Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2015 tại Quảng Ninh (04-12-2015)

uảng Ninh có bờ biển dài 250km, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ bao quanh tạo thành những vụng, vịnh, tùng, sâu kín gió là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiểu giống loài thủy hải sản có kinh tế và cũng là nơi tránh trú bão lí tưởng cho tàu thuyền hoạt động trên biển. Ngư trường Quảng Ninh - Hải Phòng là một trong bốn ngư trường trọng điểm của toàn quốc. Tuy nhiên theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Quảng Ninh đang có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao.
Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2015 tại Quảng Ninh

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, trong đó phải kể đến phương tiện và điều kiện khai thác không theo đúng quy định. Đây là hiện tượng không chỉ riêng Quảng Ninh mà cả với nhiều tỉnh khác trên cả nước. Đó là việc các phương tiện khai thác thủy sản chủ yếu  tập trung vào các loại tàu nhỏ, công suất thấp, không có khả năng vươn khơi xa, chủ yếu là khai thác ven bờ. Tính đến ngày 30/10/2015, Quảng Ninh có 8.001 phương tiện trong đó có 378 phương tiện công suất từ 90CV trở lên, còn lại 7.623 phương tiện duới 90 CV. Thêm nữa, một trong những nguyên nhân quan trọng làm suy giảm nguồn lợi thủy sản là bởi hầu hết ngư dân hành nghề ven biển phần lớn là các hộ nghèo, trình độ dân trí chưa cao nên việc tiếp thu kiến thức pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế; các hình thức khai thác thủy sản mang tính hủy diệt vẫn diễn ra. Nhiều loại hải sản có giá trị cao đã và đang bị khai thác cạn kiệt.

Cùng với đó, việc sử dụng các hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt trong hoạt động khai thác cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt với vùng biển ven bờ. Ngoài ra còn kể đến các vi phạm quy định về khai thác đối với các tàu cá không có đăng kí, đăng kiểm, không có giấy tờ khai thác hoặc các giấy phép khai thác đã hết hạn, để tăng sản lượng khai thác, ngư dân sử dụng nhiều biện pháp có tác động tiêu cực tới môi trường như sử dụng lưới mắt nhỏ, tăng cường độ khai thác...

Trước nguy cơ nguồn lợi thủy sản suy giảm ngày càng cao, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Sở NN và PTNT (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi (KT&BVNL) thủy sản) tham mưu ban hành Quyết định 2418/2014/QĐ- UBND ngày 22/10/2014 về việc ban hành Quy định quản lý nhà nước về hoạt động khai thác bảo vệ nguồn lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Trong đó phân cấp quản lí vùng bển ven bờ cho các huyện, thị  xã, thành phố theo địa giới hành chính để trực tiếp quản lý và chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Chi cục KT& BVNL thủy sản tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lí các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước trong hoạt động thủy sản. Hàng năm, Chi cục KT và BVNL thủy sản tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, tuyên truyền ngư dân về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sự cần thiết của  của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sinh thái; tuyên truyền cho ngư dân hiểu việc không khai thác thủy sản trong mùa cấm khai thác, cũng như tăng cường công tác bảo vệ các rạn san hô; quản lý chặt hoạt động khai thác rong biển trên địa bàn; tuyên truyền vận động ngư dân thả rùa biển về tự nhiên khi bắt được trong quá trình khai thác...Thông qua các lớp tập huấn để trang bị cho ngư dân những kiến thức cơ bản về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an toàn khi đi biển… Cùng với đó, hàng năm nhân ngày truyền thống nghề cá 1/4, Chi cục KT và BVNL thủy sản Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương tổ chức thả tôm cá giống ra môi trường tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình hình vi phạm của ngư dân trên biển diễn biến rất phức tạp, nhất là các đối tượng sử dụng các công cụ khai thác thủy sản bị cấm. Thời gian tới, để công tác bảo vệ nguồn lơị thủy sản đạt được kết qủa cao, giúp bà con ngư dân yên tâm bám biển giữ vững chủ quyền biên giới trên biển, Chi cục KT và BVNL thủy sản Quảng Ninh sẽ tăng cường công tác phối hợp tuần tra kiểm soát trên biển, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động thủy sản; bổ sung nhân lực, tăng cường cơ sở vật chất phương tiện tàu thuyền, nhiên liệu cho lực lượng bảo vệ nguồn lợi thủy sản để đáp ứng kịp yêu cầu thực tế. Bên cạnh đó, triển khai các mô hình quản lí môi trường và nguồn lợi thủy sản dựa trên cơ sở cộng đồng ở quy mô nhỏ và vừa, chú trọng nghiên cứu thực thi các giải pháp công nghệ xử lí chất thải trong hoạt động sản xuất thủy sản, đặc biệt trong chế biến và nuôi trồng. Khuyến khích đầu tư vào hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; xây dựng các mô hình chuyển đổi nghề khai thác ven bờ kém hiệu quả gây xâm hại cho nguồn lợi, không thân thiện với môi trường sang các nghề thích hợp khác có hiệu quả hơn mà lại thân thiện với môi trường. Đồng thời cũng tăng cường phân cấp quản lí, huy động sự tham gia của nhân dân trong việc bảo vệ nguồn lợi và môi trường sống của các loài.

Thúy Quỳnh

Ý kiến bạn đọc