Đồng Tháp: Cần có biện pháp ổn định môi trường ao nuôi thủy sản trong thời gian tới (24-12-2018)

Để đánh giá chất lượng nước cũng như môi trường trong nuôi trồng thủy sản và có những khuyến cáo cho người nuôi trên địa bàn tỉnh, Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Tháp đã tiến hành thu mẫu quan trắc tại 40 điểm nguồn nước cấp các vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh và đã tiến hành đo trực tiếp các chỉ tiêu như: Oxy, pH, NH4+, NO2- và độ kiềm bằng test nhanh. Một số chỉ tiêu khác được phân tích tại phòng thí nghiệm như COD.
Đồng Tháp: Cần có biện pháp ổn định môi trường ao nuôi thủy sản trong thời gian tới
Ảnh minh họa

Theo kết quả quan trắc chất lượng nước trên các tuyến kênh, sông tỉnh Đồng Tháp tuần 1 tháng 12 năm 2018 cho thấy, hầu hết các chỉ tiêu về độ kiềm, Oxy, NH4+, NO2- các điểm quan trắc đều có chỉ số đo ở mức cho phép. Tất cả các điểm quan trắc đều có chỉ số pH ở mức cho phép QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A1 (6 - 8,5). Tuy nhiên, tại một số điểm đo được chỉ tiêu về độ kiềm, Oxy cao hơn so với QCVN 02- 22:2015/BNNPTNT (≥4 mg/L). Đối với chỉ tiêu về NH4+, NO2-, COD đo được cao hơn so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (≤ 0,3 mg/L), cụ thể như sau:
Đối với chỉ tiêu về độ kiềm, tất cả kênh cấp huyện Tháp Mười; Sa Đéc; Châu Thành có chỉ số đo độ kiềm thấp hơn 14 – 14,4 so với chỉ số tối thiểu yêu cầu độ kiềm thích hợp (50 - 150 mg/L). 
Đối với chỉ tiêu Oxy, tại kênh Phú Thành 1, kênh Tân Công Sính 1, kênh Phèn, kênh Thị Xã (Tam Nông) có chỉ số đo thấp hơn 0,5 - 1 mg/L so với QCVN 02- 22:2015/BNNPTNT (≥4 mg/L). 
Về chỉ tiêu NH4+, tất cả kênh cấp huyện Tháp Mười; Tam Nông; Tân Hồng; sông Tiền xã Tân Thạnh (Thanh Bình); kênh K6 (huyện Cao Lãnh); sông Hậu xã Định Hòa, sông Vàm Cái Sơn (Lai Vung) có chỉ số đo cao hơn 0,2 – 0,7 mg/L so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT (≤ 0,3 mg/L). 
Đối với chỉ tiêu NO2-, tất cả kênh cấp huyện Tam Nông; Tháp Mười; kênh K6 (huyện Cao Lãnh); sông Hậu xã Định An (Lấp Vò) có chỉ số đo cao hơn 0,05 - 0,45 mg/L so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A1 (≤ 0,05 mg/L). 
Riêng tất cả kênh cấp huyện huyện Tháp Mười; kênh K6, sông Cần Lố 2 (huyện Cao Lãnh); sông Tiền xã Tân Thạnh (Thanh Bình) có chỉ số COD đo được cao hơn 1 – 7 mg/L so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A1 (≤ 10 mg/L). 
Nhìn chung, tuy chất lượng nguồn nước cấp vẫn chưa ở mức lý tưởng nhưng vẫn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Riêng đối với huyện Tam Nông, Tháp Mười chất lượng nguồn nước chưa được đảm bảo nên khi sử dụng nguồn nước cấp cần phải theo dõi và có biện pháp xử lý nhằm cải thiện chất lượng nước.
Một số khuyến cáo đối với người nuôi
Theo đó, trong thời gian tới chất lượng nước ở các vùng nuôi thủy sản nước ngọt nước sẽ có nhiều chuyển biến, do hiện nay đang vào mùa gieo sạ lúa Đông Xuân, nước trên đồng ruộng đổ xuống các sông, kênh cấp sẽ làm ảnh hưởng các yếu tố môi trường, làm môi trường nước bị ô nhiễm, kết hợp với điều kiện thời tiết chuyển lạnh, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh trên thủy sản nuôi phát triển. Để hạn chế sự ảnh hưởng của môi trường bên ngoài và bên trong ao nuôi, phòng bệnh cho các thủy sản nuôi, đề nghị các cơ quan địa phương liên quan cần khuyến cáo người nuôi thủy sản nên thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường và áp dụng các biện pháp sau đây để ổn định môi trường ao nuôi, nâng cao sức đề kháng cho tôm, cá. Bên cạnh đó, do thời tiết chuyển lạnh nên nhiệt độ giảm thấp, đặc biệt vào buổi sáng, cần hạn chế làm sốc cá để tránh tạo điều kiện cho các loại bệnh phát triển do nấm, vi khuẩn. Người nuôi nên thả nuôi với mật độ thích hợp, cho ăn vào lúc nắng lên, bằng thức ăn đủ chất dinh dưỡng, bổ sung poly vitamin nhất là vitamin C và Beta glucan để cá có đủ sức đề kháng. Ngoài ra, cần chú ý việc thay nước, nên kiểm tra và xử lý nguồn nước cấp thường xuyên trước khi cho vào ao nuôi, cấp nước khi mực thủy triều cao nhất. Định kỳ sử dụng chế phẩm sinh học và các sản phẩm cải tạo môi trường đối với các vùng nuôi tôm tập trung như: Tam Nông, Cao Lãnh, Lấp Vò; các vùng nuôi cá Tra tập trung nhằm ổn định chất lượng nguồn nước trong ao và hạn chế sự phát triển của các loài ký sinh trùng gây hại cho đàn cá nuôi.
Đặc biết, các cơ sở nuôi bè cần lưu ý thực hiện tốt các quy định điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với cơ sở nuôi cá lồng bè.
Đối với các vùng nuôi tôm tập trung cần thường xuyên kiểm tra độ kiềm và kết hợp bón vôi để tạo môi trường thuận lợi cho tôm phát triển tốt. Các vùng nuôi/cơ sở nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu cần thực hiện QCVN 02-20:2014/BNNPTNT.
Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác