VMS; Giấy phép khai thác vùng lộng và ven bờ đã cấp là 2.278 giấy/3.363 tàu cá, đạt tỷ lệ 67,7%. Nhiều trường hợp chưa được cấp giấy phép khai thác do thiếu các điều kiện theo quy định (bằng thuyền trưởng, máy trưởng).

Các Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại cảng Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, tàu cá tại cảng. Văn phòng đã thực hiện kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng 100% đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên; tối thiểu 20% tàu cá làm nghề khai thác cá ngừ, tối thiểu 10% tàu cá làm nghề lưới kéo và 05% tàu cá làm các nghề khác đối với tàu cá chiều dài lớn nhất dưới 24 mét. Trong 06 tháng đầu năm 2021, Cảng cá Phan Thiết kiểm tra, giám sát 1.120 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản/7.160 tấn hải sản, thu 992 sổ nhật ký khai thác, đạt 88,6%; Cảng cá Phú Hải kiểm tra, giám sát 222 lượt tàu cá vào cảng bốc dỡ thủy sản/1.099 tấn hải sản, thu 219 số nhật ký khai thác, đạt 98,6%.

Công tác cấp xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác thực hiện theo quy định, năm 2020, BQL Cảng cá Phan Thiết cấp 80 giấy xác nhận/1.671 tấn hải sản, Chi cục Thủy sản cấp 136 giấy chứng nhận/2.929,98 tấn hải sản. Từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị tiếp tục cấp được 34 giấy xác nhận/706,526 tấn hải sản và 47 giấy chứng nhận /936,528 tấn hải sản các loại.

Triển khai công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới

Nhìn chung, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực trong công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng, trên biển và thông qua hệ thống giám sát hành trình tàu cá. Qua đó đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về khai thác thủy sản, nhất là phát hiện, kêu gọi trở lại kịp thời các tàu cá vượt ranh giới khai thác trên biển. Nhờ đó, từ tháng 7/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện tàu cá vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài bắt giữ. 

Để triển khai quyết liệt các biện pháp để khắc phục chống khai thác IUU, tỉnh đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới là: thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiếp tục nỗ lực tối đa, duy trì kết quả đạt được, kiên quyết không để xảy ra bất kỳ tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Các lực lượng chức năng, trước hết là Bộ đội Biên phòng, các cơ quan quản lý thủy sản phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương vùng biển tăng cường bám sát địa bàn có nhiều tàu cá vi phạm để tuyên truyền, vận động, cảnh báo mức xử lý nghiêm khắc theo quy định; lập danh sách tàu cá trong diện nguy cơ cao, nhất là các tàu cá từng vi phạm vùng biển nước ngoài, tàu cá thường xuyên hoạt động, xuất bến ngoài tỉnh khác để đưa vào giám sát đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ 100% khi xuất bến, yêu cầu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong từng chuyến biển.

Mặt khác, khẩn trương, kiên quyết việc lắp đặt thiết bị VMS đối với số tàu cá còn lại; lực lượng kiểm ngư, biên phòng triển khai đồng loạt công tác kiểm tra, kiểm soát tại các cửa biển, khu vực neo đậu để kiểm soát tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS, kiên quyết không cho xuất bến đi biển, xử lý nghiêm theo quy định đối với chủ tàu cá đã được thông báo, cảnh báo, nhưng vẫn không thực hiện lắp đặt thiết bị VMS. Tiếp tục quản lý, vận hành sử dụng có hiệu quả Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá tỉnh, đảm bảo kết nối đồng bộ với Trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá Trung ương, khai thác có hiệu quả dữ liệu giám sát hành trình tàu cá trên biển để xử lý kịp thời các tình huống; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các Đồn Biên phòng với Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến đi khai thác, nhất là nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tiếp tục triển khai thi hành Luật Thủy sản 2017 và thực hiện nghiêm túc hoạt động chống khai thác IUU tại cảng cá; khắc phục triệt để các hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua, nhằm đảm bảo chặt chẽ về quy trình, minh bạch về số liệu. Các Ban quản lý cảng cá, trước hết là Cảng cá Phan Thiết tăng cường lực lượng, trang bị phương tiện cần thiết giám sát sản lượng thủy sản qua cảng; thực hiện nghiêm túc quy trình xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Các Văn phòng Đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá tổ chức trực nghiêm túc, đảm bảo thành phần 3 lực lượng (Thanh tra Thủy sản/Kiểm ngư, Biên phòng, Ban Quản lý cảng cá) để kiểm tra, kiểm soát các nhóm tàu cá theo quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp chế tài mạnh mẽ theo quy định, xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU để nâng cao tính răn đe, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là các trường hợp tàu cá không thực hiện lắp đặt thiết bị VMS; tàu cá không mở thiết bị VMS hoặc sử dụng các biện pháp vô hiệu hóa hoạt động của thiết bị khi hoạt động trên biển; thuyền nghề giã cào bay hoạt động sai tuyến; tàu cá hoạt động không giấy phép hoặc giấy phép khai thác đã hết hạn; không khai báo, không ghi, không nộp nhật ký khai thác khi tàu cá ra cảng, vào cảng cá.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu các Sở, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chống khai thác IUU, nhất là phòng chống vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản bất hợp pháp; Các cơ quan thông tin, truyền thông tăng cường tuyên truyền thường xuyên về phòng, chống khai thác IUU để cộng đồng ngư dân ven biển, các thành phần kinh tế nhận thức đầy đủ, tự giác, chủ động chống khai thác IUU.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác