Diễn biến chất lượng môi trường nước vùng nuôi cá tra, nhuyễn thể, tôm hùm và vùng nuôi cá rô phi, cá lồng bè nước ngọt trong 6 tháng đầu năm 2021 (16-07-2021)

Thực hiện Kế hoạch quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản giai đoạn 2021-2025 phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản I, II, III và chỉ đạo Trung tâm Khảo nghiệm, Kiểm nghiệm và Kiểm định Nuôi trồng Thuỷ sản tiến hành quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thuỷ sản với 172 điểm quan trắc trên cá tra, nhuyễn thể, tôm hùm và vùng nuôi cá rô phi, cá lồng bè nước ngọt tại 29 tỉnh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, cho thấy kết quả trong 6 tháng đầu năm 2021 như sau:
Diễn biến chất lượng môi trường nước vùng nuôi cá tra, nhuyễn thể, tôm hùm và vùng nuôi cá rô phi, cá lồng bè nước ngọt trong 6 tháng đầu năm 2021
Ảnh minh họa

Đối với vùng nuôi cá tra:

Diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ dẫn, DO nằm trong giới hạn cho phép phù hợp cho nuôi cá tra. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm N-NO2- vượt từ 1,0-9,2 lần, N-NH4+ vượt từ 1,0-21,8 lần, P-PO43- vượt từ 1-23,2 lần, Aeromonas tổng số vượt từ 2->30 lần, TSS vượt từ 1-3,1 lần tại một số vùng nuôi như: cồn Khánh Hòa là tháng 2, kênh Cái Sao là tháng 1 và tháng 4, kênh Tây An là tháng 1,3,4,5, 6, bến đò Sơn Đốt là tháng 1, cầu chữ S là tháng 1 và tháng 5, Vịnh Tre  là tháng 5, Vinh Xương là tháng 5, cầu kênh ông Cò là tháng 5 và tháng 6, phà Trà Uối là tháng 2 và tháng 6, bến đò số 1 là tháng 2, 3, 4, 6, bến đò Thuận Hưng là tháng 2 và tháng 3, Tân công Sính là tháng 1, 2, 4, 5, 6, cồn Thới An, Thạnh Mỹ là tháng 6, bến đò Chùa là tháng 1, Thạnh Mỹ là tháng 2, Phú Túc là tháng1, Thạnh Phú Đông là tháng 2,3, sông Sa Đéc là tháng 3, 5, Tân An là tháng 1, sông Tiền - Tân Thuận Tây là tháng 4, sông Tiền - Tân Khánh Đông là tháng 5. Ngoài ra, ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri với 5% lượt quan trắc và 85% lượt quan trắc dương tính với Aeromonas hydrophilla.

Chỉ số chất lượng nước WQI cho thấy 90% các điểm quan trắc đều ở mức tốt và rất tốt cho nuôi cá tra; 8,2% ở mức trung bình như: kênh Tây An, cầu chữ S, kênh Cái Sao, cầu kênh ông Cò  tỉnh An Giang; Phà Trà Uối, bến đò Thuận Hưng, bến đò số 1, Thạnh Mỹ, Cần Thơ; Tân Công Sính, sông Sa đéc, Đồng Tháp; Phú Túc, Thạnh Phú Đông, Bến Tre. 1,8% ở mức xấu và kém, Thạnh Phú Đông, Bến Tre. Mức xấu: Bến đò Chùa, phà Trà Uối, cần Thơ; bến đò Sơn Đốt, An Giang, Tân An, TT Tràm Chim, Đồng Tháp.

Diễn biến môi trường tháng 6/2021: Chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ dẫn, DO nằm trong giới hạn cho phép phù hợp cho nuôi cá tra. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép gồm N-NO2- vượt từ 1,4-4,5 lần, N-NH4+ vượt từ 2,0-18,4 lần, P-PO43- vượt từ 2,3-13,6 lần, Aeromonas tổng số  vượt từ 2-26,9 lần, TSS vượt từ 2,9 lần tại một số vùng nuôi nuôi như: kênh Tây An, cầu kênh ông Cò, An Giang; bến đò Thuận Hưng, cồn Thới An, Thạnh Mỹ, Cần Thơ; Tân Công Sính, Đồng Tháp.

Đặc biệt thủy vực Tân Công Sính ô nhiễm hữu cơ cao, cồn Thới An, Thạnh Mỹ, trạm giao thông đường thủy, Cần Thơ có mật độ vi khuẩn Aeromonas rất cao. Ngoài ra, ghi nhận sự hiện diện của vi khuẩn Edwardsiella ictaluri với 5% lượt quan trắc và 85% lượt quan trắc dương tính với Aeromonas hydrophilla. Chỉ số chất lượng nước WQI cho thấy 85% các điểm quan trắc đều ở mức tốt và rất tốt cho nuôi cá tra; 7,5% ở mức trung bình, kênh Tây An, An Giang; phà Trà Uối, Cần Thơ, Tân Công Sính, Đồng Tháp; 7,5% ở mức xấu, cồn Thới An, Thạnh Mỹ, trạm giao thông đường thủy, Cần Thơ.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Thời gian tới nguồn nước cấp vùng nuôi cá tra tại khu vực Nam Bộ bị ảnh hưởng rất lớn từ lượng nước mưa, hiện tượng cuốn trôi bùn bã hữu cơ từ bờ bao, nội đồng ra kênh cấp,… Chất lượng nước cấp trong thời gian này giảm thấp, các yếu tố thuỷ lý hóa môi trường ao nuôi thay đổi theo chiều hướng xấu là điều kiện thuận lợi xuất hiện mầm bệnh trên cá nuôi như: bệnh xuất huyết, bệnh gan thận mủ, trắng đuôi thối đuôi vàng da.

Đối với vùng nuôi nhuyễn thể tại khu vực phía Bắc:

Diễn biến môi trường vùng nuôi 6 tháng đầu năm 2021: Các thông số môi trường nước có giá trị nằm ngoài giới hạn cho phép bao gồm: coliform tổng số là 54,55 %, N-NH4 là 30,30 %, Vibrio tổng số là 15,15 %, độ mặn là 18,18 %, N-NO2 là 9,09 %, nhiệt độ là 3,03 %. Số mẫu nhuyễn thể nhiễm vi khuẩn và Perkinsus sp lần lượt là 8,64 % và 20,99 %. Các loài vi khuẩn có khả năng gây bệnh trên ngao, hàu đã được phát hiện gồm: Vibrio parahaemolyticus, V. alginolyticus, V. Vulnificus, V. cholerae, V. ordalii, V. tubiashii.

Diễn biến môi trường tháng 6/2021: Các chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NO2, N-NH4, H2S, mật độ tảo độc, Vibrio tổng số, coliform nằm trong giới hạn cho phép  phù hợp cho nuôi nhuyễn thể. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép bao gồm N-NH4 vượt từ 1,01-5,03 lần, coliform tổng số vượt từ 1,0-1,2 lần, tại Gò Nổi, Cống 8, Khu 3 và Cống Lân 1, Thái Bình; Bắc Bãi Ngang và Nam Bãi Ngang, Thanh Hoá; Thị Trấn Cái Rồng, Quảng Ninh…; độ mặn giảm thấp là 1-2 ‰ tại Thái Bình. Bên cạnh đó, trong quá trình khảo sát, quan trắc vùng nuôi ngao ghi nhận xuất hiện loài các vi khuẩn gây bệnh trên ngao như V. parahaemolyticus, V. alginolyticus… Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các điểm quan trắc ở mức trung bình ở vùng nuôi Hạ Long, Quảng Ninh; còn lại các điểm đạt mức tốt và rất tốt cho nuôi ngao.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Nhiệt độ nước sẽ có xu hướng tăng vào tháng 7 và tháng 8, độ mặn biến động mạnh, dao động từ 1 – 28 ‰, hàm lượng N-NH4, N-NO2 trung bình tăng và vượt ngưỡng vào các tháng 7 và tháng 8. Mật độ Vibrio tổng số có khả năng vượt ngưỡng vào tháng 6, 7, 8.

Đối với vùng nuôi nhuyễn thể tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long:

Diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Các chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+,P-PO43-, H2S, TSS, mật độ tảo độc, perkinsus nằm trong giới hạn cho phép  phù hợp cho nuôi nhuyễn thể. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép bao gồm N-NO2- chiếm 38,1% lượt quan trắc trong giai đoạn tháng 4 đến tháng 6/2021 và Vibrio tổng số chiếm 47,6% lượt quan trắc trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 3/2021 tại cả 3 điểm quan trắc HTX Rạng Đông, Thạnh Lợi, Bến Tre, HTX Thành Đạt, Trà Vinh; vibrio parahaemolyticus chiếm 61,9% lượt quan trắc ở hầu hết các thời điểm quan trắc trong 6 tháng đầu năm tại HTX Rạng Đông, Thạnh Lợi, Bến Tre. Chỉ số chất lượng nước tại các điểm quan trắc ở mức tốt và rất tốt cho nuôi nghêu, riêng tháng 2 và tháng 3 do mật độ vi khuẩn trong thủy vực HTX Thành Đạt, Trà Vinh tăng cao nên chất lượng nước tại đây giảm thấp.

Diễn biến môi trường tháng 6/2021: Các chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, độ mặn, độ kiềm, N-NH4+,P-PO43-, H2S, TSS, mật độ tảo độc, Vibrio tổng số, nằm trong giới hạn cho phép  phù hợp cho nuôi nhuyễn thể. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép bao gồm N-NO2- vượt từ 1,3-3,9 lần tại cả 3 điểm quan trắc HTX Rạng Đông, Thạnh Lợi, Bến Tre, HTX Thành Đạt, Trà Vinh; vibrio parahaemolyticus hiện diện tại HTX Rạng Đông, Thạnh Lợi, Bến Tre. Chỉ số chất lượng nước tại các điểm quan trắc ở mức tốt và rất tốt cho nuôi nghêu.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Thời gian tới Nam bộ bước vào mùa mưa chính nên môi trường vùng nuôi ngao bị ảnh hưởng rất lớn từ lượng nước mưa, các yếu tố thuỷ lý hóa trong môi trường nước thay đổi theo chiều hướng xấu, ngao nuôi trong điều kiện thời tiết xấu và sức đề kháng yếu dễ mẫn cảm với mầm bệnh. Người nuôi ngao cần tuân thủ khuyến cáo tại các bản tin quan trắc và hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Đối với vùng nuôi tôm hùm:

Đánh giá chung diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Hầu hết các thông số như: pH, độ mặn, N-NO2-, COD, H2S đều có giá trị nằm trong giá trị giới hạn cho phép. Một số chỉ tiêu vượt giới hạn cho phép bao gồm: Nhiệt độ là 24,3% ;  oxy hòa tan là 16,1%; N-NH4  là 21,4%;  mật độ vi khuẩn Vibrio tổng số là 17,2%. Xuất hiện một số loài tảo có khả năng gây hại như Peridinium sp., Euglena sp., Skeletonema sp. với mật độ dao động từ 100 -5.000 tb/lít, mật độ này thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (500 -7.400 tb/lít). Chỉ số chất lượng nước (WQI) các điểm quan trắc tại Phú Yên, Khánh Hòa hầu hết đều ở mức tổt đến rất tốt phù hợp cho nuôi tôm hùm lồng. Ngoại trừ tại một số thời điểm quan trắc tháng 4 và tháng 5/2021, một số điểm có chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức trung bình như Phước Lỹ, Xuân Yên và Mỹ Thành, Xuân Thành, Phú Yên.

Diễn biến môi trường tháng 6/2021: Chỉ tiêu quan trắc gồm nhiệt độ, pH, oxy hòa tan (DO), độ mặn, N-NO2-, N-NH4+ , P-PO43-, S2-( H2S) COD, tổng Coliform, Vibrio tổng số, mật độ và thành phần tảo độc đều nằm trong giới hạn cho phép nuôi tôm hùm. Một số chỉ tiêu như DO thấp hơn giới hạn cho phép ở hầu hết các vùng tôm hùm Phú Yên, mật độ vi khuẩn Vibrio spp. vượt từ 2,3-4,5 lần tại Xuân Thành, Phú Yên, Vĩnh Nguyên và Vạn Hưng, Khánh Hòa. Chỉ số chất lượng nước WQI ở Lạch Cổ Cò, Vĩnh Nguyên, Bình Ba, Khánh Hòa ở mức tốt đến rất tốt; tại Xuân Phương, Xuân Thành, Xuân Yên - Phú Yên và Xuân Tự - Khánh Hòa ở mức trung bình  đến tốt.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Khu vực Nam Trung Bộ vẫn đang trong thời gian nắng nóng một số chỉ tiêu gồm N-NH4+, COD, Vibrio tổng số có khả năng vượt giới hạn cho phép. Đặc biệt khi thời tiết đang nắng nóng có thể xuất hiện mưa dông nên cần chú ý đến sự phát triển của tảo có khả năng gây hại cho đối tượng nuôi.

Đối với vùng nuôi cá rô phi và nuôi cá lồng bè nước ngọt một số tỉnh phía Bắc:

Diễn biến môi trường 6 tháng đầu năm 2021: Một số thông số quan trắc có giá trị nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép bao gồm coliform tổng số là 45,45 %, N-NO2  là 27,27 %, COD là 24,24 %, N-NH4 là 15,15 %, P-PO4 là 9,09 % tổng số mẫu quan trắc. Có 21,27 % số mẫu phát hiện tảo độc (Microcystis aeruginosa) trong nước khu vực nuôi. Không phát hiện mầm bệnh vi khuẩn và vi rút TiLV trong mẫu cá rô phi đã thu.

Kết quả quan trắc tháng 6/2021 cho thấy các chỉ tiêu: nhiệt độ, pH, DO, H2S và thực vật phù du có giá trị nằm trong ngưỡng cho phép. Chỉ tiêu N-NH4 vượt từ 1,03 - 1,43 lần, P-PO4 vượt từ  1,15 - 1,77 lần và COD vượt từ 1,36 - 2,88 lần tại vùng nuôi cá rô phi tại Hải Dương, N-NO2 vượt từ 1,01 - 6,50 lần và coliform vượt từ 1,48 - 3,72 lần tại vùng nuôi cá lồng và rô phi tại Hải Dương. Ngoài ra, đã phát hiện tảo độc Microcystis aeruginosa trong nước tại vùng nuôi Sơn Thuỷ và Thung Nhai ở Hoà Bình, Mông Sơn và Phúc Ninh ở Yên Bái. Chỉ số chất lượng nước (WQI) tại các điểm quan trắc vùng nuôi cá lồng bè nước ngọt tại Hoà Bình và Yên Bái đạt mức rất tốt. Vùng nuôi cá lồng bè nước ngọt tại Hải Dương ở mức trung bình đến tốt. Vùng nuôi cá rô phi tại Hải Dương ở mức xấu đến mức trung bình.

Dự báo xu thế diễn biến môi trường tháng 7 và những tháng cuối năm 2021: Nhiệt độ nước vùng nuôi cá lồng sẽ có xu hướng tăng vào tháng 7 và tháng 8. Hàm lượng COD tại Hải Dương có khả năng vượt ngưỡng vào tháng 6 và tháng 8, dao động từ 11,6 - 17,7 mg/L, tại Yên Bái vượt ngưỡng vào tháng 7 là 12,5 mg/L. Hàm lượng N-NH4 tại Hải Dương, N-NO2 và H2S trung bình đều tăng vào tháng 7 và tháng 8, tuy nhiên, vẫn nằm trong giới hạn. Nguy cơ cá rô phi có khả năng bị nhiễm TiLV và Vi khuẩn Streptococcus vào các tháng 7, 8, 9. Dự báo môi trường các ao nuôi cá rô phi trong thời gian tới có hàm lượng N-NO2 và COD vượt ngưỡng, tảo độc xuất hiện trong ao nuôi ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác