Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản (02-10-2018)

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản, trong thời gian qia, tại các địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật để tăng cường nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của nguồn thủy sản đối với phát triển kinh tế xã hội.
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường và tái tạo nguồn lợi thủy sản
Ảnh minh họa

Kiên Giang

Thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động như: Tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi các bãi giống, bãi đẻ của thủy sản, xây dựng mô hình quản lý, sản xuất thủy sản gắn với cộng đồng; ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản…Trong đó, thiết lập khu Bảo tồn biển Phú Quốc với mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn và các loại động, thực vật quý hiếm với diện tích 27.000ha, gồm khu vực bảo tồn rạn san hô và khu vực bảo tồn thảm cỏ biển có vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Những năm qua, chương trình kêu gọi cộng đồng, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu ghẹ xanh trong và ngoài tỉnh tự nguyện đóng góp ghẹ nhỏ, ghẹ trứng vào ngân hàng ghẹ. Qua đó, nhắc nhở mọi người không bắt, tiêu thụ ghẹ xanh mang trứng và ghẹ con sẽ duy trì trữ lượng nguồn lợi ghẹ một cách bền vững.

Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn sự suy giảm thủy sản ở các huyện, thị xã, thành phố. Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh duy trì ổn định sản lượng khai thác thủy sản ở mức 500.000 tấn/năm gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trong đó, giảm dần khai thác thủy sản ven bờ (khoảng 35%), tăng sản lượng khai thác thủy sản xa bờ (65%). Đồng thời, giảm lượng tàu thuyền khai thác thủy sản đến năm 2020 còn 10.000 chiếc và nghiêm cấm các hoạt động khai thác thủy sản bằng dụng cụ cấm hoặc có tính chất hủy diệt.

Bạc Liêu         

Là địa phương có nghề nuôi trồng thủy sản được xem là thế mạnh kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong đó nuôi tôm là hướng phát triển chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, song song với việc phát triển nuôi tôm cũng đặt ra nhiều thách thức về môi trường và tác động không nhỏ đến sự phát triển bền vững.

Thực tiễn những năm qua cho thấy, nạn ô nhiễm môi trường từ việc cải tạo, xử lý và lạm dụng các hóa chất cấm trong nuôi tôm đã đến mức cảnh báo. Như trong cải tạo, xử lý ao đầm nuôi tôm, nông dân xả thải bùn từ đáy ao ra các kênh nội đồng gây ô nhiễm nguồn nước. Hoặc khi tôm bệnh chết, người nuôi cũng xả thải nước ô nhiễm ra các kênh nội đồng mà không đưa vào hệ thống ao lắng để xử lý, hay thông báo cho ngành quản lý để có biện pháp can thiệp. Từ đó tạo nên cái vòng luẩn quẩn người thải nước ô nhiễm, người lại lấy nguồn nước ô nhiễm để nuôi tôm làm dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Từ việc khảo sát, lấy mẫu và phân tích chất lượng nước của ngành Tài nguyên - Môi trường những năm qua cho thấy, nhiều nơi môi trường nước, đất bị ô nhiễm nặng nề và tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Để góp phần bảo vệ môi trường và hướng đến phát triển bền vững, tháng 4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 14/2018/QĐ-UBND quy định bảo vệ môi trường trong hoạt động nuôi trồng thủy sản. Theo đó, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động nuôi thủy sản phải được xây dựng đồng bộ, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Hệ thống kênh, mương cấp nước và xả nước thải phải đảm bảo theo quy định của ngành Thủy sản cũng như điều kiện về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định khác có liên quan. Tùy theo quy hoạch nuôi thủy sản, điều kiện tự nhiên của khu vực mà cơ sở nuôi chọn đối tượng và hình thức nuôi hợp lý nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật nuôi, các quy chuẩn của ngành Thủy sản. Cụ thể là phải thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi, quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi bán thâm canh, thâm canh tôm sú, tôm thẻ chân trắng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, quy phạm thực hành nuôi thủy sản tốt Việt Nam (VietGAP) và các quy định khác có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nam Định

Địa phương có nhiều lợi thế trong lĩnh vực thủy sản, nhưng nhiều năm trở lại đây, do ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tình trạng khai thác thủy sản tận diệt bằng các ngư cụ bị cấm như dùng xung điện, thuốc nổ, hóa chất làm nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nam Định giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tập tính sinh sản và làm biến mất các bãi đẻ tự nhiên của nhiều loài cá như cá trôi ta, cá mè ta, cá trắm đen sông Hồng, cá rói, cá ngạnh sông... Chính vì vậy, việc lưu trữ, nhân rộng và sản xuất giống các loài cá bản địa quý, hiếm thực sự cấp thiết, giúp giữ được giống thuần, nguồn gen bản địa quý của các giống cá. Đây là các giống cá được thị trường tiêu dùng ưa chuộng nên việc bảo tồn và nhân rộng giống cá góp phần tăng thu nhập cho người nuôi, từ đó giúp ngành thủy sản tỉnh có kế hoạch bảo tồn và định hướng những chính sách phát triển nuôi thủy sản bền vững, tham gia tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Bên cạnh việc bảo tồn các giống loài bản địa, tỉnh Nam Định cũng đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, giải quyết các vấn đề đặt ra trong việc khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để phát triển ngành thủy sản bền vững, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của ngư dân. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản cùng các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cán bộ các cấp và cộng đồng ngư dân; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, đơn vị, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục nhân dân tham gia công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Định hướng trong thời gian tới, Nam Định sẽ tăng cường việc xây dựng và nâng cao mô hình tổ chức quản lý thủy sản bền vững, nâng cao vai trò của cộng đồng ngư dân trong hoạt động quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức nhiều lớp tập huấn kiến thức, pháp luật để ngư dân hiểu rõ trách nhiệm của mình; thúc đẩy phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững và có chiến lược bảo vệ phát triển nguồn lợi thủy sản dài hạn. Tiếp tục nâng cao năng lực khai thác thủy sản, đổi mới tổ chức sản xuất trên biển, phát triển và nâng cao hiệu quả đánh bắt xa bờ, từng bước giảm cường lực khai thác ven bờ.

Cùng với sự nỗ lực của các địa phương, kì vọng trong thời gian tới, ý thức cộng đồng của người dân sẽ được cải thiện, và trách nhiệm cộng đồng sẽ được nâng cao hơn để phát triển thủy sản không chỉ bền vững mà còn giúp bảo vệ và cải thiện môi trường sống chung của người dân tại các địa phương.

Thúy Quỳnh

Ý kiến bạn đọc