Bình Định: Cộng đồng ven biển chung tay bảo vệ rùa biển, liên tiếp chứng kiến rùa biển lên bờ đẻ trứng (07-10-2021)

Nhận thức về bảo vệ nguồn lơi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển của cộng đồng người dân xã Nhơn Hải nói riêng và cộng đồng ven biển tỉnh Bình Định nói chung trong những năm gần đây đã tăng lên rõ rệt. Minh chứng cho điều này là thành quả của hàng chục con rùa lần lượt biển ra đời và hình thành thêm bãi đẻ mới thứ 3 của rùa biển tại thôn Hải Đông, xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơm, Bình Định.
Bình Định: Cộng đồng ven biển chung tay bảo vệ rùa biển, liên tiếp chứng kiến rùa biển lên bờ đẻ trứng
Cá thể Rùa biển được phát hiện bò lên bãi biển đẻ trứng vào ngày 29/6/2021, xã Nhơn Hải, tp Quy Nhơn, Bình Định

Bao ngày chờ mong cuối cùng cũng ra đời !” đây là chia sẻ chân thành từ anh Nguyễn Tôn Xuân Sáng – thành viên tổ bảo vệ san hô và rùa biển của xã Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khi chứng kiến những chú rùa biển đầu tiên trong 384 quả trứng đã được cộng đồng xã Nhơn Hải bảo vệ, di dời, ấp nở và trở về biển an toàn ngày 17 tháng 8 năm 2021.

Nhận thức về bảo vệ nguồn lơi thủy sản, đặc biệt là bảo tồn rùa biển của cộng đồng người dân xã Nhơn Hải nói riêng và cộng đồng ven biển tỉnh Bình Định nói chung trong những năm gần đây đã tăng lên rõ rệt. Bà con ngư dân cứ hễ phát hiện rùa biển mắc lưới, mắc cạn thì đều liên hệ với chính quyền địa phương và Chi cục Thủy sản Bình Định để giao nộp hoặc tự thả rùa trở lại về biển. Theo khảo sát của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), vào năm 2010, Bình Định có các bãi rùa đẻ phân bố tại một số xã ven biển và đảo, trong đó xã Nhơn Hải có 2 địa điểm là bãi Hải Giang và bãi Hòn Khô. Tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện một bãi đẻ mới thứ 3 của rùa biển – đó là bãi biển trước thôn Hải Đông. Các bãi đẻ của rùa biển trên địa bàn tỉnh Bình Định đã đón những mẹ rùa trở lại.

Tính đến tháng 8/2021 đã có 04 lượt rùa lên bãi đẻ trứng với 384 quả trứng được tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải bảo vệ và di dời đến nơi an toàn. Lượt rùa đẻ lần đầu tiên là một cá thể rùa biển thuộc loài Rùa Xanh, Vích (Chelonia mydas, thuộc Nhóm loài “nguy cấp - EN” theo phân loại của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp - CITES) cân nặng khoảng 80 kg, dài 98 cm, được Tổ công tác của xã Nhơn Hải phát hiện vào lúc 21h00 ngày 29 tháng 6 năm 2021, trong lúc đi kiểm tra tình hình phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã.

Với ổ trứng đầu tiên, theo sự điều phối của Chi cục Thủy sản và chính quyền địa phương, tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Nhơn Hải đã thực hiện di dời ổ trứng rùa đến nơi an toàn (vì ổ trứng rùa nằm gần sát mép nước dễ bị ảnh hưởng bởi triều cường). UBND xã Nhơn Hải cũng đồng thời phát thanh thông báo rộng rãi đến bà con ngư dân không được đào phá ổ trứng rùa biển, không tập trung tại bãi biển trong mùa rùa đẻ, cắm biển thông báo khu vực bãi đẻ rùa biển để bảo vệ an toàn bãi đẻ rùa biển trong mùa sinh sản.

Địa điểm bảo vệ trứng rùa biển sau khi di dời

Với kinh nghiệm từ việc bảo vệ, di dời ổ trứng đầu tiên, những lượt rùa biển lên bãi đẻ tiếp theo, bà con ngư dân khi phát hiện đều thông báo ngay cho chính quyền địa phương để theo dõi, giám sát bảo vệ rùa biển. Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải đã phối hợp với Trạm Kiểm soát biên phòng đo kích thước, đưa rùa mẹ về biển an toàn sau khi đẻ xong và di dời ổ trứng rùa về nơi tập trung. Có những hôm xong việc đến một, hai giờ sáng.

Đến nay ổ trứng đầu tiên đã nở thành công với tỉ lệ 54% nhờ sự nhiệt tình, khéo léo của Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải và sự hướng dẫn tận tình của chuyên gia. Kết quả đạt được hơn cả mong đợi mặc dù ổ trứng này được di dời muộn sau sinh gần 12 giờ từ lúc rùa đẻ.

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Bình Định, từ năm 2008 đến 2016, tại Bình Định đã có 9 ổ trứng đã nở với 300 con rùa con xuống biển an toàn. Ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 17 con rùa bị mắc câu và bị thương trở về biển trong đó có 3 con vích và 14 con đồi mồi. Từ năm 2016 đến nay, ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 11cá thể  rùa biển (8 cá thể vích và 3 đồi mồi) bị mắc lưới hoặc bị rao bán để thả về biển và bảo vệ được 06 ổ rùa biển với 283 con rùa con về biển an toàn (trong đó có 4 ổ trứng rùa tại Nhơn Hải trong năm 2021). Một số người dân xã Nhơn Hải cho biết, thời gian trước đây có nhiều người hay đào ổ trứng rùa đem về ăn hoặc tiêu thụ, nhưng từ 2008 đến nay, thông qua nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, và sự thành lập của tổ chức cộng đồng tại Nhơn Hải để bảo vệ rùa biển và san hô, các hoạt động giết hại rùa biển và khai thác trứng rùa đã không còn xảy ra.

Ngư dân phưng Đống Đa giao nộp rùa cá sấu khi phát hiện trên đầm Thị Nại vào ngày 19/5/2021

Hiện tượng rùa biển quay trở lại và đẻ trứng tại bãi biển xã Nhơn Hải đã cho thấy những dấu hiệu tích cực trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản của cộng đồng và chính quyền địa phương. Bình Định là một trong những địa phương đi đầu cả nước về việc xây dựng các tổ chức cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hình thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản (được quy định trong luật thủy sản 2017). Các tổ chức cộng đồng này đang ngày một phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng như cùng với các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn thực hiện các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Sự kiện rùa mẹ lên đẻ và ấp nở trứng rùa thành công đã thể hiện ý thức bảo tồn thiên nhiên nói chung và rùa biển nói riêng được lan tỏa trong cộng đồng và chúng ta cùng thắp hy vọng cho những bãi biển khác tại Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tiếp tục đón rùa mẹ về đẻ trứng./.

Việt Long

Ý kiến bạn đọc