Thanh Hóa: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (05-11-2020)

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tính đến nay, số lượng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình mới chỉ đạt 39 % tổng số tàu phải lắp. Để hoàn thành lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát tàu cá (VMS) theo quy định, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa lắp thiết bị giám sát hành trình.
Thanh Hóa: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Ngay sau khi Ủy ban Châu Âu ra cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Văn bản số 81-CT/TW ngày 20/3/2020 về tăng cường lãnh đạo chỉ đạo công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gọi tắt là Văn bản số 81.

Theo đó, yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp có liên quan từ Trung ương đến địa phương đảm bảo thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để ngăn chặn, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); coi đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng” của EC đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu, quyết tâm không để bị “thẻ đỏ”.

Đồng thời, yêu cầu người đứng đầu của các Bộ, ban, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chỉ đạo, tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, tầng lớp nhân dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan nội dung Văn bản số 81, đảm bảo nắm chắc, hiểu rõ và tuân thủ triển khai thực hiện các giải pháp, quy định về chống khai thác IUU.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng cũng đã huy động vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã thực hiện các giải pháp đồng bộ, thực hiện kiểm tra, kiểm soát, tổ chức các đợt thanh tra, kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực, từ đâu năm đến nay, nhiều tỉnh/thành phố không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 10/10/2020, tổng số tàu cá khai thác hải sản của tỉnh Thanh Hóa là 7.183 chiếc; trong đó có 6.208 tàu cá đã đăng ký. Trong thời gian qua, để quản lý một cách có hiệu quả và đồng bộ, tỉnh Thanh Hóa đã tập trung cập nhật số lượng và dữ liệu liên quan đến tàu cá đang quản lý trên địa bàn tỉnh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase), tính đến này đã có 3.168 tàu cá được cập nhật, trong đó: 814 tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 2.354 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên (đạt 100% tàu vùng lộng và vùng khơi). Bên cạnh đó, đã cập nhật kết quả các dữ liệu về đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, tàu ra vào cập cảng, sản lượng thủy sản qua cảng vào hệ thống dữ liệu nghề cá quốc gia.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành đăng kiểm được 975 tàu, lũy kế số tàu còn hạn đăng kiểm là 1.397 tàu, đạt 59,3%. Cùng với đó, các đơn vị chức năng đã kịp thời thực hiện cấp giấy phép khai thác thủy sản cho các tàu cá trên địa bàn theo đúng đối tượng. Tính đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã cấp giấy phép khai thác cho 2.272 tàu cá có chiều dài từ 12m trở lên, đạt 97% tàu cá hoạt động vùng lộng và vùng khơi. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tiến hành cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 238 tàu cá, đạt 18% tổng số tàu cá thuộc diện phải cấp, còn lại 1.073/1.311 tàu cá chưa thực hiện, chiếm 82%.

Hiện nay, đã tiến hành đánh dấu tàu cá được 3.965 tàu, đạt 93,7%. Số lượng tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình (VMS) là: 510/1.311 tàu cá, đạt 39 % tổng số tàu phải lắp.

Trong 9 tháng đầu năm, các Ban Quản lý cảng cá, Văn phòng đại diện kiểm tra, lập biên bản 2.947 lượt tàu, trong đó: kiểm tra 1.706 tàu đủ điều kiện rời cảng; 145 tàu cá không đủ điều kiện rời cảng, kiểm tra 1.053 tàu đủ điều kiện cập cảng; 03 tàu cá không đủ điều kiện cập cảng; thu nhật ký khai thác thủy sản được 970 tàu (đạt 92% tàu cập cảng); cấp 06 Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác, với tổng sản lượng 140 tấn. Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra, kiểm soát 5.093 phương tiện, với 21.063 lao động, xử phạt 42 tàu cá vi phạm; nhắc nhở 948 tàu cá không đảm bảo trang bị an toàn; không cho xuất bến 514 phương tiện/3.051 lao động.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 08 cảng cá, trong đó: 03 cảng cá loại II được chỉ định cho tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên cập cảng, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác; 04 cảng cá loại III do cấp huyện quản lý; 01 cảng cá đảo Hòn Mê

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định công bố mở cảng cá loại II cho 02 cảng cá: Lạch Hới và Hòa Lộc; UBND huyện Tĩnh Gia đã ban hành quyết định công bố cảng cá loại III cho cảng cá Hải Châu; các cảng cá đủ điều kiện công bố mở cảng cá: Cảng cá Lạch Bạng, phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn và cảng cá Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, các Ban Quản lý cảng cá đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền công bố mở cảng theo quy định.

Kiên quyết từ chối bốc dỡ hàng hóa qua cảng đối với các tàu cá vi phạm

Để chấm dứt tình trạng khai thác IUU, trong thời, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt trong đó tập trung đẩy mạnh thực hiện một số nội dung như:

Tập trung thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với từng đối tượng, từng chủ tàu/thuyền trưởng, thuyền viên về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các quy định về chống khai thác IUU, đảm bảo chủ tàu/thuyền trưởng nắm chắc, hiểu rõ và tuân thủ đầy đủ các quy định.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển và các cửa lạch để kịp thời ngăn chặn các hành vi khai thác IUU; kiên quyết không cho xuất bến đối với các tàu cá không đảm bảo điều kiện theo quy định, nhất là các tàu cá sử dụng lao động không đúng quy định, không có đầy đủ giấy tờ, không có đủ trang thiết bị an toàn; không trang bị hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tiếp tục rà soát, hướng dẫn các chủ tàu cá hoàn thành việc đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, không biển số, đánh dấu tàu cá, ghi nộp nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản; hoàn thành lắp đặt và duy trì hoạt động của thiết bị giám sát tàu cá (VMS) theo quy định; tổ chức vận hành hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá. Tổ chức thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho tàu cá; rà soát, nhập đầy đủ dữ liệu tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, nhật ký khai thác thủy sản vào Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa sẽ kiên quyết từ chối bốc dỡ hàng hóa qua cảng đối với các tàu cá có hành vi khai thác bất hợp pháp và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. thực hiện tốt công tác xác nhận thủy sản khai thác; cập nhật số liệu giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng vào cơ sở dữ liệu quốc gia nghề cá. Đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại cảng cá theo quy định.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác