Việt Nam quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU (23-09-2020)

Ngày 19/9/2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành thông báo 335/TB-VPCP về Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ tư Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Việt Nam quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU

Theo đánh giá, thời gian qua, Việt Nam tiếp tục phối hợp tích cực với Ủy ban Châu Âu (EC) tổ chức triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, các Bộ, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, một số công việc đã có sự tiến bộ so với trước như đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đạt trên 80%, công tác xử phạt vi phạm khai thác IUU đã được tăng cường. Qua trao đổi, phía EC tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai thực hiện chống khai thác IUU.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được sau thời điểm kiểm tra lần thứ hai của đoàn thanh tra EC tại Việt Nam đến nay, phía EC đánh giá một số công tác vẫn còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét, cụ thể như: Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, đánh dấu tàu cá theo lộ trình quy định chưa được đảm bảo theo tiến độ quy định; Công tác xử phạt hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài còn hạn chế, chưa tương xứng với số vụ việc vi phạm, đặc biệt tiếp tục xảy ra tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, có giảm nhưng chưa vững chắc và diễn biến còn phức tạp. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình biển Đông vẫn còn có các tranh chấp không còn ở khía cạnh kinh tế mà còn liên quan đến vấn đề chính trị, ngoại giao, chủ quyền biển đảo.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế đó, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, Ban, Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ dưới đây:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt, triển khai quyết liệt các ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan để thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, trong đó chú trọng các nội dung: Đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch thực hiện cụ thể, tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu liên quan, phối hợp ngăn chặn, xử lý hành vi khai thác IUU, kịp thời báo cáo các công việc mới, phát sinh, vượt thẩm quyền để được chỉ đạo, điều phối. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trong và ngoài nước về kết quả triển khai chống khai thác IUU, đảm bảo các mặt tích cực, được lan tỏa, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, các cá nhân, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các thông tin sai lệch, tiêu cực, không chính xác. Tuyên truyền, phổ biến các quy định về chống khai thác IUU cho người dân và các thành phần có liên quan để cập nhật thông tin và tuân thủ thực hiện các quy định. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU về Bộ Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Các Bộ, Ban, Ngành và địa phương tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, hợp tác song phương, đa phương trong lĩnh vực thủy sản, đặc biệt là hợp tác khai thác thủy sản, đàm phán, ký kết các Thỏa thuận, Điều ước quy định liên quan đến chống khai thác IUU giữa Việt Nam với các nước có liên quan. Tích cực đóng góp sáng kiến cho các tổ chức nghề cá khu vực, quốc tế về phát triển nghề cá bền vững, chống khai thác IUU, tăng cường công tác trao đổi, chia sẻ thông tin, kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của các nước, tổ chức, cá nhân liên quan, chứng minh sự cầu thị, nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong công tác chống khai thác IUU, gỡ “Thẻ vàng”.

Thứ hai, triển khai các giải pháp ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, đây là điều kiện tiên quyết để EC xem xét gỡ “thẻ vàng”, cụ thể: Bộ Quốc phòng tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển ranh giới, chồng lấn, tranh chấp chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, Ngành có liên quan và 28 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ven biển kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá trước khi xuất, cập bến, kiên quyết không cho tham gia hoạt động khai thác thủy sản trên biển nếu không đảm bảo hồ sơ, giấy tờ, trang thiết bị theo quy định, đặc biệt là thiếu thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS), kiểm soát chặt chẽ lao động tham gia vào hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật. Chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành giữa các Bộ, Ban, Ngành và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển với các giải pháp cụ thể để trao đổi thông tin, phát hiện phòng ngừa sớm, điều tra xử lý kịp thời các vụ vi phạm, kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài tại các địa phương trọng điểm, có nhiều vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ Công an tập trung chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc bám sát các địa bàn, tập trung điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài tại các địa phương trọng điểm, có nhiều vụ việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp, hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước, khu vực có liên quan trong công tác điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc.

Bộ Ngoại giao tăng cường thúc đẩy đàm phán ký kết phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam và các nước, trước mắt đề nghị phía Bạn ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác hải sản tại khu vực vùng biển đang chồng lấn, chưa được phân định giữa hai nước để làm cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân hai nước, không làm phức tạp tình hình khi bắt giữ, xử lý tàu cá Việt Nam hoạt động ở khu vực này, mọi tranh chấp vùng biển phải được giải quyết trên cơ sở đàm phán ngoại giao giữa hai nước. Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan kiên quyết đấu tranh, đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngư dân Việt Nam khi bị lực lượng chức năng các nước bắt giữ, xử lý trái phép. Tăng cường công tác nắm tình hình tại nước sở tại, thu thập thông tin tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ để trao đổi, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng trong nước điều tra, xử lý các vụ việc kịp thời.

Các Bộ Ngành liên quan và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tăng cường phối hợp điều tra, xử lý vi phạm khai thác IUU.

          Thứ ba, tăng cường triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt là các quy định liên quan về chống khai thác IUU, đảm bảo có kết quả trên thực tế. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện chống khai thác IUU, kiểm tra giám sát việc thực hiện Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Triển khai thực hiện Hiệp định Biện pháp các quốc gia có cảng của Tổ chức nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đảm bảo độ tin cậy trong công tác kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của tàu nước ngoài nhập cảng. Chỉ đạo, phối hợp các địa phương thực hiện chiến lược thủy sản, tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng giảm khai thác, tăng nuôi trồng (nhất là nuôi biển), giảm cường lực khai thác, từ đó giảm áp lực về ngư trường, nguồn lợi, lao động nghề cá, giảm số lượng tàu cá.

Bộ Thông tin truyền thông nghiên cứu phương án hỗ trợ miễn phí và lệ phí tần số cho chủ tàu cá lắp đặt, vận hành, sử dụng thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Định hướng thông tin tuyên truyền, tăng thời lượng, nội dung, chất lượng thông tin, tuyên truyền về nỗ lực chống khai thác IUU của Việt Nam, khai thác triệt để các mặt tích cực, các trường hợp, kết quả điển hình tiêu biểu, kiểm soát chặt chẽ các thông tin, tránh gây bất lợi, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ “Thẻ vàng”.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá để đảm bảo công tác theo dõi, quản lý hoạt động tàu cá đồng bộ, kịp thời. Tăng cường công tác thực thi pháp luật. Thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ IUU.

Phó Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội Chế biến và XK Thuỷ sản Việt Nam, cùng với các DN xuất khẩu thuỷ sản chung tay cùng Chính phủ hỗ trợ nguồn lực để chống khai thác IUU; "Nói không với IUU" kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, XK các sản phẩm thuỷ sản có nguồn gốc từ khai thác IUU. Các DN, tổ chức, cá nhân vì lợi ích riêng tiếp tay, dung túng, cố tình vi phạm các quy định về IUU phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác