Xây dựng chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (16-05-2022)

Đó là một trong những nội dung mới trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đang được Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.
Xây dựng chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Ảnh minh họa

Để thực thi nội dung về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản có hiệu quả góp phần vào bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản bền vững, mới đây trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản, nội dung chính sách “Hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” đã được xây dựng Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương liên quan.

Cụ thể, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ kinh phí thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Chính sách cũng đã quy định các đối tượng được hỗ trợ như sau:

a) Tổ chức cộng đồng đã được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

b) Tổ chức cộng đồng có nguyện vọng thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Các nội dung và mức hỗ trợ cũng đã được quy định chi tiết trong Dự thảo nghị định, cụ thể như sau:

a) Tối đa 100% chi phí tư vấn hỗ trợ thực hiện điều tra, khảo sát hiện trạng nguồn lợi thủy sản, kinh tế xã hội và công tác quản lý tại khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý; xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận và giao quyền quản lý; xây dựng hồ sơ thành lập Quỹ cộng đồng.

b) Tối đa 100% kinh phí xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà sinh hoạt cộng đồng; mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động của tổ chức cộng đồng bao gồm: thiết bị văn phòng; phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuần tra, kiểm soát; phao tiêu, biển báo, đèn hiệu đánh dấu khu vực thực hiện đồng quản lý.

c) Tối đa 100% kinh phí hoạt động thường niên của tổ chức cộng đồng trong thời gian tối thiểu 03 năm kể từ ngày tổ chức cộng đồng được công nhận và giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bao gồm các hoạt động chủ yếu sau: Thuê chuyên gia hỗ trợ hoạt động của tổ chức cộng đồng; tổ chức hội nghị cộng đồng hằng năm; chi phí nhiên liệu thực hiện tuần tra trên thuỷ vực; tái tạo nguồn lợi thủy sản; truyền thông; thu thập thông tin về hoạt động khai thác thuỷ sản tại khu vực được giao quyền quản lý.

Để được hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản các đối tượng phải đáp ứng các điều kiện sau: Một là có Quyết định công nhận và giao quyền quản lý của cấp có thẩm quyền đối với tổ chức cộng đồng.

Thứ hai, có Quyết định thành lập hoặc công nhận tổ chức đối với tổ chức cộng đồng và khu vực dự kiến thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản có loài thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị dịch vụ phục vụ trực tiếp sinh kế của người dân địa phương, khu vực đó chưa được giao quyền quản lý cho tổ chức, cá nhân khác.

Những năm qua, ngành Thủy sản đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có sự suy giảm nguồn lợi thủy sản trên các thủy vực nội địa, vùng biển và ven biển. Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng tàu cá khai thác thủy sản quá nhiều, đặc biệt tàu cá công suất nhỏ khai thác ven bờ với nghề khai thác thiếu thân thiện với nguồn lợi; khai thác thuỷ sản sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc hại…

Để từng bước phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, ngày 13/2/2012, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 188 phê duyệt Chương trình Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Đặc biệt, đến năm 2017, việc Quốc hội thông qua Luật Thủy sản thay thế Luật Thuỷ sản 2003 với cách tiếp cận thận trọng, dựa vào hệ sinh thái và các chỉ số khoa học trong quản lý hoạt động thuỷ sản để bảo đảm phát triển bền vững của ngành, trong đó có một chương quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản…đây là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc