Quy định về Khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam (18-04-2019)

Ngày 08/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Trong đó, có một số nội dung quy định về Khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam.
Quy định về Khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam
Ảnh minh họa

Theo Điều 46, tàu cá hoạt động khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam phải có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên, không vi phạm khai thác bất hợp pháp; Có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO); Có quan sát viên theo quy định của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực hoặc quốc gia ven biển. Thuyền viên và người làm việc trên tàu cá phải có Giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng quản lý nghề cá tại vùng biển quốc tế đối với trường hợp cấp giấy phép đi khai thác tại vùng biển do Tổ chức quản lý nghề cá khu vực quản lý. Tàu cá phải trang bị, lắp đặt thiết bị thông tin liên lạc, hàng hải trên tàu cá bao gồm: Máy thu phát vô tuyến điện thoại sóng cực ngắn (VHF) có bộ phận gọi, chọn số và thu trực canh (DCS) trên kênh 70 hoặc 16; máy thu phát vô tuyến điện (MF/HF); máy thu tự động thông báo hàng hải và thời tiết (NAVTEX), phao chỉ báo vị trí khẩn cấp (EPIRB), thiết bị định vị vệ tinh (GPS); Đồng thời, tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tự động truyền qua hệ thống thông tin vệ tinh.

Việc cấp văn bản chấp thuận cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam hoặc cấp phép cho đi khai thác tại vùng biển thuộc thẩm quyền quản lý của Tổ chức quản lý nghề cá khu vực. Theo đó, tổ chức/cá nhân đăng ký cấp văn bản chấp thuận cho tàu cá khai thác thủy sản ở vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam gửi hồ sơ đến Tổng cục Thủy sản. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, nếu không cấp văn bản chấp thuận hoặc không cấp phép, Tổng cục Thủy sản phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do; nếu hồ sơ đạt theo yêu cầu Tổng cục Thủy sản xem xét và cấp văn bản chấp thuận hoặc giấy phép. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp, Tổng cục Thủy sản phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có tàu đi khai thác thủy sản ở vùng biển Việt Nam và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao biết để phối hợp theo dõi và quản lý.

Về phía các tổ chức/cá nhân khi nhận văn bản chấp thuận hoặc giấy phép và các giấy tờ có liên quan phải nộp cho Tổng cục Thủy sản bản chính Giấy phép khai thác thủy sản hoạt động trong vùng biển Việt Nam đã được cấp. Trường hợp tổ chức/cá nhân có nhu cầu nhận lại Giấy phép khai thác thủy sản thì gửi đề nghị đến Tổng cục Thủy sản; Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Tổng cục Thủy sản sẽ trả lại Giấy phép khai thác thủy sản mà tổ chức/cá nhân đã nộp.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác