Phú Yên: Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và lựa chọn con giống trong nuôi tôm nước lợ (06-11-2018)

Trong tháng 10/2018, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã tiến hành thu 63 mẫu tôm thẻ chân trắng giống và tôm thẻ chân trắng thương phẩm tại một số vùng nuôi tôm của huyện Đông Hòa, huyện Tuy An và Thị xã Sông Cầu để kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu giám sát bệnh trên tôm và có khuyến cáo kịp thời tới người nuôi.
Phú Yên: Khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và lựa chọn con giống trong nuôi tôm nước lợ
Ảnh minh họa

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên đã tiến hành phân tích các mẫu thu được ở trên với các chỉ tiêu giám sát bệnh như bệnh hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, bệnh đầu vàng, bệnh Taura, bệnh hoại tử cơ, bệnh hoại tử cơ quan tạo máu, bệnh vi bào tử trùng. Thông qua kết quả thu mẫu giám sát bệnh trên tôm thu được, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý khuyến cáo các cơ sở sản xuất giống, hộ nuôi tôm và địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống dịch bệnh và lựa chọn con giống có chất lượng để nuôi tôm thương phẩm đạt hiệu quả:

Đối với các cơ sở sản xuất giống trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt quy trình sản xuất giống tại cơ sở, đảm bảo điều kiện vệ sinh sản xuất. Thực hiện khai báo kiểm dịch đối với tất cả các lô giống khi xuất ra khỏi địa bàn tỉnh; các cơ sở cung ứng giống nghiêm túc thực hiện lấy mẫu con giống xét nghiệm, tối thiểu 01 lần/lô giống sản xuất trong cùng đợt, các loại bệnh nguy hiểm gồm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô; chỉ xuất bán con giống có kết quả âm tính với các loại bệnh nguy hiểm trên, để đảm bảo kiểm soát được mầm bệnh từ con giống có thể phát sinh và làm lây lan dịch bệnh trong quá trình nuôi thương phẩm; thực hiện việc cung ứng giống cho các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh theo đúng lịch thời vụ năm 2018.

Các hộ nuôi tôm nước lợ thương phẩm cần tuân thủ lịch thời vụ theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT Phú Yên, lựa chọn mua con giống có chất lượng, được xét nghiệm các loại bệnh nguy hiểm (bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp, hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô…) và được kiểm dịch đối với giống nhập tỉnh. Với các ao đã thu hoạch nên làm vệ sinh và gom rác thải xử lý đúng quy định để tránh lây nhiễm ảnh hưởng đến các ao còn đang nuôi; đối với các ao hồ còn đang nuôi nên thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết  để nắm bắt kịp thời, nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm nên bán để tránh những tổn thất có thể xảy ra do mưa, bão…. Bên cạnh đó, người nuôi cần lưu ý điều chỉnh độ mặn cho phù hợp trước khi cấp vào ao nuôi, thường xuyên kiểm tra môi trường nước trong ao nuôi.

Đối với chính quyền địa phương cần tuyên truyền, vận động người nuôi theo đúng quy hoạch của địa phương, thực hiện đúng các quy định của nhà nước về nuôi, phòng chống dịch bệnh cho thủy sản nuôi; thường xuyên cập nhật tình hình bệnh trên thủy sản nuôi, kịp thời báo cáo cung cấp thông tin cho ngành chức năng để chủ động triển khai công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh. Phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người nuôi tại địa phương các biện pháp phòng trị bệnh cho thủy sản nuôi, hỗ trợ kịp thời hóa chất dập dịch cho người nuôi. Tuyệt đối không để các hộ nuôi tôm bị bệnh tự ý tháo nước ra môi trường mà chưa qua xử lý nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

       Xuân Điểm

Ý kiến bạn đọc

Tin khác