Khai thác không chủ ý các loài thủy sản nguy cấp phải ghi vào sổ nhật ký khai thác (20-05-2021)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Nghị định 26).
Khai thác không chủ ý các loài thủy sản nguy cấp phải ghi vào sổ nhật ký khai thác
Ảnh minh họa

Sau khi Luật Thủy sản số 18/2017/QH14 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26, sau hơn hai năm các quy định tại Nghị định 26 đã đi vào cuộc sống, tạo khung pháp lý quan trọng trong quản lý nhà nước về thủy sản, đã được cộng đồng doanh nghiệp, ngư dân và các tổ chức, đơn vị ủng hộ, tuân thủ thực hiện trên cả nước.

Tuy nhiên, sau quá trình triển khai có một số nội dung trong Nghị định 26 cần phải xem xét, rà soát điều chỉnh bảo đảm tính khả thi, tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa theo tinh thần cải cách hành chính, phù hợp với một số luật mới được ban hành và triển khai Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Trước những yêu cầu trên, để phù hợp hơn với các quy định và thực tiễn hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã hoàn thiện và lấy ý kiến của các tổ chức, các nhân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26 (Dự thảo) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Cụ thể, liên quan đến chế độ quản lý và bảo vệ loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 8 (Nghị định 26) Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung như sau:

Tổ chức, cá nhân nghiên cứu tạo giống ban đầu, sản xuất giống các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm phải thả tối thiểu 0,1% tổng số cá thể được sản xuất hàng năm vào vùng nước tự nhiên phù hợp. Quy trình thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được thực hiện như sau:

a) Tổ chức, cá nhân báo cáo sản lượng giống sản xuất được hàng năm và kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi gửi về cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh nơi đặt trụ sở hoạt động của tổ chức, cá nhân trước ngày 30/01.

b) Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo và đề xuất từ tổ chức cá nhân có liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh phê duyệt số lượng và kế hoạch tái thả.

c) Trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày kế hoạch được phê duyệt, tổ chức, cá  nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản để thực hiện hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

d) Sau khi hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản diễn ra, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, tại Điều 8, Nghị định  26, Dự thảo cũng đã bổ sung Khoản 9, với nội dung như sau:

Tổ chức, cá nhân khai thác không chủ ý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm trong quá trình khai thác thủy sản có trách nhiệm ghi lại các thông tin vào sổ nhật ký khai thác, sau đó đánh giá tình trạng sức khỏe và xử lý như sau:

a) Trường hợp còn khỏe mạnh thì thả về khu vực khai thác;

b) Trường hợp bị thương có thể cứu hộ thì thực hiện theo quy trình cứu hộ quy định tại khoản 6 Điều này.

c) Trường hợp bị thương đến mức không thể cứu chữa hoặc bị chết thì thả lại khu vực khai thác hoặc thực hiện theo khoản 8 Điều này”.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác