Kon Tum: Tăng cường Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm  trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2022-2030 (15-07-2022)

Nhằm thực hiện các biện pháp phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công các cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Kon Tum, vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch số 2238/KH-UBND về Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030.
Kon Tum: Tăng cường Phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm  trên thủy sản nuôi, giai đoạn 2022-2030
Ảnh minh họa

Kế hoạch đặt ra mục tiêu cụ thể là chủ động phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả, ngăn chặn một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi, như: bệnh xuất huyết trên cá trắm cỏ, bệnh xuất huyết mùa xuân trên cá chép; bệnh do Koi Herpes virut trên cá chép; bệnh do virut TiLV trên cá rô phi, điêu hồng; bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Streptococcus, Aeromonas trên các đối tượng thủy sản nuôi và một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm khác, bệnh mới nổi theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và theo cảnh báo của tổ chức Thú y thế giới; vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản xây dựng thành công 02 cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh; hướng tới phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu đã nêu, Kế hoạch đã đưa ra 9 giải pháp cụ thể, gồm: Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành trên địa bàn tỉnh Kon Tum; áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng chống dịch bệnh; giám sát và triển khai các biện pháp phòng chống dịch; vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường nuôi trồng thủy sản; xây dựng cơ sở dữ liệu cấp quốc gia và bản đồ dịch tễ lưu hành một số dịch bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản; kiểm dịch, kiểm soát động vật, sản phẩm động vật thủy sản, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản vào địa bàn tỉnh Kon Tum; xây dựng vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo môi trường trong nuôi trồng thủy sản; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

Để tổ chức thực hiện các nội dung theo Kế hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Sở, ban, ngành thực hiện một số nội dung, cụ thể như sau:

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Trên cơ sở Kế hoạch phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tại tỉnh Kon Tum giai đoạn 2022-2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và triển khai thực hiện có hiệu quả việc phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị có liên quan tổ chức giám sát, phát hiện, báo cáo và xử lý ổ dịch theo quy định của pháp luật về thú y, thủy sản; tổ chức quản lý nuôi trồng thủy sản theo quy định của pháp luật về thủy sản; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi, giải pháp quản lý chất lượng môi trường nước, tăng cường sức đề kháng cho thủy sản; khuyến khích cơ sở nuôi trồng áp dụng các quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn sinh học kết hợp với bảo vệ môi trường; đồng thời tuyên truyền, vận động cơ sở nuôi tích cực hưởng ướng các biện pháp phòng, chống dịch, chủ động khai báo khi có dịch, thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc ao nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai, hướng dẫn các đơn vị địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản tại tỉnh Kon Tum, giai đoạn 2022-2030 đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra theo đúng quy định.

Chỉ đạo các đơn vị có liên quan theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh thủy sản trên địa bàn, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, trị, khống chế không để dịch bệnh lây lan; xây dựng các vùng, cơ sở nuôi trồng thủy sản an toàn dịch bệnh và duy trì các cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản đối với các cơ sở đã được công nhận.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch giống, kinh doanh thuốc, thức ăn, hóa chất cải tạo, xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản; sẵn sàng ứng phó với các tình huống khi dịch bệnh xảy ra; Tổ chức thực hiện quan trắc môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản: thu thập thông tin tình hình nuôi, dịch bệnh; triển khai thu mẫu quan trắc giám sát các thông số môi trường, nhận định, đánh giá và dự báo mức độ ô nhiễm môi trường nước ảnh hưởng đến các lưu vực, vùng nuôi thủy sản và giải pháp khắc phục.

Hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các quy định về điều kiện cơ sở nuôi, xử lý nước thải, chất thải, mùa vụ thả giống, chất lượng con giống, quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, quản lý chăm sóc ao nuôi, các biện pháp hỗ trợ nâng cao sức đề kháng cho thủy sản nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Các Sở, ban, ngành khác căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi.

Ánh Nguyệt

Ý kiến bạn đọc

Tin khác