Nam Định: Tháng 7, tất cả các đối tượng nuôi đều an toàn, không bị dịch bệnh (07-08-2020)

Để hoạt động nuôi đạt hiệu quả cao, hoàn thành kế hoạch sản xuất thủy sản 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương trong tỉnh tập trung ổn định sản xuất, đặc biệt trong mùa mưa lũ.
Nam Định: Tháng 7, tất cả các đối tượng nuôi đều an toàn, không bị dịch bệnh
Ảnh minh họa

Trong tháng 7/2020, thời tiết tiếp tục nắng nóng làm ảnh hưởng tới sự sinh trưởng, phát triển của các đối tượng nuôi thủy sản. Về sản xuất giống thủy sản, các cơ sở sản xuất giống tiếp tục sản xuất, ương dưỡng giống các loại cá nước ngọt và các loại giống thủy sản nước mặn lợ: hầu, ngao, cá bống bớp. Tổng sản lượng con giống sản xuất ước đạt 12.786 triệu con, đạt 99,3% kế hoạch năm; trong đó thủy sản nước ngọt 940 triệu con, thủy sản nước mặn lợ 11.846 triệu con. Ước tính lượng giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng nhập về tỉnh khoảng 800 triệu con.

Tình hình nuôi trồng thủy sản: Các đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm tiếp tục được thu hoạch. Tất cả các đối tượng nuôi đều an toàn, không có dịch bệnh xảy ra. Hiện toàn tỉnh Nam Định đã thả nuôi 100% diện tích nuôi nước ngọt; khoảng 2.400 ha tôm sú và 550-600 ha tôm thẻ chân trắng. Ước tính sản lượng thu hoạch đến hết tháng 7/2020 là 60.865 tấn (bằng 54,6% kế hoạch, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2019); Trong đó, sản lượng nuôi nước ngọt ước đạt 28.305 tấn, nuôi mặn lợ ước đạt 32.560 tấn.

Trong tháng 7, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định đã hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 01 cơ sở; Đồng thời, xử lý hồ sơ đăng ký nuôi chủ lực, tính đến ngày 20/7 đã cấp xác nhận nuôi đối tượng chủ lực cho 145 cơ sở/600 ao, bể. Ngoài ra, Sở còn cử cán bộ tham gia tập huấn triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu giống, thức ăn thủy sản; tập huấn nghiệp vụ thẩm định, chứng nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm và lấy mẫu sản phẩm thủy sản; Triển khai hướng dẫn đăng ký đối tượng nuôi chủ lực tại Thị trấn Rạng Đông; Tổ chức tập huấn, tuyên truyền Luật thủy sản 2017, quản lý môi trường ao nuôi thủy sản tại xã Nam Điền.

Khai thác thủy sản: Sản lượng thủy sản khai thác hết tháng 7/2020 ước đạt 37.901 tấn, bằng 68,9% kế hoạch. Trong đó: Khai thác hải sản 36.982 tấn; Khai thác nước ngọt 919 tấn. Trong tháng 7, đã cấp giấy phép khai thác thủy sản cho 51 tàu cá; Tổng số Giấy phép khai thác là 660/1804 tàu (tương đương 37%); Tiếp tục giám sát lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 12 tàu cá; Tổng số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là 378/515 tàu (đạt 74%). Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã tiến hành theo dõi và xử lý dữ liệu giám sát hành trình qua hệ thống giám sát tàu cá, phát hiện 04 lượt tàu cá mất tín hiệu trên biển (dưới 10 ngày) và 02 lượt tàu cá mất tín hiệu trên biển (trên 10 ngày).

Về tàu cá và công tác hậu cần nghề cá: Đến ngày 31/7/2020, toàn tỉnh có 2.172 tàu thuyền khai thác thủy sản với tổng công suất là 292.769. Tổng số lao động trực tiếp trên biển là 6.283 người. Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã tiến hành rà soát chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá; kẻ biển số và sơn cabin tàu theo quy định; phối hợp các Đồn, Trạm Biên phòng kiểm tra việc chấp hành đăng ký, đăng kiểm, an toàn hàng hải; kiểm tra sổ thuyền viên của ngư dân trước khi khai thác trên biển. Thực hiện đăng ký, đăng kiểm cho 69 tàu cá trong tỉnh; đăng kiểm cho 19 tàu cá của tỉnh Thái Bình; xóa đăng ký 01 tàu cá huyện Giao Thủy bán đi Thái Bình.

Phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tháng 8

Để góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác tháng 8/2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định đã đề nghị thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và Phòng Kinh tế thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Đối với các đơn vị trực thuộc Sở: (1) Chi cục Thủy sản phối hợp cùng các đơn vị trong ngành, Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, Phòng Kinh tế thành phố nắm bắt tình hình sản xuất, ương dưỡng giống của các cơ sở, tiến độ thả giống và sinh trưởng, phát triển của các đối tượng nuôi. Thực hiện kế hoạch quan trắc môi trường. Đẩy mạnh việc thực hiện đăng ký nuôi đối tượng chủ lực, kiểm tra điều kiện và cấp Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản. Đẩy mạnh công tác cấp giấy phép khai thác thủy sản. Thực hiện đăng ký, đăng kiểm tàu cá theo quy định. (2) Văn phòng thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tăng cường công tác kiểm tra khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định tại cảng cá Ninh Cơ. (3) Các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ, xây dựng và triển khai kế hoạch, đảm bảo quản lý chặt chẽ các hoạt động liên quan đến lĩnh vực Thủy sản (được giao quản lý trên địa bàn tỉnh). (4) Trung tâm giống hải sản và Trung tâm giống thủy đặc sản thì căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục triển khai sản xuất giống các loại đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ nhu cầu người nuôi.

Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định cũng yêu cầu Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện và Phòng Kinh tế thành phố trong tháng 8/2020 cần tăng cường kiểm tra, nắm bắt tình hình sản xuất, ương dưỡng giống và thả giống trên địa bàn, phản ánh kịp thời những khó khăn, bất thường trong quá trình chăm sóc các đối tượng nuôi để có hướng xử lý kịp thời. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống và cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các quy định của Luật Thủy sản 2017. Bên cạnh đó, tham mưu tổ chức tuyên truyền, thực hiện ký cam kết sản xuất thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm theo Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND ngày 21/11/2019 của UBND tỉnh về việc Quy định phân công, phân cấp Cơ quan thẩm định, Cơ quan quản lý các Cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về An toàn thực phẩm (thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trên địa bàn tỉnh Nam Định; Đồng thời, tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi chọn con giống, các loại vật tư có nguồn gốc rõ ràng; Đặc biệt, phải lưu giữ các loại hóa đơn, chứng từ mua bán để truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi cần thiết.

Chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ, sẽ thực hiện khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh, giảm thiệt hại: Tăng cường gia cố, tu sửa bờ ao, đăng chắn để tránh thất thoát sản phẩm. Thường xuyên theo dõi, cập nhật thời tiết để có biện pháp thu hoạch kịp thời trước khi lũ lụt xảy ra. Đối với nuôi tôm: khuyến cáo người dân bổ sung vitamin C, chất khoáng vào thức ăn; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải hữu cơ và khí độc trong ao nuôi. Đối với nuôi ngao: Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định khuyến cáo người nuôi không thả giống trong mùa mưa lũ, tiến hành thu hoạch thủy sản ngay khi đối tượng nuôi đạt kích cỡ thương phẩm; Đặc biệt, cảnh báo người nuôi không ở lại chòi canh khi có mưa bão lớn.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác