Đồng quản lý giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản (09-02-2023)

Việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hướng đi đúng trong quá trình tìm kiếm phương thức quản lý bền vững, hiệu quả cho ngành thủy sản nước ta. Hiện nay một số địa phương đã có mô hình đồng quản lý rất hiệu quả. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều khó khăn cần phải vượt qua để mô hình này ngày càng được nhân rộng.
Đồng quản lý giúp bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ảnh minh họa

          Hướng đi đúng đắn

Trên thế giới, phương thức đồng quản lý nghề cá đã được kiểm chứng trong thực tiễn và được coi là một trong các giải pháp hữu hiệu quản lý nguồn lợi thủy sản. Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Trung tâm Phát triển nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) và nhiều tổ chức quốc tế khác đã khuyến cáo áp dụng rộng rãi phương thức quản lý này, đặc biệt đối với các nước có nghề cá thủ công, quy mô nhỏ.

Tại Việt Nam, từ khoảng những năm 1990, đã có nhiều mô hình đồng quản lý trong ngành thủy sản đã được triển khai áp dụng, thực hiện thí điểm thông qua các nguồn tài trợ từ ngân sách và các nguồn viện trợ quốc tế. Đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ có hơn 200 mô hình đồng quản lý trong nghề cá đã được triển khai trên cả nước. Nhìn chung, phần lớn các mô hình đồng quản lý đều góp phần mang lại những kết quả tích cực trên các phương diện: Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu các phương tiện khai thác mang tính tận diệt, hủy diệt nguồn lợi, nâng cao thu nhập, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản của người dân, nâng cao khả năng tự quản, ý thức làm chủ tài nguyên của nhân dân, cải thiện sinh kế hướng đến phát triển bền vững.

Năm 2017, lần đầu tiên quy định về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được đưa vào hệ thống pháp luật của Việt Nam tại Luật Thủy sản (Luật số:18/2017/QH14 ngày 21/11/2017), tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện đồng quản lý nhằm bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam. Tiếp theo đó là sự ra đời của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Ngày 11/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 339/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nêu rõ một trong những định hướng quan trọng của lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản: “Tăng cường thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giao quyền quản lý cho tổ chức cộng đồng trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đối với các vùng biển ven bờ, vùng nước nội địa”. Đây là những căn cứ pháp lý vững chắc cho việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Việt Nam

Có thể khẳng định, thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản là hướng đi đúng trong quá trình tìm kiếm phương thức quản lý văn minh, dân chủ, phù hợp với các đặc điểm sản xuất thủy sản, bảo đảm sự chia sẻ lợi ích, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc hưởng lợi từ khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản cũng như sự phát triển bền vững, hiệu quả. Đối với ngành thủy sản, đây có thể được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong tổ chức lại sản xuất, bảo vệ nguồn lợi; đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các tổ chức xã hội và cộng đồng ngư dân tham gia khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn lợi bền vững, hiệu quả; góp phần cải thiện sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho cộng đồng ngư dân.

          Phát triển một số khu vực bảo tồn đồng quản lý

Nghị quyết Trung ương 36 về Kinh tế biển, chiến lược thủy sản và quy hoạch Ngành đang được Tổng cục Thủy sản triển khai trong đó có mục tiêu tăng diện tích bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản lên 6% vào năm 2030.

 Tổng cục Thủy sản đang phối hợp cùng tổ chức phi Chính phủ phát triển một số khu vực bảo tồn đồng quản lý. Bình Định hiện có 11 mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản của 20 xã/phường ven biển, ven đầm, trong đó có 3 mô hình lớn ở đầm Trà Ổ, Bắc Đầm Thị Nại và khu vực biển Vịnh Quy Nhơn; Bình Thuận, có 4 xã đồng quản lý bảo vệ sò lông rất thành công, lúc đầu tổ chức thả neo để chống tàu đánh cá vào, bà con tự mua giống sò thả xuống và đến nay việc khai thác sò lông ở đây rất bền vững; Nha Trang (Khánh Hòa) có 4 xã tham gia đồng quản lý để bảo vệ rặng san hô... Đây mà những mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhưng cũng tạo ra sinh kế cho bà con.

Dù đã đạt được những kết quả tích cực, song việc triển khai đồng quản lý tại các địa phương vẫn gặp nhiều khó khăn, hầu hết các cộng đồng vẫn còn lúng túng trong thực hiện đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017. Cho đến nay, số lượng các xã ven biển thực hiện và kiện toàn đồng quản lý theo Luật Thủy sản 2017 vẫn còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng và tầm quan trọng của phương thức quản lý này.

          Bài học kinh nghiệm

Theo Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD), đồng quản lý là tiến trình đòi hỏi sự tham gia và cam kết của nhiều bên, sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền các cấp, tổ chức cộng đồng và các bên liên quan là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên sự thành công của đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức là hết sức quan trọng. Cần không ngừng nâng cao nhận thức, hiểu biết của cán bộ địa phương, cộng đồng dân cư về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản, cơ chế chính sách phát triển đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nhất là theo tinh thần Luật Thủy sản 2017.

Các cộng đồng ngư dân có xuất phát điểm khác nhau, bối cảnh địa phương khác nhau nên việc học tập, chia sẻ kinh nghiệm dựa trên phương pháp tiếp cận chung/hướng dẫn kỹ thuật là cần thiết. Việc thực hiện đồng quản lý tùy thuộc bối cảnh mỗi địa phương, các tổ chức bên ngoài hỗ trợ thúc đẩy cũng cần sự sáng tạo để tuân thủ pháp luật và phát huy các kinh nghiệm, nền tảng, tính chủ động của cơ quan quản lý Nhà nước cấp cơ sở và tổ cộng đồng.

Mục tiêu của đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản phải luôn gắn liền với phát triển sinh kế cộng đồng. Phát triển sinh kế của cộng đồng bền vững trong mối quan hệ hài hòa lợi ích giữa các ngành nghề với các cộng đồng là một trong những yếu tố mang lại sự thành công của phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Cần coi việc giao quyền quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng là một cơ hội để phát triển sinh kế cộng đồng hơn là một gánh nặng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Bảo đảm nguồn lực tài chính trên cơ sở các cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng phù hợp là yếu tố cực kỳ quan trọng phát triển đồng quản lý bền vững. Các nỗ lực đồng quản lý cần được xã hội hóa và có sự tham gia của nhiều bên (gắn với chương trình của Chính phủ: Chương trình nông thôn mới, OCOP; kết nối doanh nghiệp và các tổ chức Hiệp hội...). Xây dựng Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh, các Quỹ cộng đồng là cơ sở bảo đảm nguồn tài chính bền vững phát triển phương thức đồng quản lý.

Và quan trọng, cộng đồng ngư dân là nhân tố cốt lõi trong thực hiện đồng quản lý. Phát huy truyền thống, khai thác, sử dụng kinh nghiệm truyền đời, kiến thức bản địa kết hợp với nâng cao năng lực, hiểu biết về luật pháp trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái của ngư dân để tổ chức, xây dựng các mô hình đồng quản lý là các biện pháp hiệu quả bảo đảm phương thức đồng quản lý thành công. Các cộng đồng cần biết cách phát huy tính tự chủ, sức mạnh, nội lực của mình, kết hợp với các nguồn lực hỗ trợ của bên ngoài. Không nên có tâm lý trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của nhà nước hoặc các bên tham gia khác.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc