Bình Thuận tiếp tục triển khai mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông (13-11-2015)

Đây là mô hình về đồng quản lý thứ hai được triển khai tại tỉnh Bình Thuận. Dự án này do (UNDP-GEF SGP) tài trợ trên 60% kinh phí thực hiện, phần còn lại do địa phương và cộng đồng đối ứng. Dự án được triển khai trong vùng biển ven bờ tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận An với tổng diện tích vùng biển khoảng 16,5 km2. Thời gian thực hiện bắt đầu từ tháng 01/2015 đến tháng 06/2017. Đối tượng tham gia và hưởng lợi chính của dự án là cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại địa phương.
Bình Thuận tiếp tục triển khai mô hình đồng quản lý nguồn lợi sò lông

 Sò lông là một trong những loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, mang lại thu nhập cho bà con ngư dân hoạt động nghề lặn tại Thuận Quý nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung. Tuy nhiên, những năm gần đây, do khai thác bừa bãi, tình trạng lặn bắt sò non, khai thác trong mùa cấm thường xuyên diễn ra, cũng như sự tàn phá của các nghề mang tính hủy diệt như giã cào, sử dụng chất nổ, xung điện, ô nhiễm môi trường,... đã làm cho nguồn lợi có nguy cơ cạn kiệt, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nếu không có biện pháp bảo vệ kịp thời thì trong một vài năm tới nguồn lợi sò lông sẽ không còn tại vùng biển Bình Thuận.

Trước thực trạng trên, với sự tài trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình tài trợ các dự án nhỏ tại Việt Nam (UNDP - GEF SGP), Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, UBND huyện Hàm Thuận Nam thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình thí điểm đồng quản lý  Sò lông (Anadara antiquata line) góp phần quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lợi thủy sản và bảo vệ hệ sinh thái ven biển tại  xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận”.

              Mục tiêu của dự án là nhằm phục hồi, quản lý và tổ chức khai thác bền vững nguồn lợi sò lông tự nhiên, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái vùng ven biển thông qua phương thức đồng quản lý giữa cộng đồng ngư dân và các bên có liên quan; đảm bảo phân phối hài hoà quyền lợi giữa các đối tượng sử dụng, nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân thông qua các mô hình sinh kế; nâng cao giá trị sử dụng nguồn lợi; tạo được mô hình trình diễn để từng bước nhân rộng cho các địa phương khác trong tỉnh.

Hoạt động khảo sát biển và cờ hiệu đánh dấu vùng biển

Dự án sẽ tổ chức triển khai một số hoạt động chính :

- Hỗ trợ chính quyền địa phương, các ban ngành tham mưu xây dựng các thể chế, cơ chế, chính sách liên quan làm căn cứ thực hiện mô hình đồng quản lý.

- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng ngư dân và các bên liên quan

- Xây dựng và vận hành tổ chức cộng đồng ngư dân đi vào hoạt động ổn định và có hiệu quả.

- Phát huy vai trò của tổ chức cộng đồng trong tuần tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm và đặc biệt là đóng góp các ý kiến, đề xuất các giải pháp đối với cơ quan chức năng Nhà nước trong công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường, hệ sinh thái vùng biển.

- Xác lập ranh giới, phạm vi triển khai mô hình và quy hoạch khoanh vùng khai thác, vùng bảo vệ nguồn giống bố mẹ thông qua khảo sát thực tế, tham vấn ý kiến của chuyên gia, của địa phương của cộng đồng ngư dân.

- Hướng dẫn cộng đồng trong công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong đó tập trung vào hoạt động thả giống bổ sung xuống biển (dự kiến khoảng 225 tấn sò con), tổ chức giám sát, theo dõi, thu thập thông tin về môi trường, nguồn lợi.

- Thông qua mô hình dự án, xây dựng kế hoạch phát triển bền vững môi trường, nguồn lợi và nghề khai thác sò lông; chương trình giám sát vùng thu hoạch nhuyễn thễ hai mảnh vỏ. Qua đó, làm cơ sở tiến đến thực hiện chương trình chứng nhận MSC của Hội đồng quản lý biển quốc tế.

- Ngoài các hoạt động trên, dự án còn xây dựng một Quỹ vay vốn xoay vòng để ngư dân vay vốn không tín lãi thực hiện các hoạt động sinh kế nâng cao thu nhập, đảm bảo duy trì mô hình khi dự án kết thúc.

Hoạt động khảo sát biển và cờ hiệu đánh dấu vùng biển

Theo tính toán, nếu các yếu tố tự nhiên, môi trường thuận lợi như giả định thì trữ lượng nguồn lợi lợi sò lông trong vùng biển triển khai dự án được phục hồi từ sau 1 - 2 năm, môi trường và hệ sinh thái biển được cải thiện hơn so với trước khi có dự án. Thu nhập của ngư dân được nâng cao thông qua việc khai thác bền vững nguồn lợi Sò lông và các hoạt động sinh kế khác từ việc vay vốn quỹ tín dụng xoay vòng.

Ngoài ra, thông qua mô hình dự án bằng nhiều hình thức tiếp cận, người dân sẽ có ý thức hơn về bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Khi đã có nguồn thu ổn định, hoạt động khai thác quá mức và hủy diệt sẽ không còn hoặc giảm bớt, tạo ra khả năng duy trì, tái tạo nguồn lợi tự nhiên, kể cả sò lông và các loại hải sản khác. Mối quan hệ giữa nhà quản lý và ngư dân ngày càng được tăng cường thắt chặt. Qua đó các cơ quan quản lý sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc truyền tải các quy định pháp luật của Nhà nước đến ngư dân. Mô hình dự án là cơ sở nhân rộng sang các địa phương, vùng biển và đối tượng khác trong tỉnh.

                                                                                     Bảo Thành (Chi cục Thủy sản Bình Thuận)

Ý kiến bạn đọc