Những loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng/ cấm sử dụng tại Việt Nam (04-10-2019)

Ngày 20 tháng 9 năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng/ cấm sử dụng tại Việt Nam.
Những loại thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng/ cấm sử dụng tại Việt Nam
Ảnh minh họa

Theo đó, quy định Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng trong nông nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ chuột, thuốc điều hòa sinh trưởng, chất dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc, chất hỗ trợ); thuốc trừ mối; thuốc khử trùng kho; thuốc xử lý hạt giống; thuốc bảo quản nông sản sau thu hoạch. Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT cũng quy định Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam, gồm: thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ chuột, thuốc trừ cỏ.

Đối với các thuốc bảo vệ thực vật chứa hoạt chất Chlorpyrifos ethyl và Fipronil chỉ được sản xuất, nhập khẩu đến ngày 12/02/2020; chỉ được buôn bán, sử dụng đến ngày 12/02/2021.

Bảng mã số HS thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng/ cấm sử dụng tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục I của Thông tư số 15/2018/TT-BNNPTNT ngày 29/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Bảng mã số HS đối với Danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan.

Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/11/2019. Thay thế cho 02 Thông tư sau: (1) Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 09/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam; (2) Thông tư số 13/2018/TT-BNNPTNT ngày 08/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 03/2018/TT-BNNPTNT ngày 09/02/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, cấm sử dụng tại Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc