Sẽ cho phép thành lập các khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế (14-03-2023)

Vừa qua, tại New York - Mỹ, Hiệp ước đầu tiên đưa ra những cam kết trong việc bảo vệ đại dương đã được các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) thông qua. Đây là hiệp ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về bảo vệ đa dạng sinh học tại vùng biển quốc tế.
Sẽ cho phép thành lập các khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế
Ảnh minh họa

Sau nhiều năm đàm phán, ngày 04/3, các nước thành viên Liên hợp quốc (LHQ) cuối cùng cũng đã thông qua văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ biển cả (high seas). Dù văn bản chính thức chưa được công bố, song các nhà hoạt động môi trường coi việc các nước cùng nhất trí về hiệp ước sau thời gian dài đàm phán là "bước đột phá" trong việc bảo vệ đa dạng sinh học.

Đây là hiệp ước đầu tiên đưa ra những cam kết trong việc bảo vệ đại dương, một kho báu quan trọng bao phủ gần một nửa hành tinh của chúng ta, đảo ngược những tổn thất đa dạng sinh học biển cũng như đảm bảo phát triển bền vững.

Hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý nhằm bảo tồn và đảm bảo sử dụng bền vững đa dạng sinh học đại dương đã được thảo luận trong suốt 15 năm, trong đó có 4 năm đàm phán chính thức và được các nhà đàm phán của hơn 100 nước nhất trí sau 5 vòng đàm phán kéo dài, do LHQ chủ trì tại New York (Mỹ).

Hiệp ước mới này sẽ cho phép thành lập các khu bảo tồn trong các vùng biển quốc tế, nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia. Hiệp ước cũng buộc các quốc gia phải đánh giá tác động của các hoạt động được đề xuất trên đại dương đối với môi trường.

  Theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, biển cả là vùng biển quốc tế, bao gồm tất cả vùng biển không nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, lãnh hải hay nội thủy của một quốc gia cũng như không nằm trong vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo. Do đó, biển cả không thuộc quyền tài phán của bất kỳ nước nào. Mặc dù biển cả chiếm hơn 60% diện tích đại dương của thế giới và gần 50% bề mặt Trái Đất, song biển cả rất ít được chú ý tới. Hiện chỉ có khoảng 1% diện tích biển cả được bảo vệ. Do đó, khi có hiệu lực, hiệp ước này sẽ cho phép tạo ra các khu vực được bảo vệ trong các vùng biển quốc tế.

Lợi ích kinh tế là vấn đề lớn xuyên suốt vòng đàm phán mới nhất, bắt đầu từ ngày 20/2 vừa qua. Các nước đang phát triển kêu gọi chia sẻ thêm các lợi ích của "nền kinh tế xanh", trong đó có việc chuyển giao công nghệ. Trong một động thái được coi là nỗ lực nhằm xây dựng niềm tin giữa các nước giàu và người nghèo, Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết tài trợ 40 triệu euro (42 triệu USD) để tạo điều kiện cho việc phê chuẩn và sớm thực hiện hiệp ước.

Xác định rõ vai trò tầm quan trọng của Biển và đại dương mang lại, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động tham gia rất tích cực vào các tiến trình đàm phán và phấn đấu trở thành thành viên quan trọng trong Liên minh Đại dương Toàn cầu (GOA), cũng như các tổ chức quốc tế khác trong tiến trình nhằm bảo vệ đại dương, bảo vệ đa dang sinh học.

Việt Nam đã thành lập và đưa vào hoạt động được mạng lưới 10 trong tổng số 16 Khu bảo tồn biển và các Vườn quốc gia có hợp phần bảo tồn biển tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc. Sáu Khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và đang hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch, đó là Hòn Mê, Hải Vân-Sơn Chà, Phú Quý, Nam Yết, Cô Tô, Đảo Trần.

Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các vùng biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam đang được nghiên cứu hoàn thiện sớm ban hành trong thời gian tới thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc bảo vệ đại dương, bảo vệ đa dạng sinh học, góp phần nhằm bảo vệ biển cả của nhân loại.

Hải Dương

Ý kiến bạn đọc