An Giang: Thả hơn 7,6 tấn và 180.500 cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản (02-10-2018)

Sáng ngày 24 tháng 8 năm 2018, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang tổ chức Lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
An Giang: Thả hơn 7,6 tấn và 180.500 cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông Vàm Nao

Buổi lễ đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức trong và ngoài tỉnh cùng nhân dân (148 tổ chức và 180 cá nhân) tham gia đóng góp kinh phí (tiền và cá giống) với tổng số tiền trên 570 triệu đồng.

Tại buổi lễ, hơn 7,6 tấn cá và 180.500 con cá giống cá giống loài bản địa, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao như cá Bông lau (7.500 con), cá Hô (9.800 con), cá Chày (35.000 con), cá Mè Hôi (28.000 con), cá Éc (5.000 con), cá Cóc (20.000 con), Cá Vồ đém (40.000 con), Chạch lấu (10.000 con) đã được thả xuống sông Vàm Nao, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

Đây là hoạt động thuộc dự án thí điểm “Tái tạo, thả bổ sung giống thủy sản tại một số lưu vực sông và hồ chính giai đoạn 2016-2020” do Tổng cục Thủy sản triển khai thực hiện tại An Giang trong các năm 2018-2020 với mục tiêu phục hồi, tái tạo các loài cá bản địa, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; kết hợp thả các loài cá kinh tế nhằm tăng năng suất và sản lượng khai thác, góp phần ổn định sinh kế, cải thiện đời sống cộng đồng dân cư và đồng thời nâng cao hiệu quả của hoạt động phóng sinh các giống loài thủy sản.

Từ năm 2012 đến nay, công tác thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện tốt, đặc biệt là tại các khu vực sông Tiền, Hậu và Búng Bình Thiên. Kết quả đã tổ chức được 12 cuộc thả cá với trên 100 tấn cá giống cá loại gồm cá Hô, cá Cóc, cá Ét, cá Mè Hôi, cá Mè Vinh, cá Chép, cá Chài, cá Sặc Rằn, cá Nàng Hai với số tiền quy đổi tương đương 4 tỷ đồng, trong đó từ nguồn ngân sách là 300 triệu chiếm tỉ lệ khoảng 8%,số còn lại được vận động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang đã thành lập Ban Điều hành thả cá với thành viên là đại diện cơ quan quản lý nhà nước, trung tâm giống thủy sản địa phương, các hội và hiệp hội nghề nghiệp thủy sản tỉnh An Giang nhằm huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân, điều phối thực hiện hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh. An Giang hiện là địa phương đầu tiên thành lập được mô hình phối hợp thành công và có hiệu quả giữa các bên liên quan để thực hiện các hoạt động bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản nhằm từng bước nâng cao nhận thức tầm quan trọng, giá trị nguồn lợi thủy sản, vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Trước đó, ngày 01 tháng 7 năm 2017, Kế hoạch phối hợp về hoạt động thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 – 2020 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Đại diện Phật Giáo Hòa Hảo tỉnh An Giang đã được ký kết.

Mai Thu

Ý kiến bạn đọc