Cam kết chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau (23-09-2019)

Ngày 21/9/2019, nhân Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Tổng cục Thủy sản đã cùng với Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau và các tăng ni, phật tử ký cam kết chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau.
Cam kết chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản Cà Mau

Đất Mũi là xã cực Nam trên đất liền của Việt Nam, có diện tích mặt nước (sông, biển) và vùng bãi bồi rộng lớn, được coi là kho tàng quý báu của các loài thủy sinh. Nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản đã mở ra cơ hội giảm nghèo, cải thiện đời sống cho hàng ngàn hộ dân ven biển. Tuy nhiên, việc quản lý khai thác và tái tạo nguồn lợi thủy sản ven biển chưa được quan tâm đúng mức. Các hoạt động khai thác thủy sản quá mức (kể cả việc sử dụng các loại ngư cụ, phương tiện bị cấm) đã dẫn đến nguồn lợi thủy sản suy giảm; thậm chí, một số loài đặc sản của Cà Mau đang có nguy cơ tuyệt chủng. Vì vậy, những năm gần đây, hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau tổ chức thường xuyên, nhằm tuyên truyền tới tổ chức/cá nhân, người dân hiểu tầm quan trọng và trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thực hiện nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với bảo vệ môi trường; nghiêm cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện để khai thác thủy sản; tích cực bổ sung nguồn lợi thủy sản, quản lý các giống loài thủy sinh.

Đặc biệt là, liên quan đến các nội dung và hoạt động trên, Luật Thủy sản 2017 đã quy định chi tiết, rõ ràng tại Điều 4 như sau: Nguồn lợi thủy sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Các tổ chức/cá nhân có quyền khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản; Đồng thời phải có trách nhiệm bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản theo đúng quy định của pháp luật. Với tinh thần đó, ngày 21/9/2019, tại xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) đã tiến hành thả gần 600 nghìn con giống thủy sản (gồm: tôm sú, cua biển, cua đá, cá chẽm, cá thòi lòi, cá kèo, lịch và các loài chim) để bổ sung nguồn lợi thủy sản, hệ động vật cho Mũi Cà Mau. Sau đó, các tăng ni, phật tử và người dân trên địa bàn còn được nghe tuyên truyền, vận động chung tay gìn giữ, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Lần đầu tiên, tại Lễ thả giống thủy sản, đại diện Lãnh đạo Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) và Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Cà Mau và các tăng ni, phật tử cùng nhau ký vào Bản cam kết bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

06 nội dung cụ thể của Bản cam kết chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản: (1) Không sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện; phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản; (2) Không thả, phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại vào thủy vực tự nhiên; (3) Không săn bắt, giết, nuôi, nhốt, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển như thịt rùa, trứng rùa, các đồ thủ công, mỹ nghệ được làm, chế tác từ mai rùa; (4) Không xả rác, chất thải ra các thủy vực tự nhiên như sông, hồ, biển; hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần như chai, hộp nhựa, túi ni lông; (5) Thực hành phóng sinh các giống loài thủy sản một cách có hiểu biết và có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên và đa dạng sinh học; (6) Tích cực tham gia, tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình và mọi người xung quanh chung tay bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.

Theo đó, mỗi cá nhân ký và thực hiện đúng cam kết này là góp phần quan trọng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Lễ ký kết đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đại biểu và tăng ni, phật tử, người dân địa phương. Việc phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thả giống tái tạo và bảo vệ đa dạng nguồn lợi thủy sản có ý nghĩa to lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cũng như nâng cao nhận thức của các tăng ni, phật tử và người dân trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc