Ảnh hưởng của màu sắc môi trường đến cá chẽm nuôi (07-02-2020)

Màu nền của môi trường nuôi ảnh hưởng đến thành tích tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của nhiều loài thủy sản. Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu để đánh giá ảnh hưởng của màu bể nuôi đến thành tích tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, hoạt động của enzyme tiêu hóa, chất lượng thịt và các thông số huyết học của cá chẽm Châu Á (Lates calcarifer).
Ảnh hưởng của màu sắc môi trường đến cá chẽm nuôi
Kết quả nghiên cứu cho thấy môi trường nuôi có màu đen thích hợp nhất cho cá chẽm nuôi

Bố trí thí nghiệm

Cá chẽm có trọng lượng trung bình khoảng 16,17 g/con được nuôi trong 10 tuần ở 18 bể kính (6 nghiệm thức, lặp lại 3 lần) với các màu nền môi trường khác nhau (trong suốt, trắng, đen, đỏ, xanh lá cây, xanh da trời).

Kết quả thí nghiệm

Cuối thí nghiệm, thành tích tăng trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá được nuôi ở các màu nền trong suốt, trắng, đen, xanh lá cây cao hơn (khác biệt có ý nghĩa thống kê, p < 0,5) so với cá được nuôi ở môi trường có màu đỏ và màu xanh da trời.

Theo dõi sự biến động của các enzyme tiêu hóa chính của cá nuôi ở 6 nghiệm thức nghiên cứu cho thấy có những cách thức khác nhau về sử dụng các chất dinh dưỡng của chúng. Tỷ lệ hoạt động trypsin/chymotrypsin của cá được nuôi ở nền đen là cao nhất, tiếp đến là nền màu trắng.

Có sự cải thiện đáng kể ở cá được nuôi trên nền trắng, đen và xanh lá cây về chất lượng thịt, khả năng tổng hợp protein và tốc độ luân chuyển protein. Trong khi hàm lượng myosin và actin tương tự nhau ở cá được nuôi trong sáu nghiệm thức thí nghiệm.

Thành phần thân thịt và các thông số huyết học không bị ảnh hưởng xấu khi cá chẽm được nuôi trong các màu nền khác nhau.

Kết luận

Những phát hiện này cho thấy rằng màu nền phù hợp nhất để nuôi cá chẽm Châu Á là màu đen, tiếp theo là màu trắng và xanh lá cây, trong khi môi trường trong suốt, đỏ hoặc xanh da trời là không phù hợp.

Anh Chi (Theo Aquaculture Research)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác