Truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm thủy sản khai thác là xu thế tất yếu đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu (17-12-2020)

Ngày 16-17/12, tại Thành phố Nha Trang – Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức Hội thảo quốc gia “Giới thiệu chương trình truy xuất nguồn gốc điện tử với sản phẩm thủy sản”. Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Truy xuất nguồn gốc điện tử sản phẩm thủy sản khai thác là xu thế tất yếu đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu

Tham dự Hội thảo có đại diện Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, các tổ chức quốc tế, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý các cảng cá, bến cá các tỉnh/thành phố ven biển, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cùng phóng viên báo đài đến đưa tin về Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng và Ông Thomas Huston Lyons - Cục phòng chống ma túy và thực thi pháp Luật quốc tế - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Thomas Huston Lyons đánh giá cao sự hợp tác giữa Việt Nam – Hoa Kỳ trong 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Với bờ biển có hơn 3.000 km, Việt Nam có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển nói chung và phát triển lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng. Phía Hoa Kỳ đã đánh giá cao những nỗ lực trong việc hiện đại hóa nghề cá của Việt Nam nhằm đưa nghề cá Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, minh bạch, có trách nhiệm. Các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm trong việc tháo gỡ cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) bằng việc hoàn thiện khung khổ pháp lý, xử lý nghiêm những trường hợp tàu cá vi phạm trong hoạt động đánh bắt bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ngành Thủy sản Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đóng góp hơn 3% GDP của Việt Nam, giúp tạo sinh kế ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người dân, Ông Lyons nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp là một chủ đề nóng hiện nay trong khu vực cũng như trên toàn cầu. Việt Nam bị cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với thủy sản khai thác xuất khẩu, cho thấy ngành khai thác thủy sản của Việt Nam đang tồn tại những bất cập trong quản lý, chưa đáp ứng đầy đủ các quy định của các thị trường xuất khẩu.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử là công nghệ mới giúp chống khai thác IUU hiệu quả, nhằm chứng minh truy xuất nguồn gốc thủy sản một cách minh bạch trong chuỗi. Đây cũng là một trong những yêu cầu mà phía Hoa Kỳ đang theo đuổi để tạo sự minh bạch công bằng và có trách nhiệm. Hiện Hoa Kỳ triển khai chương trình theo dõi những sản phẩm nhập khẩu vào hoa kỳ, nhằm kiểm soát những sản phẩm thủy sản có phải bất hợp pháp không? Ông Lyons khẳng định. Vì vậy, Đại sứ quán Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sớm triển khai những biện pháp nhằm minh bạch, có trách nhiệm trong hoạt động khai thác thủy sản, ngăn chặn tình trạng khai thác bất hợp (IUU).

Tại Hội thảo, Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, cho biết, nhật ký khai thác đã được quy định trong Luật Thủy sản năm 2003, theo đó, tùy theo từng nhóm tàu quy định hình thức ghi nhật ký khai thác khai khác nhau, báo cáo nhật ký khai thác khác nhau. Trong Luật Thủy sản 2017 đã cụ thể hóa quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm kiểm soát chặt chẽ theo chuỗi, cụ thể, các tàu thuyền phải thông báo trước 2 giờ khi tàu rời cảng hoặc cập cảng và phải xuất trình đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, khai báo các thông tin để lực lượng chức năng để kiểm tra đối chiếu nếu đảm bảo đầy đủ các điều kiện thì được đóng dấu vào giấy xác nhận. Mặt khác, theo Điều 4, Thông tư 21/2018/TT- của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về chứng nhận nguồn gốc thủy sản, thuyền trưởng tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản có chiều dài lớn nhất từ 12 mét trở lên hàng ngày ghi nhật ký khai thác thủy sản; nộp nhật ký này cho tổ chức quản lý cảng cá trong thời hạn 24 giờ sau khi tàu hoàn tất việc bốc dỡ thủy sản qua cảng. Đối với tàu có chiều dài lớn nhất từ 06 đến dưới 12 mét, thuyền trưởng phải ghi báo cáo khai thác thủy sản; nộp cho tổ chức quản lý cảng cá theo định kỳ 01 tuần/01 lần.

Ông Tuấn cho biết, Việt Nam đã tham gia tích cực các quy định của các tổ chức quốc tế về nghề cá, thời gian qua, Việt Nam cũng đã kịp thời cập nhật, hoàn thiện, bổ sung và tích hợp các quy định của các thị trường xuất khẩu vào khung khổ pháp lý để quản lý minh bạch, một cách đồng bộ, có hiệu quả, có trách nhiệm. Trong đó, hoạt động truy xuất nguồn gốc thủy sản được Việt Nam xem xét là một trong nội dung quan trọng để truy vết, truy xuất các sản phẩm nhằm quản lý nghề cá theo hướng hiện đại phù hợp với quản lý nghề cá của thế giới. Có thể nói hiện nay khung khổ pháp lý của Việt Nam đã cơ bản được xây dựng đầy đủ bao quát, việc thực thi pháp luật đối với nghề cá đã được triển khai nghiêm, kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phối hợp rất tích cực với các tổ chức quốc tế để hoàn thiện, đưa nghề cá phát triển theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ vào quản lý. Đáp ứng yêu cầu thông tin minh bạch, có trách nhiệm xã hội phục vụ xuất khẩu.

Tại Hội thảo, Ông Lê Văn Ninh – Phó Giám đốc Trung tâm Thông thông tin thủy sản – Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện nay, Tổng cục Thủy sản đã triển khai thí điểm phần mềm nâng cấp hệ thông chứng nhận nguồn gốc điện tử phục vụ chứng nhận và xác nhận thủy sản. Hiện phần mềm đã được triển khai thí điểm tại 02 tỉnh: Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa. Dựa trên chức năng nhiệm vụ, phần mềm đã được xây dựng phục vụ cho 05 đối tượng trong chuỗi quy trình quản lý truy xuất nguồn gốc thủy sản như: Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá, Văn phòng đại diện, Công ty chế biến và xuất khẩu và tàu cá.

Phần mềm đã thực hiện số hóa tất cả các khâu trong truy xuất nguồn gốc thủy sản, từ cấp phép, xuất, nhập cảng, cảnh báo những thông tin còn thiếu theo quy định xuất nhập cảng, ghi nhật ký khai thác, cập nhật vị trí tàu khai thác, thống kê sản lượng khai thác,…thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phầm mềm vẫn còn những khó khăn vướng mắc: như người dân thiếu trang bị các thiết bị điện thoại thông minh. Việc thay đổi thói quen sử dụng phần mềm của ngư dân cần phải có lộ trình thời gian. Trình độ nhận thức của ngư dân vẫn còn hạn chế tiếp cận với các ứng dụng. Nguồn lực để thực hiện còn hạn chế, kinh phí thực hiện lớn đòi hỏi người dân phải đầu tư kinh phí nhiều. Nghề cá Việt Nam là nghề cá đa loài khó kiểm soát theo từng đối tượng, sản lượng khai thác. Trong thời gian tới, cần tổ thí điểm ở một số đối tượng đơn loại như câu, vây. Song song với đó, cần hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử.

Ngoài ra, trước những yêu cầu của thị trường, một số phần mềm về truy xuất nguồn gốc thủy sản đã được các đơn vị phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước xây dựng triển khai thí điểm. Tuy nhiên, các phần mềm vẫn chưa giải quyết được vấn đề truy xuất toàn bộ chuỗi và còn nhiều bất cập cần hoàn thiện để đáp ứng với yêu cầu truy xuất cũng như khung khổ pháp lý.

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, xu hướng tất yếu trong quản lý nghề cá theo hướng hiện đại, bền vững, minh bạch, có trách nhiệm xã hội phù hợp với yêu cầu của các thị trường chúng ta cần xây một hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử quốc gia. Song song với đó cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai thực hiện phù hợp. Tổ chức tập huấn vận hành thí điểm cho các đối tượng trong chuỗi. Từ đó, tổng kết hoàn thiện phần mềm làm cơ sở tiến tới quy định bắt buộc sử dụng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc điện tử.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Nguyễn Quang Hùng khẳng định trong bối cảnh Việt Nam đang nổ lực khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC đối với sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu và Chương trình giám sát thủy sản xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng như yêu cầu từ thị trường, vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là một trong những mục tiêu quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam hiện nay. Vì vậy, triển khai truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử là nhiệm vụ tất yếu, cấp bách đối với ngành thủy sản Việt Nam hiện nay góp phần giải quyết những yêu cầu từ thị trường xuất khẩu. Để triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử, trước hết cần nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý để xây dựng một hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản quốc gia đồng bộ, đáp ứng truy vết toàn bộ chuỗi trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, đặc thù nghề cá của Việt Nam, trong thời gian tới Ông Nguyễn Quang Hùng yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai phù hợp. Tổ chức triển khai thí điểm tại các địa phương, chọn đối tượng cá ngừ đại dương để triển khai thực hiện thí điểm truy xuất nguồn gốc điện tử. Tổ chức Hội nghị, hội thảo để góp ý hoàn thiện, tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, từ đó, triển khai đồng bộ trên toàn quốc.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác