Tình hình sử dụng thuốc và chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh (13-02-2015)

Ngày 25 tháng 02 năm 2014, Bộ NN & PTNT đã ban hành Thông tư số: 08/VBHN-BNNPTNT về Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh Thủy sản và trong Thú y.
Tình hình sử dụng thuốc và chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh

Thông tư đính kèm phụ lục về danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; phụ lục về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng và hạn chế sử dụng trong thú y; phụ lục về danh mục hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; phụ lục về danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong thú y.

Nhằm kiểm soát hiệu quả tình hình sử dụng thuốc, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đã thành lập Đoàn công tác tổ chức khảo sát tình hình kinh doanh, sử dụng thuốc thú y, chế phẩm sinh học tại một số tỉnh trọng điểm về nuôi trồng thủy sản như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

Tại Sóc Trăng: Tại Sóc Trăng, các ngành nghề dịch vụ phục vụ nuôi trồng thuỷ sản rất phát triển, gồm 492 đại lý kinh doanh thức ăn, hóa chất, men vi sinh, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường. Trên thị trường Sóc Trăng có hơn 8.000 loại sản phẩm đang lưu hành với nguồn gốc rất đa dạng, như hàng nội, hàng nhập, hàng nhập rồi pha trộn…Tình hình đó gây bối rối cho người nuôi khi chọn sản phẩm để sử dụng, đồng thời gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Các cơ sở kinh doanh đều không bán kháng sinh, đặc biệt là sản phẩm có chưa Oxytetracycline. Các cơ sở kinh doanh chủ yếu các sản phẩm men vi sinh, vitamin, khoáng chất, acid amin và các loại hoá chất diệt khuẩn. Tuy nhiên, Đoàn đã phát hiện rất nhiều sản phẩm có thành phần vitamin, acid amin, khoáng chất nhưng trên nhãn đều ghi công dụng trị bệnh. Đoàn phát hiện một sản phẩm có chứa 2 hoạt chất kháng sinh (Ampicillin và Colistin) không có trong danh mục được phép lưu hành. Sau khi được đoàn kiểm tra hỏi tại sao các cơ sở kinh doanh thuốc không bán Oxytetracycline nhưng các hộ nuôi vẫn có thuốc Oxytetracycline sử dụng? thì hầu hết các cơ sở đều trả lời là do nhân viên tiếp thị của các công ty thuốc thú y đến quảng cáo và bán tại đầm nuôi.

Tại Bạc Liêu: Các cơ sở kinh doanh chủ yếu là các sản phẩm men vi sinh, hoá chất diệt khuẩn, vitamin và khoáng chất nhưng trên nhãn của nhiều sản phẩm đều ghi công dụng trị bệnh, đặc biệt là đặc trị bệnh gan, hội chứng chết sớm trên tôm nuôi, ví dụ: sản phẩm GMP VIP STAR 2 của Công ty cổ phần NAVICO, sản phẩm DEFA 5000 của Công ty TNHH MTV-TM Thuỷ sản Tân Minh Phát, sản phẩm Aqua EMS.

Tại các cơ sở nuôi cho thấy hầu hết các cơ sở đều sử dụng thuốc nhân y để phòng  trị bệnh, tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, ví dụ: sản phẩm Tetracyclin 500mg, Amoxicillin 500mg, Methionin, Davita. Liều lượng và cách sử dụng theo kinh nghiệm và học tập theo các hộ nuôi xung quanh. Các hộ nuôi đều cho rằng thuốc nhân y có chất lượng đảm bảo hơn so với thuốc thuỷ sản và chi phí rẻ hơn nhiều so với việc mua thuốc thuỷ sản. Theo tính toán của các hộ nuôi, nếu mua thuốc thuỷ sản để phòng trị bệnh cho tôm nuôi thì chi phí 1 vụ nuôi hết 15 triệu, trong khi đó mua thuốc nhân y chi phí chỉ hết 3 triệu đồng.

Tại các cơ sở nuôi tôm sú với mật độ 10-20 con/m2 và chỉ nuôi 1 vụ /năm, trong những năm vừa qua đều không xảy ra dịch bệnh. Các hộ nuôi này chỉ sử dụng các sản phẩm chế phẩm sinh học như vitamin, khoáng, acid amin để nâng cao sức đề kháng cho tôm nuôi. Còn tại các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ 60-100 con/m2, đều sử dụng thuốc kháng sinh như Oxytetracycline, Enrofloxacin (thuốc cấm sử dụng trong thuỷ sản), Tetracycline (không có trong Danh mục được phép lưu hành), Amoxillin để phòng bệnh sau 01 tuần thả nuôi. Các hộ nuôi đều biết được tác hại của việc sử dụng kháng sinh nhưng vẫn sử dụng kháng sinh với lý do để giúp tôm chống lại được các điều kiện bất lợi của môi trường và giúp tôm phòng bệnh. Tuy nhiên, các vụ nuôi vừa qua, các hộ nuôi trên tôm đều bị bệnh và thiệt hại đến hàng tỷ đồng.

Tại Bến Tre: Một số cơ sở có kinh doanh sản phẩm không có trong danh mục thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành như sản phẩm TR 555 của Công ty TNHH phát triển khoa học Quốc tế Trường Sinh, có thành phần thảo dược nhưng công dụng là trị bệnh cho tôm (bệnh taura) và bệnh cá (nhiễm trùng huyết và nhiễm độc gan); và sản phẩm G7 do Công ty TNHH Thuỷ sản Toàn Cầu nhập khẩu từ Thái Lan cũng có thành phần là một số hợp chất Oganoiodinc compound nhưng có công dụng trị bệnh EMS ở tôm, sản phẩm Rido (Doxycycline, Rifampicine), P-White (Sulfadiazin, Omethoprime), Kamoxin (Amoxicillin, Kanamycin, Clavulanate potassium) của Công ty TNHH VIBO đều có công dụng đặc trị các bệnh về gan trên tôm, bệnh phân trắng. Sản phẩm EMS có thành phần là Chloramin T của Công ty TNHH UV quảng cáo trên nhãn phòng và trị bệnh hội chứng chết sớm 10 đến 60 ngày tuổi trên tôm.

Tại Trà Vinh:  Các hộ nuôi tôm thường mua thuốc để phòng bệnh cho tôm theo hướng dẫn của chủ cơ sở kinh doanh thuốc hoặc theo hướng dẫn của các hộ nuôi khác, sử dụng thuốc không phân biệt đó là thuốc kháng sinh hay không, nhiều khi mua cả thuốc nhân y về sử dụng như Berberin. Ngoài ra, một số hộ nuôi đang sử dụng sản phẩm Tri-Alpha đặc trị các bệnh về phân trắng, có thành phần gồm 2 hoạt chất kháng sinh (Josamycin và Trimethoprim) không có trong Danh mục thuốc TYTS được phép lưu hành) của Công ty MEBIPHAR. Hầu hết các cơ sở nuôi ở Huyện Cầu Ngang đều có sử dụng nguyên liệu Oxytetracycline để chữa bệnh khi tôm có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh.

 Qua kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn 4 tỉnh nêu trên, cho thấy hiện trên thị trường lưu hành nhiều sản phẩm đăng ký thức ăn bổ sung với Tổng Cục Thủy sản nhưng khi lưu hành lại ghi công dụng của thuốc thú y thủy sản như đặc trị bệnh gan, thận, phòng bệnh đốm trắng cho tôm với giá thành mỗi hộp sản phẩm dao động từ 300.000 – 400.000 đồng. Các chủ cơ sở kinh doanh chỉ thấy sản phẩm có tên trong Danh mục thức ăn bổ sung của Tổng Cục Thủy sản ban hành là thấy hợp pháp. Qua hiện tượng trên, đoàn kiểm tra nhận thấy do việc đăng ký sản xuất lưu hành thức ăn bổ sung dễ và đơn giản hơn nhiều so với đăng ký lưu hành thuốc thú y thủy sản nên các công ty đã gửi hồ sơ đăng ký sản xuất lưu hành thức ăn bổ sung với Tổng Cục Thủy sản. Sau khi có tên trong Danh mục thức ăn bổ sung, các công ty tung ra thị trường các sản phẩm có cùng tên với tên trong Danh mục thức ăn bổ sung nhưng thành phần ghi thêm hoạt chất và công dụng ghi đặc trị các loại bệnh của tôm, cá với giá thành rất cao. Thành phần và công dụng khi đó không được kiểm tra, đánh giá.

Có thể thấy, các cơ sở kinh doanh thuốc thú y có bán sản phẩm có chứa kháng sinh, bao gồm cả thuốc ngoài Danh mục và trong Danh mục thuốc thú y thủy sản được phép lưu hành, đặc biệt phát hiện có cơ sở bán nguyên liệu Oxytetracycline. Các hộ nuôi sử dụng kháng sinh để phòng trị một số bệnh. Việc lựa chọn kháng sinh, liều lượng và cách sử dụng theo kinh nghiệm bản thân, hoặc theo hướng dẫn của nhân viên tiếp thị của công ty sản xuất thuốc thú y, hoặc theo hướng dẫn chủ cửa hàng thuốc hoặc theo hướng dẫn của các hộ nuôi khác. Tại một số địa phương, các hộ nuôi tham gia Ban quản lý vùng nuôi (tổ hợp tác xã) đều được tập huấn, tuyên truyền nên có ý thức về tác hại của kháng sinh và chỉ sử dụng các sản phẩm chế phẩm sinh học, khoáng, vitamin, acid amin để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi.

Đặc biệt, có hộ nuôi tại Huyện Ba Tri, Bến Tre đã và đang sử dụng thuốc tự chế bằng chiết xuất hạt điều và gừng, mật ong đã có kết quả tương đối khả quan trong việc phòng bệnh. Tuy nhiên do cơ sở mới áp dụng 01 vụ nuôi nên chưa đủ căn cứ để khẳng định hiệu quả. Qua khảo sát cho thấy các hộ nuôi đạt hiệu quả trong những vụ nuôi gần đây, đều nuôi tôm với mật độ thưa (15 – 30 con/m2 đối với tôm sú và 50 -80 con/m2 đối với tôm thẻ), mua giống ở cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch cũng là yếu tố góp phần giảm thiểu dịch bệnh.

Trần Thị Bưởi (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc