Bình Định: Ba tháng cuối năm sẽ tăng cường công tác quản lý và kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản (05-10-2020)

Tại Bình Định, trong tháng 9, các vùng nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh đã thu hoạch tôm vụ 2. Đối với vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến, người nuôi thực hiện thu hoạch theo hình thức đánh tỉa thả bù để kết thúc vụ nuôi vào cuối tháng 9. Ương tôm hùm giống, nuôi tôm hùm thương phẩm và nuôi cá lồng biển vẫn được duy trì ổn định. 
Bình Định: Ba tháng cuối năm sẽ tăng cường công tác quản lý và kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản

Kết quả sản xuất 9 tháng năm 2020

Đến tháng 9 năm 2020, diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn tỉnh khoảng 3.835,2 ha (tương đương diện tích cùng kỳ năm 2019); Trong đó: diện tích nuôi nước ngọt 1.500 ha, diện tích nuôi nước lợ 2.335,2 ha. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 6.942 tấn. Trong đó, sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 5.500 tấn; tôm hùm 12 tấn; cá 1.360 tấn (cá ngọt 1.200 tấn, cá biển 57,1 tấn, cá nước lợ 102,9 tấn) và thủy sản khác 70 tấn.    

Đến tháng 9/2020, diện tích nuôi cá nước ngọt trong tỉnh khoảng 1.500 ha (tương đương cùng kỳ năm 2019); Trong đó: diện tích nuôi cá quảng canh hồ chứa 1.280 ha; nuôi cá ao 219 ha và nuôi cá trong ao lót bạt 1,0 ha. Đối tượng nuôi gồm các loài cá trắm, trôi, mè, chép, rô phi... Thể tích nuôi cá lồng trên hồ chứa trong toàn tỉnh là 20.000 m3, tập trung tại hồ Định Bình – huyện Vĩnh Thạnh và hồ Tân Thắng - Phù Cát. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá điêu hồng, mật độ 80 con/m3.

Về nuôi cá lồng biển, đã có 94 hộ nuôi, số lượng 186 bè, 1.209 lồng, số lượng giống thả là 602.000 con. Sản lượng thu hoạch đến nay được 57,1 tấn. Ương nuôi tôm hùm giống: có 19 hộ ương, số lượng 12 bè, 230 lồng, số lượng giống là 46.000 con. Nuôi tôm hùm thương phẩm: có 82 hộ, số lượng 56 bè, 1.645 lồng, số lượng giống thả nuôi là 119.118 con.

Về nuôi trồng thủy sản nước lợ,Thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài và có mưa vào cuối tháng 8 đã làm ảnh hưởng quá trình phát triển của đối tượng nuôi (đặc biệt là tôm thẻ chân trắng). Tổng diện tích thả tôm 2 vụ là 2.335,3 ha. Trong đó vụ 1 là 1.959,9 ha (diện tích thả tôm thẻ chân trắng 406,4 ha; tôm sú 1.553,5 ha), chiếm 91% diện tích hiện có. Vụ 2 đến nay đã có 375,4 ha thả nuôi tôm thẻ chân trắng. Diện tích bệnh tôm vụ 2 đến nay là 0,51 ha (bệnh gan tụy). Tổng diện tích bệnh tôm đến nay là 38,77 ha (trong đó bệnh đốm trắng 0,56 ha; bệnh do môi trường 38,21 ha) chiếm 2% diện tích thả tôm.

Về sản xuất giống thuỷ sản :Giống tôm thẻ chân trắng có sản lượng lũy kế 9 tháng đạt khoảng 4,6 tỷ con, trong đó Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam - Chi nhánh Bình Định 3 là 2,4 tỷ con; Công ty Cổ phần Việt – Úc Bình Định là  2,2 tỷ con. Giống thủy sản nước ngọt khoảng 1,2 triệu con cá giống nước ngọt các loại (733.364 con cá giống Rô phi và 469.930 con cá giống trắm, trôi, mè, chép...) của Trung tâm Giống Nông nghiệp Bình Định). Giống thủy sản nước mặn khoảng 9.320 con cá chẽm kích cỡ 6-7cm (Trạm thực nghiệm nuôi trồng thủy sản – Trung tâm Giống Nông nghiệp Bình Định). Giống tôm sú khoảng 1,8 triệu con (Trung tâm Giống Nông nghiệp Bình Định).

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định) đã kiểm tra, giám sát và theo dõi số lượng tôm thẻ chân trắng bố mẹ nhập và thải bỏ sau chu kỳ sản xuất của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam – Chi nhánh Bình Định 3 và Công ty Cổ phần Việt-Úc Bình Định. Lũy kế số tôm chân trắng bố mẹ nhập vào của 2 Công ty là 11.700 con (Công ty CP: 6.080 con nhập khẩu; Việt Úc: 5.620 con nhập trong nước); Số lượng tôm bố mẹ thải bỏ sau chu kỳ sản xuất là 6.860 con (Công ty CP: 2.421 con; Việt Úc: 4.439 con).

Công tác quan trắc môi trường được thực hiện thường xuyên,  Trong 9 tháng năm 2020, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định) đã tiến hành quan trắc 18 đợt. Từ những kết quả quan trắc, Chi cục đã cảnh báo, đề xuất, khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật kịp thời. Nhờ đó, các hộ nuôi trồng thủy sản có kế hoạch trong việc điều chỉnh, quản lý môi trường nuôi.

Thực hiện kế hoạch hành động bảo đảm ATTP lĩnh vực nuôi trồng thủy sản năm 2020: Chi cục Thủy sản Bình Định đã tiến hành giám sát dư lượng kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng, kháng sinh hạn chế sử dụng trong nuôi tôm thẻ chân trắng. Tính đến nay, Chi cục đã tiến hành lấy 18 mẫu tôm chân trắng cỡ thương phẩm để kiểm tra dư lượng kháng sinh cấm và kháng sinh hạn chế sử dụng trong nuôi tôm (đạt 75% so với kế hoạch), trong đó Phù Cát 05 mẫu, Phù Mỹ 09 mẫu và Hoài Nhơn 04 mẫu. Mẫu tôm được gửi đi kiểm nghiệm tại Đà Nẵng, các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Chloramphenicol, Ciprofloxacin và Tetracycline. Qua thực tế phân tích kiểm nghiệm, kết quả 15 mẫu tôm không phát hiện dư lượng các loại kháng sinh đã phân tích.    

Bên cạnh đó, Chi cục còn thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định có 216 cơ sở đã đăng ký nuôi trồng đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, nuôi thủy sản lồng bè theo quy định (các cơ sở thuộc 5 huyện/thị xã Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Vĩnh Thạnh). Tổng cộng đã có 04 cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt được Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm nuôi trồng thủy sản

Nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao:Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định (diện tích 406 ha) đã được UBND tỉnh ra quyết định số 2574/QĐ-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2020 phê duyệt Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ngày 29 tháng 7 năm 2020 UBND tỉnh đã có văn bản số 4991/UBND-KT về việc đồng ý về chủ trương cho phép Sở Nông nghiệp và PTNT lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 cho Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ.

Kết quả của các dự án NTTS:

Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ  (thực hiện dự án tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành) đã triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng trên diện tích khoảng 106 ha/116,34 ha, gồm: Trại nuôi tôm loại I (14 ao/trại; 500m2/ao): Hoàn thiện 10 nhà; Trại nuôi tôm loại II (4 ao/trại; 1600m2/ao) và 02 ao ương 1 ao/162m2): Đã hoàn thiện 39 trại; đang xây dựng 10 trại. Hoàn thành 02 khu xử lý nước thải chính, mỗi khu công suất 9.000m3/ngày đêm. Và một khu dự phòng công suất 10.000m3/ngày đêm. Các công trình khác đã hoàn thiện và đang vận hành.  Đến nay, công ty đang hoạt động sản xuất 10 trại loại 1, mật độ thả 300 con/m2, công nghệ nuôi BioFloc và 29 trại loại 2, mật độ thả 300 con/m2, công nghệ nuôi BioFloc. Đến nay, công ty sản xuất đạt 452 tấn, năng suất đạt 40-50 tấn/ha, ước tính thu hoạch đến cuối năm khoảng 1.000 tấn, size 50-60 con/kg.     

Công ty TNHH Thành Ly (thực hiện dự án tại vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao xã Cát Thành, xã Cát Hải, huyện Phù Cát) đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng với diện tích khoảng 30 ha/48 ha. Đến nay, đã đưa vào sản xuất 18 ao (2.000 m2/ao); Sản lượng đạt 121 tấn. Công ty đã xin phép lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu nuôi tôm thương phẩm ứng dụng công nghệ cao để đi vào sản xuất ổn định.  

Đánh giá hoạt động NTTS 9 tháng đầu năm 2020

Nhìn chung, trong 9 tháng đầu năm, hoạt động nuôi tôm truyền thống vẫn được tỉnh Bình Định duy trì ổn định. Giá tôm thẻ chân trắng thương phẩm tăng so với đầu năm đã khuyến khích người nuôi đầu tư vào sản xuất. Hình thức nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao có xu hướng phát triển khả quan, góp phần đa dạng hóa phương thức nuôi và tiến đến mục tiêu nâng cao sản lượng tôm nuôi và bảo vệ môi trường. Đến nay, Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ đã đi vào triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất nuôi tôm. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số bất cập, hạn chế (như: tỷ lệ diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh cao hơn so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 2% diện tích nuôi, tăng 1,1% so với cùng kỳ 2019).

Trong 3 tháng cuối năm, Chi cục Thủy sản Bình Định sẽ tăng cường quản lý và kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh; Đồng thời, thực hiện tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường; Tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản 2017 trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; Thẩm định, xếp loại điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh; Theo dõi tiến độ hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác