Bình Định: 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản tăng 2,2% (29-09-2020)

Tình hình thời tiết thuận lợi cùng với việc giá nhiên liệu giảm đã tạo động lực cho ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh tăng so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá các loại thủy sản giảm mạnh.
Bình Định: 9 tháng đầu năm, sản lượng khai thác thủy sản tăng 2,2%

Sản lượng khai thác biển 9 tháng đầu năm ước đạt 207.904 tấn (tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2019); Trong đó sản lượng khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 9.250 tấn. Đối với cấp Giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi, toàn tỉnh được giao 3.118 hạn ngạch, ngoài ra có 182 tàu xin phép cải hoán chiều dài để được khai thác thủy sản vùng khơi (đã cải hoán xong và được cấp hạn ngạch giấy phép vùng khơi). Từ ngày 02/5/2019 đến nay, đã cấp 3.118 hạn ngạch giấy phép (đạt 100%). Đối với cấp phép hạn ngạch cho tàu cá vùng lộng và vùng bờ, UBND tỉnh đã công bố hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng ven bờ, trong đó 1.388 hạn ngạch vùng lộng, 1.609 hạn ngạch vùng ven bờ. Từ ngày 28/5/2019 đến nay, đã cấp 729 hạn ngạch giấy phép vùng lộng (chiếm 52,5%), 454 hạn ngạch giấy phép vùng ven bờ (chiếm 28,2%). Về công tác xác nhận, chứng nhận thủy sản khai thác, đã kiểm tra và cấp 108 giấy chứng nhận thủy sản khai thác cho 1.033 tấn cá các loại (bằng 66% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó Cá ngừ các loại 864 tấn (bằng 80% so với cùng kỳ năm 2019).

  Triển khai thực hiện Đề án thực thi Luật Thủy sản 2017 và các giải pháp cấp bách chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Chi cục Thủy sản Bình Định đã thực hiện tốt công tác tham mưu chỉ đạo điều hành. Đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình UBND tỉnh ban hành 18 văn bản chỉ đạo thực hiện và tổ chức 5 cuộc họp để đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp cấp bách về khắc phục thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC); Tham mưu  Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành trên 20 văn bản chỉ đạo và đề nghị các Sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp triển thực hiện; Tham mưu tổ chức 10 đợt công tác kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện tại các cảng cá, UBND xã/phường ven biển.

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến; Kết hợp với các lớp tập huấn của các chương trình/dự án, Chi cục đã tổ chức tuyên truyền cho ngư dân các quy định liên quan đến Luật Thủy sản 2017, các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và đặt biệt là nội dung quy định tại Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và các văn bản khác có liên quan; Xây dựng 10 pano tuyên truyền tại cảng cá Tam Quan, Quy Nhơn, Đề Gi và các xã/phường ven biển; Phát hơn 6.000 tờ rơi cho chủ tàu, dán trên các tàu cá khai thác thủy sản và in ấn 50 áp phích với nội dung chống khai thác IUU, dán tại các cảng cá, nơi tập đông ngư dân;

Đồng thời, cung cấp thông tin cho các Đài phát thanh, truyền hình tỉnh, báo chí để xây dựng phóng sự, viết tin bài tuyên truyền phổ biến rộng rãi cho ngư dân, doanh nghiệp, người làm công tác quản lý thủy sản tại địa phương. Hàng tháng viết 02 bài tuyên truyền về nội dung chống khai thác IUU, Luật Thủy sản 2017 gửi các địa phương ven biển, ven đầm để phát trên Đài truyền thanh huyện, thành phố và các xã/phường ven biển cho ngư dân biết. Phối hợp với chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng tổ chức cho 3.300 chủ tàu khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong 9 tháng đầu năm 2020, 03 Tổ thường trực tại cảng cá đã kiểm tra 3.453 lượt tàu rời cảng (Tam Quan: 1.798 lượt tàu, Đề Gi: 797 lượt tàu, Quy Nhơn: 858 lượt tàu) và 2.569 lượt tàu cập cảng (Tam Quan: 1.459 lượt tàu, Đề Gi: 449 lượt tàu, Quy Nhơn: 661 lượt tàu). Từ đầu năm đến nay đã thực hiện kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho 920 tàu cá trên địa bàn tỉnh.  Đến thời điểm hiện tại có tổng số 2.404 tàu cá có Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm còn hạn.

Về công tác lắp đặt và sử dụng thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, Bình Định hiện có 3.143 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đang hoạt động khai thác thủy sản ở vùng biển khơi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (theo quy định tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP). Đến nay, 100% tàu cá 15 mét trở lên đang hoạt động khai thác đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đã tổ chức thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt 02 đợt hỗ trợ kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình năm 2020 cho 2.494 hồ sơ. Trong 9 tháng đầu, Chi cục đã tiếp nhận và xử lý 21 vụ việc tàu cá gặp sự cố trên biển. Ngay khi nhận được thông báo, Chi cục Thủy sản Bình Định đã nhanh chóng xác minh thông tin, báo cáo Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh xử lý kịp thời, liên hệ với các đơn vị liên quan hỗ trợ, đồng thời thông qua Hệ thống Trạm bờ kêu gọi các tàu trong tổ đoàn kết khai thác hải sản, tàu hoạt động gần nơi có tàu bị nạn để hỗ trợ ứng cứu. So với cùng kỳ năm 2019, số vụ tàu cá gặp sự cố trên biển giảm một nửa.

Chi cục đã triển khai ký hợp đồng Phong trào toàn dân bảo vệ nguồn lợi thủy sản với 31 xã/phường tham gia trên toàn tỉnh; Căn cứ vào tình hình thực tế các địa phương đã xây dựng kế hoạch và nội dung đăng ký thực hiện thi đua của phong trào. Chi cục  phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, hỗ trợ từng địa phương thực hiện các nội dung đã đăng ký, hỗ trợ giải quyết các vấn đề trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Phối hợp với Hiệp hội Thủy sản, Phòng Kinh tế thành phố Quy Nhơn, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD), tổ chức triển khai các hoạt động tham vấn chính quyền và cộng đồng, lấy ý kiến của dân và chính quyền địa phương về thành lập Tổ chức cộng đồng (TCCĐ), hội nghị thành lập Tổ chức cộng đồng tại xã Nhơn Hải về việc giao cộng đồng khoanh vùng bảo vệ tại khu vực Hòn khô nhỏ. Kết quả, đến tháng 4/2020, 08 ha diện tích tại khu vực Bãi Dứa xã Nhơn Lý đã được UBND thành phố Quy Nhơn quyết định giao quyền quản lý cho TCCĐ thực hiện đồng quản lý theo Luật thủy sản 2017. Đối với mô hình Đồng quản lý xã Nhơn Hải đã hoàn tất các thủ tục và đang trình UBND thành phố Quy Nhơn phê duyệt. Hiện nay, UBND xã Nhơn Châu và   UBND phường Ghềnh Ráng đang tiến hành các thủ tục để được công nhận giao quyền quản lý trong thời gian tới.

Công tác bảo vệ các loài thủy sản quí hiếm (đặc biệt là rùa biển) đã được tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân. Nhận thức của người dân được nâng lên nhiều. Tháng 3/2020 Chi cục đã tuyên truyền, vận động được một ngư dân ở phường Đống Đa giao nộp một con Đồi mồi do thu mua  để thả về môi trường biển tự nhiên. Phối hợp với Hiệp hội Thủy sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ tham gia các chương trình/dự án với mục tiêu: Bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của thủy sản, phục hồi nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường.

Chi cục đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh, phòng Cảnh sát giao thông và chính quyền địa phương các huyện, xã ven biển tổ chức 26 chuyến tuần tra, kiểm soát trên đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, khu vực ven biển Quy Nhơn, Phù Cát. Đã kiểm tra nhắc nhở 2006 lượt tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 110 trường hợp, đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 108 trường hợp.

Bình Định hiện có 61 tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 (48 tàu vỏ thép, 08 tàu vỏ composite, 05 tàu vỏ gỗ). Trong quá trình hoạt động, đến nay, có 04 tàu bị áp thấp nhiệt đới và bão làm chìm, 57 tàu vẫn hoạt động (trong đó 54 tàu khai thác, 03 tàu dịch vụ). Thực hiện Nghị định số 17/2018/NĐ-CP đến nay, Bình Định có 01 tàu cá vỏ composite đóng mới, có chiều dài lớn nhất 24 mét, công suất máy chính 822 CV, nghề lưới Vây. Qua nắm bắt tình hình và trao đổi với các chủ tàu về hiệu quả sản xuất từ khi hoạt động đến nay, kết quả 38/54 tàu hoạt động có lãi; 11/54 tàu hoạt động hòa vốn; 5/54 tàu hoạt động thua lỗ, hiệu quả thấp (các tàu bị thua lỗ chủ yếu do không đi sản xuất, do thiếu lao động hoặc do tàu có thiết kế không phù hợp khi hoạt động bị lưới quấn chân vịt phải khắc phục, sửa chữa nhiều lần).

Trong 9 tháng đầu năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân tỉnh, được sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các đơn vị liên quan và chính quyền địa phương, tỉnh Bình Định đã quản lý tàu cá và chỉ đạo sản xuất thủy sản đạt hiệu quả. Công tác tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm hành chính được các đơn vị liên quan phối hợp hiệu quả, đã tổ chức các chuyến tuần tra kiểm soát khu vực đầm Thị Nại, đầm Đề Gi, vùng biển ven bờ thành phố Quy Nhơn và một số xã ven biển (như: xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu, vùng biển Hoài Nhơn). Nhờ đó, đã phát hiện và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm trong hoạt động khai thác thủy sản.

Mặc dù các ngành, các cấp, chính quyền địa phương của tỉnh Bình Định đã có nhiều cố gắng trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định, hình thức xử lý vi phạm của một số nước, nhưng tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ vẫn chưa chấm dứt; Chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các tàu cá bị cảnh báo qua hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá; Vẫn còn tàu cá chưa thực hiện cấp lại Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định (tập trung chủ yếu đối với nhóm tàu cá hoạt động khai thác ở vùng bờ, vùng lộng).

Về công tác tuần tra, kiểm soát tàu cá, trong quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn như: việc phối hợp xử lý tàu vi phạm giữa các đơn vị liên quan chưa chặt chẽ, làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý tàu vi phạm. Ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản của một số chủ tàu cá (đặc biệt giã cào) còn thấp, thiếu am hiểu pháp luật và còn xem thường pháp luật, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý tàu vi phạm.

Trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tập trung triển khai công tác kiểm tra an toàn kỹ thuật đối với các tàu cá. Triển khai thực thi Luật Thủy sản 2017 và chống khai thác IUU. Phối hợp Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm soát Biên phòng, chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính, xử lý nghiêm minh đối với các tàu cá bị cảnh báo hoặc tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. Tiếp tục phối hợp với lực lượng cảnh sát đường thủy, Biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển để ngăn chặn, xử lý nghiêm các tàu cá không có giấy tờ hoạt động khai thác thủy sản. Phối hợp với các Đồn Biên phòng, Công an, Phòng Kinh tế/Nông nghiệp và PTNT và chính quyền địa phương ven biển/đầm tuần tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản ở Cảng cá Đề Gi, Cảng cá Quy Nhơn.

Về công tác Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản sẽ theo dõi, đôn đốc và đánh giá kết quả thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản” của 31 xã/phường; Phối hợp với Hiệp hội Thủy sản tổ chức 02 Hội nghị thành lập  Tổ chức cộng đồng tại xã Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng. Phối hợp tổ chức cuộc thi truyền thông “Bảo vệ san hô và chống ô nhiễm rác thải nhựa” tại khu vực 4 xã, phường thuộc dự án Vịnh quy Nhơn. Tập huấn, hướng dẫn cán bộ địa phương và các Tổ đồng quản lý để rà soát và hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng theo Luật thủy sản 2017 tại khu vực Đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ. Tổ chức Hội nghị tổng kết và nhân rộng mô hình kết quả thực hiện Đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác