Nhật ký điện tử Nuôi tôm – Giải pháp thời kỳ hội nhập (21-07-2020)

Với mong muốn giúp người nuôi tôm từng bước tham gia hội nhập, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã chủ động hợp tác với Công ty TNHH Tép Bạc phát triển và áp dụng thử nghiệm Nhật ký điện tử Nuôi tôm. 
Nhật ký điện tử Nuôi tôm – Giải pháp thời kỳ hội nhập

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thủy sản ngày một tăng, cũng như các yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm cũng tăng dần theo thời gian. Trong đó, vấn đề “truy xuất nguồn gốc” đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm thủy sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Để giúp người sản xuất quy mô nhỏ từng bước gia nhập thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, là mong mỏi không chỉ của Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (Hội Nghề cá Việt Nam) mà là mong muốn chung của toàn ngành.

Tại Việt Nam, hai đối tượng tôm nước lợ, gồm Tôm sú (P. monodon) và Tôm thẻ chân trắng (L. vannamei) là những đối tượng thủy sản nuôi xuất khẩu chủ lực. Trong hai thập kỷ qua, thực hiện Nghị quyết 09/2000/NQ-CP ngày 15 tháng 06 năm 2000 của Chính phủ về một số chủ trương và chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, sự bùng nổ thị trường xuất khẩu thủy sản thế giới và đặc biệt với sự thành công trong công nghệ sản xuất giống tôm nhân tạo, nghề nuôi tôm nước lợ của Việt Nam đã đạt bước tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành Thủy sản Việt Nam cũng như toàn bộ nền kinh tế đất nước. Có thể nói, sự phát triển của nghề nuôi tôm nước lợ tại Việt Nam trong 20 năm qua đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tạo nhiều công ăn việc làm cho nông - ngư dân ở các tỉnh ven biển, cung cấp nguồn nguyên liệu lớn cho hoạt động chế biến, xuất khẩu.

Nhìn lại thành tựu xuất khẩu tôm của Việt Nam

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, năm 2019, tôm Việt Nam được xuất khẩu sang 102 thị trường, đạt 3,36 tỷ USD. Danh sách 10 thị trường/khối thị trường nhập khẩu chính mặt hàng tôm của Việt Nam, gồm có: EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia, Đài Loan, ASEAN, Thụy Sỹ, chiếm 96,7% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 20,5% trong tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU đạt 689,8 triệu USD. Tôm chân trắng là sản phẩm chủ đạo xuất khẩu sang EU, chiếm tỷ trọng 79,9% tổng sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU (tôm sú chiếm 12,2%, còn lại là các sản phẩm tôm biển).

Mỹ đứng thứ hai về nhập khẩu tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 19,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 653,9 triệu USD. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm chân trắng lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam 550,4 triệu USD tôm chân trắng. Tôm chân trắng cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng cơ cấu các sản phẩm tôm Việt Nam xuất sang Mỹ với 84,2% (tôm sú chỉ chiếm 12,2% và tôm biển 3,6%). Năm 2019, Mỹ tăng nhập khẩu tôm chân trắng từ Việt Nam với mức tăng 7,6% so với năm 2018. Trong số các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh (HS03) tăng mạnh nhất (39,2%) đạt 204,3 triệu USD. Đặc biệt là, nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam giai đoạn cuối năm 2019 tích cực hơn (vì Mỹ có xu hướng giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc).

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2019 đạt trên 618,6 triệu USD. Trong cơ cấu tôm xuất khẩu sang Nhật Bản, tôm chân trắng chiếm 58%, tôm sú 23,4% và tôm biển 18,5%. Các Hiệp định Thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản đã giúp duy trì ổn định giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này. Năm 2019, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD. Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản, chiếm 26% tổng giá trị nhập khẩu tôm của Nhật Bản. Thế vận hội Olympics Tokyo 2020 sẽ thúc đẩy tiêu dùng thủy sản trên thị trường Nhật Bản, đặc biệt là tôm nên nhu cầu tiêu thụ tôm dự kiến tăng, tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm trên thế giới (trong đó có Việt Nam).

Trung Quốc là thị trường tăng trưởng dương tốt nhất trong số 06 thị trường nhập khẩu tôm chính của Việt Nam. Năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đạt 542,9 triệu USD (tăng 10,3% so với năm 2018). Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32,4% tổng giá trị xuất khẩu tôm sú của Việt Nam. Tuy xuất khẩu tôm sú sang Trung Quốc giảm nhưng sản phẩm này vẫn chiếm tỷ trọng khá lớn (41%) trong các sản phẩm tôm xuất khẩu sang thị trường này (tôm chân trắng chiếm trên 50,6%; còn lại 8,4% là tôm biển). Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc năm 2019 đạt 337,5 triệu USD. Năm 2019, tôm chân trắng chiếm 83,8% trong tổng cơ cấu xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc (tôm sú chỉ chiếm 4,3%; còn lại tôm biển 11,9%). Hàn Quốc vẫn được coi là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam, nhất là khi tôm Việt Nam có được lợi thế từ các FTA đã ký kết với Hàn Quốc.

Vấn đề “truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản”

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành Tôm Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó có vấn đề “truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản” là một yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu và các hệ thống chứng nhận VietGAP, ASC, BAP, GlobalGAP… Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế thì yêu cầu này ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, năng lực áp dụng công nghệ của nông - ngư dân Việt Nam nhìn chung còn hạn chế.

Trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường bình đẳng giới và đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm ở Đông Nam – Graisea 2” do Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Tổ chức OXFAM Việt Nam thực hiện trong chuỗi tôm tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, Trung tâm ICAFIS đã hợp tác với Công ty TNHH Tép Bạc phát triển và áp dụng thử nghiệm “Nhật ký điện tử Nuôi tôm”, với mục tiêu: Nâng cao năng lực cho người nuôi tôm quy mô nhỏ trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất và tiếp cận thị trường, nhằm giúp người nuôi tôm từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đối tượng áp dụng sẽ là các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu. Thời gian thử nghiệm dự kiến là một năm (từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021). ICAFIS hy vọng sau quá trình sử dụng thử nghiệm Nhật ký điện tử, người nuôi tôm quy mô nhỏ sẽ được nâng cao năng lực, kỹ năng ứng dụng giải pháp công nghệ thông tin vào sản xuất; Qua đó, góp phần tăng cơ hội tiếp cận thị trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác