Tình hình sản xuất và quản lý hoạt động thủy sản ở Nam Định (11-06-2020)

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 80.040 tấn, bằng 48,07% kế hoạch và bằng 101,47% so với cùng kỳ 2019.
Tình hình sản xuất và quản lý hoạt động thủy sản ở Nam Định
Ảnh minh họa

Sản xuất thủy sản

Về nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm 2020 đến nay, các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh Nam Định đã tiến hành sản xuất giống các loại cá truyền thống và các loại giống nước mặn lợ: cua, hàu, ngao, tôm sú, cá bống bớp. Tổng sản lượng con giống sản xuất ước đạt 8.665 triệu con, đạt 67,33% kế hoạch năm, trong đó nước ngọt 850 triệu con, nước mặn lợ 7.815 triệu con. Một số cơ sở đã nhập Post tôm sú, tôm thẻ chân trắng về ương dưỡng và cung cấp cho người nuôi, ước tính lượng giống nhập khoảng 700 triệu con.

Toàn tỉnh có 16.215ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó, nuôi mặn lợ 6.415ha, nuôi nước ngọt 9.800ha. Các đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu các loài cá truyền thống và một số loài có giá trị kinh tế cao như: cá trắm đen, cá diêu hồng, cá lóc bông. Trong nuôi mặn lợ, các đối tượng nuôi chủ yếu như tôm nước lợ, ngao và một số loài cá biển (cá bống bớp, cá song, cá vược) và được nuôi tập trung tại 3 huyện ven biển.

Các đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm tiếp tục được thu hoạch, các đối tượng nuôi an toàn, không có dịch bệnh xảy ra. Các vùng nuôi tập trung đã được cải tạo xong. Người dân đã đưa vào thả nuôi trên 95% diện tích nuôi nước ngọt, khoảng 2.300ha tôm sú, 350 – 400ha tôm thẻ chân trắng. Ước tính sản lượng thu hoạch là 52.090 tấn (bằng 46,73% kế hoạch, bằng 105,73% cùng kỳ năm 2019). Trong đó, nuôi nước ngọt đạt 25.670 tấn, nuôi nước mặn lợ đạt 26.420 tấn.

Về khai thác thủy sản, hiện nay, toàn tỉnh có 2.168 tàu cá, với tổng công suất là 284.490 CV, tổng số lao động trực tiếp khoảng 6.194 người, nghề khai thác chủ yếu là lưới rê và lưới kéo. Đối với nghề khai thác xa bờ, thời tiết 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi nên tàu thuyền của ngư dân trong tỉnh tích cực vươi khơi, bám biển tìm kiếm ngư trường, một số nghề có hiệu quả khai thác cao ngư nghề rê hỗn hợp huyện Hải Hậu đạt doanh thu trung bình 90 triệu đồng/chuyến/10 ngày với các sản phẩm chính là cá thu, cá đao, ngư trường chính là vùng biển Vịnh Bắc Bộ và miền Trung; nghề lưới kéo doanh thu trung bình 3 – 5 triệu đồng/chuyến/2 ngày.

Đối với nghề khai thác ven bờ, chủ yếu là rê trôi, phương tiện sử dụng là bè mảng và thuyền mủng, số lượng phương tiện khai thác công suất nhỏ đã giảm mạnh đến nay chỉ còn chiếm tỷ lệ trên 60% tổng số tàu thuyền toàn tỉnh và đang tiếp tục có xu hướng giảm, các đối tượng khai thác chủ yếu là cá nhụ, lanh, sứa, cá khoai, moi. Tuy nhiên, đối tượng khai thác đem lại hiệu quả chủ yếu là khai thác sứa, cá tạp và moi, doanh thu trung bình từ 1 - 4 triệu đồng/chuyến.

Tổng sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 27.950 tấn, đạt 50,8% kế hoạch. Trong đó, khai thác hải sản 27.169 tấn, khai thác nước ngọt 781 tấn.

Công tác quản lý hoạt động sản xuất thủy sản

Về hoạt động nuôi trồng thủy sản, hàng tháng có thông báo kết quả sản xuất thủy sản và hướng dẫn triển khai nhiệm vụ tháng tiếp theo. Ngay từ đầu năm, Ban quản lý giống thủy sản đã họp và kiện toàn Ban chỉ đạo quản lý giống thủy sản, xây dựng phương hướng hoạt động của Ban chỉ đạo nhằm phát triển mạnh sản xuất giống hải sản, nâng cao chất lượng giống thủy sản nước ngọt của tỉnh; đảm bảo các cơ sở sản xuất phải đáp ứng được điều kiện sản xuất theo Luật Thủy sản 2017. Xây dựng kế hoạch kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Kế hoạch quan trắc, cảnh báo môi trường NTTS năm 2020. Tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển sản xuất chăn nuôi thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2020. Thường xuyên phối hợp với phòng Nông nghiệp & PTNT các huyện và UBND các xã có nuôi tôm nước lợ hướng dẫn các hộ nuôi tôm nước lợ thực hiện thủ tục đăng ký đối tượng nuôi thủy sản chủ lực theo quy định.

Về hoạt động quản lý tàu cá, khai thác thủy sản: Chỉ đạo Chi cục Thủy sản thực hiện công tác đăng ký, đăng kiểm tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản theo quy định. Rà soát, thông báo chủ tàu cá hết hạn đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu hết hạn đăng kiểm. Xây dựng kế hoạch lắp đặt, vận hành thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên. Tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ mua sắm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho ngư dân tỉnh Nam Định. Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng chuẩn bị phương tiện, ngư cụ, trang thiết bị cần thiết, tích cực vươn khơi bám biển, động viên khuyến khích ngư dân yên tâm sản xuất, chấp hành các quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác thủy sản trái phép.

Định hướng hoạt động trong thời gian tới

Đối với việc đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè: người dân hiện nay gặp nhiều khó khăn trong việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước khi được giao/cho thuê hoặc quyết định giao/hợp đồng cho thuê khu vực mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè. Nguyên nhân do việc triển khai giao/cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản lồng bè chưa được địa phương triển khai.

Đối với quản lý tàu cá, cảng cá: Các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá không tuyển được cán bộ chuyên môn do không có cơ sở đào tạo. Công bố mở cảng cá loại III còn chậm do các cảng cá tư nhân chưa đủ các điều kiện để công bố hoạt động.

Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định tập trung chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống căn cứ lịch mùa vụ, nhu cầu thực tiễn để tiếp tục sản xuất, cung cấp các loại giống thủy sản đảm bảo chất lượng cung ứng kịp thời cho người nuôi. Phối hợp với các đơn vị hướng dẫn và đôn đốc người dân tăng cường chăm sóc đối tượng nuôi, phòng bệnh tổng hợp, quản lý tốt sức khỏe đối tượng nuôi. Giám sát chặt chẽ các vùng nuôi, tình hình xuống giống, phát triển và thu hoạch các đối tượng nuôi. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy định về quản lý nuôi trồng thủy sản: điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản, đăng ký nuôi chủ lực, đảm bảo An toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Đối với hoạt động khai thác thủy sản: Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình an ninh trật tự trên biển để kịp thời chỉ đạo và đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất trên biển. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân khai thác hải sản theo tổ đội đảm bảo an toàn, liên kết sản xuất theo hướng nâng cao giá trị. Tăng cường công tác quản lý cảng cá, quản lý ngư trường nguồn lợi thủy sản, rà soát, xác minh những tàu cá hết hạn giấy phép, hết hạn đăng kiểm, thông báo các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương có biện pháp xử lý.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác