Lan tỏa thông điệp “Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản” (28-07-2022)

Việc bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm thực hiện các quy định chống khai thác hải sản IUU; tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân; góp phần phát triển bền vững ngành Thủy sản Việt Nam.
Lan tỏa thông điệp “Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản”

Ngày 28/7/2022, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Chủ trì Hội nghị là ông Lê Trần Nguyên Hùng (Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản). Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.  

Theo Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng, nguồn lợi thuỷ sản đang đứng trước nguy cơ suy giảm nhanh (ở cả vùng biển và vùng nội địa), suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái thuỷ sinh; cùng với đó là vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa... Công tác bảo tồn biển đang gặp nhiều khó khăn nên đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các hệ sinh thái biển. Vì vậy, Việt Nam cần nhanh chóng, tích cực bảo tồn nguồn lợi, phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái; nỗ lực triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Hiện ngành Thủy sản đang xây dựng và trình ban hành “Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 5 năm đến năm 2030” (Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 27/4/2022) với mục tiêu cung cấp thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững. Chương trình được ban hành với 09 nhiệm vụ chủ yếu, 07 nhóm giải pháp thực hiện và 06 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thực hiện trong hai giai đoạn 2022-2025 và 2026-2030.

Một số địa phương đã tham mưu xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ triển khai Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản tại địa phương; thực hiện điều tra nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng làm cơ sở phân bổ hạn ngạch trong khai thác thủy sản (triển khai tại 08 tỉnh: Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Hồ Chí Minh; dự kiến triển khai tại 02 tỉnh Kiên Giang, Quảng Bình).

Thúc đẩy đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản 

Tổng cục Thủy sản đã hoàn thiện dự thảo “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chương trình này khi được triển khai sẽ giúp bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi nguồn lợi thủy sản, các loài thủy sản có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học; gắn với quản lý có hiệu quả các hoạt động khai thác thủy sản nhằm phát triển khai thác thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật của Việt Nam.

Nội dung chính của “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” là: Điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trên phạm vi cả nước định kỳ 05 năm; điều tra, đánh giá nghề cá thương phẩm hằng năm; điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản theo chuyên đề. Mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biến, thả rạn nhân tạo, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đầu tư đóng mới (hoặc mua) tàu điều tra, nghiên cứu nguồn lợi hải sản. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản. Thực hiện lưu giữ giống gốc, bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gen các loài thủy sản bản địa, đặc hữu, có giá trị kinh tế, các loài nguy cấp, quý hiếm. Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, bổ sung tái tạo nguồn lợi thủy sản. Giao quyền quản lý, bảo vệ, khai thác nguồn lợi thủy sản cho tổ chức cộng đồng. Triển khai Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ quan trọng của “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” chính là thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức cộng đồng, các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, gắn với chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Phát huy vai trò gắn kết cộng đồng ngư dân, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển ven bờ và thủy vực nội địa; ngăn chặn, tiến tới loại bỏ nghề cấm trong khai thác thủy sản; lan tỏa các hoạt động bảo vệ môi trường khu vực ven biển, tạo tiền đề xây dựng làng cá văn minh...

Dự thảo “Chương trình quốc gia bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” đặt mục tiêu đến năm 2025:

- Thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển được phê duyệt tại Quy hoạch Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, đưa tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,4% diện tích vùng biển Việt Nam.

- Trữ lượng nguồn lợi thủy sản được duy trì tương đương với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016-2020.

- Phục hồi 30% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển.

- Đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tổ chức thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- 5% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản được xây dựng hoàn thiện, được cập nhật thường xuyên, liên tục.

Và đến năm 2030:

- Công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản được thực hiện đầy đủ, liên tục; thông tin, dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được số hóa, cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

- Trữ lượng nguồn lợi thủy sản phục hồi, tăng khoảng 5% so với kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản giai đoạn năm 2016-2020.

- Tiếp tục thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển, nâng tổng diện tích vùng biển được bảo tồn lên trên 0,5% diện tích vùng biển Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.

- Phục hồi 70% diện tích hệ sinh thái biển bị suy thoái trong các khu bảo tồn biển.

- Ít nhất 32 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện tốt đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

- 10% số lượng loài thủy sản trong Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm được sinh sản nhân tạo, ương nuôi thành công, thả tái tạo vào các thủy vực tự nhiên.

- Hệ thống cơ sở dữ liệu về nguồn lợi thủy sản được nâng cấp, tích hợp, liên thông giữa cơ quan quản lý cấp trung ương và địa phương theo hướng đồng bộ, thống nhất.

Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản

Các đại biểu đã nhất trí: Phải nghiêm túc xem xét việc triển khai thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cùng đánh giá tính lan tỏa của thông điệp “Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản”. Theo bà Phan Thị Huệ (Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra) thì “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản” là nội dung hết sức quan trọng. Vì vậy, trong Luật Thủy sản 2017, nội dung này đã được đưa vào Chương II  (ngay sau Chương I - Những quy định chung); Tại đó, đã đề cập các nội dung quan trọng như công tác quy hoạch; điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản; bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; khu bảo tồn biển; quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...

Tại hội nghị, cũng có ý kiến cho rằng, các nhà quản lý cần giúp người dân hiểu rõ hơn các quyền lợi chính đáng của họ trong công tác đồng quản lý. Đối với ý kiến này, bà Nguyễn Thu Huệ (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng - MCD) đã đánh giá cao hoạt động của các Chi cục Thủy sản địa phương. Theo bà thì các Chi cục Thủy sản xứng đáng được tôn vinh. Bà Huệ hứa MCD sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Thủy sản. Về phía Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản), ông Lê Trần Nguyên Hùng đã đề nghị Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) tìm kiếm thêm các nguồn lực để có thể tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho các lãnh đạo Chi cục Thủy sản địa phương.

Theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, hiện tại các nhiệm vụ của công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản đang tăng lên, nhưng nhân lực lại giảm xuống, áp lực thực thi nhiệm vụ vì đó ngày càng tăng. Hơn bao giờ hết, yêu cầu về sự lan tỏa thông điệp “Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản” lại càng trở nên cấp thiết. Qua đó, sẽ huy động toàn xã hội tham gia vào công tác Bảo vệ, Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản; đồng thời khai thác hiệu quả các nguồn lực tài chính của các đơn vị, tổ chức, tập thể, cá nhân trên toàn quốc.

Kết luận Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Quang Hùng đã đưa ra nhận định: Thời gian cuộc họp ngắn, chưa thể hiện hết bức tranh chung những kết quả mà ngành Thủy sản Việt Nam đã đạt được trong công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo ông, trong thời gian tới, công tác bảo vệ, bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được lan tỏa hơn nữa, các Chi cục Thủy sản cũng cần tích cực hơn nữa.

Bên cạnh đó, công tác tham mưu của cấp dưới đối với cấp trên cũng cần được chú trọng hơn. Đặc biệt trong thời gian tới, nếu xét thấy cần thiết sẽ tổ chức thêm những cuộc họp mời lãnh đạo cấp Bộ chủ trì. Ngoài ra, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Hùng còn khẳng định Nghị quyết 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng nên các địa phương cần phải tập trung triển khai và tham mưu tích cực, hiệu quả hơn.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc