Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (03-06-2019)

Ngày 16/5/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; Trong đó có quy định chi tiết các hành vi vi phạm và mức xử phạt nghiêm về các hành vi vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ảnh minh họa

Đối với hành vi vi phạm quy định về Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, phạt tiền những trường hợp vi phạm (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) với các mức phạt từ 5-200 triệu đồng. Các nhóm hành vi vi phạm quy định về Bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản, gồm có: (1) Không dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi khai thác thủy sản bằng nghề cố định ở các sông, hồ, đầm, phá; không tạo đường di cư hoặc dành hành lang di chuyển cho loài thủy sản khi xây dựng mới, thay đổi hoặc phá bỏ công trình hoặc có hoạt động liên quan đến đường di cư của loài thủy sản; cản trở trái phép đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; (2) Hủy hoại nguồn lợi thủy sản hoặc hệ sinh thái thủy sinh hoặc khu vực thủy sản tập trung sinh sản hoặc khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống; phá hoại nơi cư trú của loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm hoặc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; (3) Lấn, chiếm hoặc gây hại khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (4) Thăm dò, khai thác tài nguyên, xây dựng, phá bỏ công trình dưới mặt nước, lòng đất dưới nước làm suy giảm hoặc mất đi nguồn lợi thủy sản hoặc gây tổn hại đến môi trường sống, khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống, đường di cư của loài thủy sản.

Đối với hành vi vi phạm quy định về Khu vực cấm khai thác thủy sản, phạt tiền những trường hợp vi phạm (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) với các mức phạt từ 10-50 triệu đồng đối với hành vi: Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét để khai thác thủy sản hoặc khai thác thủy sản mà không sử dụng tàu cá; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét để khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét đến dưới 24 mét để khai thác thủy sản; Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24 mét trở lên để khai thác thủy sản. Đặc biệt là, phạt tiền gấp hai lần đối với hành vi: Sử dụng tàu cá làm nghề lưới kéo, nghề và ngư cụ kết hợp ánh sáng (trừ nghề câu tay mực).

Đối với hành vi vi phạm quy định về Quản lý các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng nội dung văn bản chấp thuận hoặc phương án khai thác loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Trong trường hợp khai thác trái phép loài thủy sản không đảm bảo điều kiện theo quy định thuộc Nhóm II của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 3-50 triệu đồng tùy theo khối lượng thủy sản vi phạm. Trong trường hợp khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Nhóm I của Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm (mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) sẽ bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng tùy theo khối lượng thủy sản vi phạm. Đặc biệt, phạt từ 50-100 triệu đồng đối với hành vi không thả đủ số lượng cá thể loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm vào vùng nước tự nhiên trong thời gian quy định (trong các trường hợp đã được Cơ quan có thẩm quyền cho phép khai thác thủy sản nguy cấp, quý, hiếm để nghiên cứu tạo nguồn giống và sản xuất giống thủy sản).

Đối với hành vi vi phạm quy định về Quản lý khu bảo tồn biển, phạt tiền từ 50-200 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm tại Vùng đệm của khu bảo tồn biển hoặc Phân khu dịch vụ - hành chính của khu bảo tồn biển/ Phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn biển/ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt. Các hành vi vi phạm quy định về Quản lý khu bảo tồn biển, gồm có: Thả phao trái phép; điều tra, nghiên cứu khoa học khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; tàu cá, tàu biển và các loại phương tiện thủy khác hoạt động trái phép; tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch trái phép; xây dựng trái phép công trình hạ tầng; nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản trái phép; thực hiện hành vi bị cấm trong Phân khu phục hồi sinh thái/ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.

Đặc biệt, Nghị định 42/2019/NĐ-CP cũng quy định trong quá trình xử phạt các hành vi vi phạm về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, sẽ áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Tịch thu ngư cụ khai thác thủy sản; Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 3-6 tháng.

Nghị định 42/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2019.

Chi tiết tham khảo: https://tongcucthuysan.gov.vn/

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc