Triển khai Quy hoạch và kế hoạch đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2016 -2020 (22-12-2015)

Chiều ngày 17/12, tại Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch và kế hoạch đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2016 -2020. Tham dự có lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, Cà Mau và các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, sở Nông nghiệp và PTNT của 28 tỉnh/thành phố ven biển, Ban quản lý một số cảng cá. Đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì Hội nghị.
Triển khai Quy hoạch và kế hoạch đầu tư cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá giai đoạn 2016 -2020
Đồng chí Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và đồng chí Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đồng chủ trì Hội nghị

Sau gần 5 năm thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 và Quyết định số 1349/QĐ-TTg ngày 09/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu góp phần vào phục vụ có hiệu quả cho hoạt động khai thác hải sản và neo đậu tránh trú bão đảm bảo an toàn cho các tàu cá. Góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và của trong những tình huống thời tiết xấu trên biển trong những năm qua. Từ đó giúp ngư dân yên tâm sản xuất và bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trong những năm qua nghề khai thác thủy sản phát triển mạnh, số lượng tàu khai thác hải sản xa bờ, có công suất lớn được đóng mới và đưa vào hoạt động tăng lên rất nhiều, một số cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã bị quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu dịch vụ hậu cần cho đội tàu khai thác hải sản ở một số vùng. Ngoài ra, do đô thị hóa và các khu công nghiệp ven biển phát triển đã gây ra những biến động về địa chất, địa hình vùng ven biển xói lỡ, bồi lắng; biến đổi khí hậu, bão và áp thấp nhiệt đới có nhiều diễn biến phức tạp khó lường ảnh hưởng đến vị trí và quy mô xây dựng một số cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được quy hoạch và không còn phù hợp với thực tế hiện nay; chưa có sự kết hợp giữa cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã làm giảm hiệu quả đầu tư và tính đồng bộ của hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Để phát triển nghề cá theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế tạo tiền đề cho công nghiệp hóa hiện đại hóa nghề cá và tạo đầu mối giao thương quốc tế, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg về “Quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Theo Quyết định 1976/QĐ-TTg cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đã được kết hợp thành một quy hoạch chung. Theo đó, đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 cả nước sẽ có 125 cảng cá (gồm 35 cảng cá loại I và 90 cảng cá loại II); 146 khu neo đậu tránh trú bão (gồm 30 khu cấp vùng; 116 khu cấp tỉnh) đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2.250.000 tấn/năm và đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 98.310 tàu cá. Ngoài ra, trong giai đoạn này sẽ bổ sung cảng cá loại I (cảng cá động lực) vào trong 5 Trung tâm nghề cá lớn tại (Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang) để đầu tư xây dựng.

Trong giai đoạn (2011- 2015), đã hoàn thành đầu tư xây dựng 60 khu neo đậu tránh trí bão với công suất đạt 42.131 tàu neo đậu theo yêu cầu (đạt 50,5% so với quy hoạch), hiện tại đang đầu tư 20 khu neo đậu tránh trú bão với công suất đạt 11.100 tàu neo đậu. Đến nay cả nước có 83 cảng cá đã được đầu tư nâng cấp và mở phục vụ cho tàu thuyền ra vào cập cảng buôn bán cá. Trong giai đoạn (2016 -2020) sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các cảng cá loại I trong các Trung tâm nghề cá lớn, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và khu vực miền Trung, cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão đang đầu tư xây dựng dỡ dang. Nguồn vốn để thực hiện chương trình này chủ yếu bằng ngân sách nhà nước từ ngân sách Trung ương và địa phương, kết hợp lồng ghép với các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/NĐ-CP. Ngoài ra, nguồn vốn còn được huy động từ nguồn vốn vay ODA của các nhà tài trợ và huy động từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các hạng mục sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hậu cần nghề cá.

cangca2.jpg

                                     Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Vũ Văn Tám yêu cầu, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu phương án vận hành kết hợp cảng cá và khu neo tránh trú bão để đảm bảo nhu cầu cập cảng sản xuất và neo đậu với hiệu quả cao nhất tránh lãng phí. Trong thời gian tới, cần bố trí trí tập trung đầu tư  xây dựng 5 Trung tâm nghề cá lớn. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm thủy sản mà các nước đưa ra là rất lớn, chính vì vậy cần quy định các tiêu chí về môi trường tại các cảng cá để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đề nghị các địa phương công bố cho ngư dân được biết về các khu neo tránh trú bão tại các cảng cá để ngư dân chủ động tránh trú khi có diễn biến thời tiết xấu xảy ra. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu điều chỉnh công suất neo đậu phù hợp với hạ tầng cơ sở của từng cảng cá. Các địa phương nghiên cứu xây dựng và ban hành quy chế quản lý, quy trình duy tu bão dưỡng công trình cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa phương, quy hoạch và bố trí kinh phí để hoàn thiện các bến cá hiện có. Kiện toàn Ban quản lý cảng cá có kết hợp với quản lý khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại địa phương.

     Văn Thọ - Ficen

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác