Hướng dẫn thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (22-03-2021)

Hướng tới kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam, Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm hướng dẫn thực hiện công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản đảm bảo thiết thực có hiệu quả cao.
Hướng dẫn thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam
Ảnh minh họa

Trong những năm qua, công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản đã đạt được kết quả nhất định, góp phần phục hồi và tái tạo quần đàn các loài thủy sản đang bị suy giảm. Đến nay, nhiều địa phương trên cả nước đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản định kỳ hằng năm; hình thành được phong trào thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên cả nước. Đặc biệt, vào Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam hằng năm các địa phương trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các lòng hồ, dòng sông, vịnh, biển.

Để đảm bảo công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản thực sự thiết thực, có hiệu quả Tổng cục Thủy sản đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tổ chức hoạt động tuyên truyền, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản vào vùng nước tự nhiên một cách hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế; Ưu tiên thả tái tạo các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học; loài thủy sản bản địa, đặc hữu.

Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét bố trí kinh phí và huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội ngành thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa công tác này.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tới mọi tầng lớp nhân dân; Vận động người dân không khai thác, đánh bắt các loài thủy sản ngay sau thời điểm thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản theo quy định; Thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Trước đó, năm 2017 Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tiến hành ký kết bản ghi nhớ trong hoạt động phóng sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Nội dung của biên bản ghi nhớ tập trung vào hai nội dung chính là thả cá phóng sinh nhằm tái tạo NLTS và tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tăng ni, phật tử, cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ NLTS, bảo vệ môi trường sinh thái. Đến nay hai bên đã phối hợp rất hiệu quả trong hoạt động thả cá phóng sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Phong trào này đã được lan tỏa đến các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, bổ sung vào quần thể các loài thủy sản bản địa tại các thủy vực tự nhiên, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề khai thác thủy sản. Đây cũng là hành động tuyên truyền, kêu gọi người dân không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc