Cà Mau: Phát triển nuôi cá kèo tại Tân Thành (23-12-2016)

          Xã Tân Thành, TP Cà Mau là địa phương có nghề nuôi trồng thủy sản khá phát triển, với nhiều đối tượng cho hiệu quả kinh tế cao như cá chình, cá bống tượng. Để đa dạng hóa đối tượng nuôi và nâng cao hiệu quả sản xuất, người dân địa phương đã mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi cá kèo theo hình thức công nghiệp. Mô hình này đã bắt đầu phát huy hiệu quả và đang nhân rộng tại nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Cà Mau: Phát triển nuôi cá kèo tại Tân Thành

          Phong trào nuôi cá kèo ở xã Tân Thành bắt đầu vào năm 2009. Khi ấy chỉ có vài hộ nuôi, nhưng đến nay, toàn xã Tân Thành có 26 hộ nuôi cá kèo với diện tích gần 21 ha, tập trung ở ấp 3 và ấp 5 (riêng ấp 5 có tới 23 hộ nuôi với tổng diện tích gần 18 ha). Ông Nguyễn Thanh Hà, một trong những người tiên phong đưa mô hình nuôi cá kèo theo hình thức công nghiệp về địa phương, đồng thời cũng là “vua cá kèo” nơi đây cho biết, năm 2009, ông lên Bạc Liêu tìm hiểu mô hình rồi mang con giống về Tân Thành nuôi với mong muốn tìm ra một hướng đi mới khi mà các mô hình nuôi khác (đã bắt đầu có dấu hiệu chững lại cũng như phát sinh nhiều rủi ro do dịch bệnh ngày càng nhiều). Theo đó, ông thả nuôi 20.000 con cá kèo giống trên diện tích 2.000 m2; nhờ tích cực chăm sóc, sau 5 tháng thả nuôi, ông lãi trên 300 triệu đồng.

          Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá của mình, ông Hà bộc bạch, mô hình này đòi hỏi vốn mua con giống và thức ăn khá cao. Tuy nhiên, cái được là rất ít dịch bệnh so với nuôi tôm công nghiệp, hơn nữa cũng không đòi hỏi công chăm sóc nhiều, mà năng suất lại cao. Sản phẩm đầu ra của cá kèo luôn rất ổn định, giá thương lái thu mua 60.000 - 70.000 đồng/kg nên người nuôi luôn có lãi. Mặt khác, nuôi cá kèo còn tận dụng được nguồn nước để nuôi tôm, nhờ nguồn nước giàu chất dinh dưỡng nên hầu hết vụ nuôi tôm của nông dân đều trúng. Cá kèo là loài thủy sản thích hợp với nguồn nước lợ; ngoài yếu tố nguồn nước, con giống, người nuôi cần theo dõi quá trình phát triển cũng như lúc cá bị bệnh để có hướng xử lý kịp thời.

          Nhận định về hiệu quả bền vững của mô hình này, ông Hồ Quốc Trạng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành cho biết, mô hình nuôi cá kèo công nghiệp là hướng mới trong việc đa dạng hóa mô hình thủy sản tại địa phương, tránh phụ thuộc vào các sản phẩm chủ lực như trước đây. Ngoài ra, để khuyến khích và nhân rộng mô hình, Hội Nông dân đã có kế hoạch phối hợp với Phòng Kinh tế TP Cà Mau tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân giúp họ chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau áp dụng những thành công từ mô hình để phát triển hơn nữa.

          Được biết, vụ cá kèo năm nay của nông dân Tân Thành phát triển khá tốt, năng suất cao. Ước sau vụ thu hoạch, sản lượng cá kèo thương phẩm của toàn xã có thể lên 300 tấn. Với tình hình thị trường tiêu thụ hiện nay, ước trung bình mỗi hộ nuôi cũng đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng.

          Mặc dù, việc phát triển mô hình này đang gặp khó khăn về nguồn giống do chưa có nơi sản xuất và cung ứng cá giống nên phải thu gom từ nguồn giống thiên nhiên, do nhiều người dân đăng xúc ở các khu vực ven biển; nhưng với sự năng động, sáng tạo của người dân Tân Thành đã mở ra một hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản hiện nay, tạo thêm hiệu quả trong sản xuất bên cạnh những mô hình nuôi truyền thống như trước đây.

Bình An

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác