Tàu cá, tàu biển không được dừng và thả neo trong khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng (18-06-2018)

Đó là một trong những nội dung được quy định tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản 2017 đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến các Bộ, ban, ngành.
Tàu cá, tàu biển không được dừng và thả neo trong khu bảo tồn biển, trừ trường hợp bất khả kháng
Ảnh minh họa

Khu bảo tồn biển là công cụ quản lý hữu hiệu để duy trì và phát triển các ngành kinh tế dựa vào hệ sinh thái như nghề cá, du lịch biển, là nơi bảo tồn, lưu giữ, tạo hiệu ứng phục hồi và phát tán nguồn dinh dưỡng, nguồn giống và bổ sung nguồn lợi thủy sản trong và ra toàn vùng biển. Mặt khác cũng là một hoạt động ‘kinh tế sinh thái’ hướng tới tăng trưởng xanh và nhu cầu có một hệ thống khu bảo tồn biển đại diện cho toàn vùng biển. Mục tiêu chung thiết lập khu bảo tồn biển nhằm hướng tới bảo tồn đa dạng sinh học; phát triển và quản lý nghề cá bền vững và có trách nhiệm; duy trì và phát triển du lịch sinh thái - nghề cá giải trí; cải thiện sinh kế cho người dân sống trong và lân cận khu bảo tồn biển; quản lý môi trường biển; góp phần bảo vệ chủ quyền biển - đảo. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch đã đặt công tác bảo tồn biển trước nhiều thách thức.

Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường và đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn biển hiện nay, vấn đề quan trọng nhất là tăng cường vai trò quản lý nhà nước theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương, mặt khác có cơ chế khuyến khích cộng đồng tham gia và được hưởng lợi từ chính hoạt động này.

Để quản lý hiệu quả các hoạt động trong Khu bảo tồn biển được quy định tại Luật Thủy sản 2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã dự thảo và đang lấy ý kiến Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản 2017. Trong đó, về quản lý khu bảo tồn biển đã quy định phân khu chức năng, quản lý các hoạt động; trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của các tổ chức cá nhân có các hoạt động liên quan trong quản lý Khu bảo tồn biển và vùng đệm trong Khu bảo tồn biển.

Đối với phân khu chức năng, mỗi khu bảo tồn biển được phân chia thành ba phân khu chức năng chính là: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái; phân khu dịch vụ – hành chính.

Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển được xác định để bảo toàn nguyên vẹn, giữ nguyên hiện trạng và theo dõi diễn biến tự nhiên của các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên.

Phân khu phục hồi sinh thái là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển được xác định để triển khai các hoạt động phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật thủy sinh và các hệ sinh thái tự nhiên.

Phân khu dịch vụ - hành chính là vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển được xác định để triển khai các hoạt động dịch vụ - hành chính, hoạt động thủy sản có kiểm soát.

Với mục đích nhằm ngăn ngừa, giảm nhẹ sự xâm hại của người dân vào khu bảo tồn biển; phát triển sinh kế, thu hút người dân tham gia các hoạt động của khu bảo tồn biển thông qua sự phối hợp của Ban quản lý khu bảo tồn biển, chính quyền và người dân địa phương sinh sống trong vùng đệm. Dự thảo nghị định đã xác định phạm vi của vùng đệm của Khu bảo tồn biển, theo đó, vùng đệm của Khu bảo tồn biển là bao gồm diện tích vùng biển, đảo, quần đảo, ven biển bao quanh khu bảo tồn biển; diện tích đảo, quần đảo, ven biển tiếp giáp với ranh giới trong của khu bảo tồn biển.

Liên quan đến công tác quản lý các hoạt động trong khu bảo tồn biển và vùng đệm, Nghị định đã nêu rõ những hoạt động được phép triển khai trong từng phân khu cũng như vùng đệm của Khu bảo tồn biển.

Theo đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt được triển khai các hoạt động như: Thả phao đánh dấu ranh giới trên biển; Nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển.

Các hoạt động nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; hoạt động giáo dục, đào tạo và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển; Phục hồi, tái tạo các loài động vật, thực vật, hệ sinh thái tự nhiên trong khu bảo tồn biển; Phương tiện thủy không lắp động cơ; bơi, lặn để quan sát đáy biển. Hoạt động tham quan du lịch của các tàu du lịch chở hành khách được thả neo theo hướng dẫn và quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển; Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác được đi qua vô hại, không được dừng và thả neo, trừ trường hợp bất khả kháng sẽ được phép thực hiện trong phân khu phục hồi sinh thái.

Đối với phân khu dịch vụ - hành chính sẽ được triển khai các hoạt động như; Nghiên cứu khoa học sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; các hoạt động giáo dục, đào tạo và chịu sự giám sát của Ban quản lý khu bảo tồn biển; Nuôi trồng thuỷ sản khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định và theo quy chế quản lý khu bảo tồn biển, quy định của Ban quản lý khu bảo tồn biển; Các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái; Tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác được đi qua vô hại, nhưng không được dừng và thả neo, trừ trường hợp bất khả kháng; Xây dựng các công trình hạ tầng phục hoạt động của Ban quản lý, công trình phục vụ du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Vùng đệm được thực hiện các hoạt động như các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; phân khu phục hồi sinh thái và phân khu dịch vụ – hành chính. Ngoài ra, các hoạt động khai thác thuỷ sản theo quy định của pháp luật và quy chế quản lý khu bảo tồn biển; Xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt sẽ được phép hoạt động trong vùng đệm của Khu bảo tồn biển.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác