Men làm bánh giúp tăng hiệu suất ở cá da trơn nước ngọt (20-11-2019)

Một nghiên cứu mới chỉ ra rằng men làm bánh giúp tăng cường hiệu suất tăng trưởng, sử dụng thức ăn và khả năng kháng bệnh ở cá da trơn nước ngọt.
Men làm bánh giúp tăng hiệu suất ở cá da trơn nước ngọt
Ảnh minh họa

Một nghiên cứu gần đây trên Báo cáo Nuôi trồng thủy sản cho thấy rằng men làm bánh (Saccharomyces cerevisiae) có thể được sử dụng như một loại probiotic để thúc đẩy hiệu suất tăng trưởng và phản ứng miễn dịch ở cá da trơn nước ngọt (Mystus cavasius). Nghiên cứu cũng khám phá liệu việc bổ sung men có giúp tăng cường khả năng sống của loài cá đối với bệnh nhiễm trực khuẩn Pseudomonas hay không.

Theo kết quả từ nghiên cứu, cho cá con loài M. cavasius ăn một chế độ ăn có chứa 1,0g men/kg thức ăn giúp cải thiện đáng kể tốc độ tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch. Liều này cũng là chìa khóa trong việc cải thiện tỷ lệ sống một tuần sau khi cá con tiếp xúc với mầm bệnh nhiễm trực khuẩn Pseudomonas. Dựa trên những quan sát này, các nhà nghiên cứu đã kết luận rằng men làm bánh làm tăng sự phát triển của cá M. cavasius và có thể là một phương pháp thay thế cho việc điều trị bằng kháng sinh trong điều trị bệnh.

Nền tảng của nghiên cứu

Mystus cavasius, hay gulsa tengra, là một loài cá da trơn nước ngọt có nguồn gốc từ Bangladesh và các khu vực khác của Đông Nam Á. Nhu cầu thị trường ở mức cao đối với các loài ở Tây Phi và Nam Á, và sản xuất thương mại đã tăng lên để đáp ứng nhu cầu này.

Bệnh là trở ngại chính cho nuôi trồng thủy sản loài gulsa tengra. Các nhà sản xuất có xu hướng dựa vào kháng sinh để giải quyết các thách thức của dịch bệnh, nhưng điều này có những nhược điểm được chứng minh rõ ràng. Nhiều loại kháng sinh để lại dư lượng môi trường và việc phụ thuộc quá nhiều vào thuốc góp phần tạo nên tính kháng thuốc. Trước những lo ngại này, các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu các lựa chọn thay thế cho liệu pháp kháng sinh.

Probiotic đã nổi lên như một sự thay thế tiềm năng cho kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản. Ở các loài nước ngọt khác, việc bổ sung chế độ ăn bằng men probiotic đã cải thiện tốc độ tăng trưởng và đáp ứng miễn dịch, khiến cá ít mắc bệnh. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa khám phá tác động của các men vi sinh đối với loài gulsa tengra.

Thí nghiệm

Các nhà nghiên cứu muốn khám phá liệu chế độ ăn có bổ sung men làm bánh có ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng, thành phần cơ thể, việc sử dụng thức ăn và khả năng kháng bệnh ở loài gulsa tengra hay không.

Để làm điều này, các nhà nghiên cứu đã đưa cá con gulsa tengra vào 12 hồ thủy tinh khác nhau, với 15 cá bột cho mỗi hồ cá. Cá được cho ăn bốn chế độ ăn thử nghiệm có chứa nồng độ men làm bánh (Saccharomyces cerevisiae) khác nhau trong hơn 75 ngày:

T1 - chế độ ăn chứa 30% protein thô và không có men vi sinh

T2 - chế độ ăn chứa 30% protein thô và 0,5g men vi sinh/kg thức ăn

T3 - chế độ ăn chứa 30% protein thô và 1,0g men vi sinh/kg thức ăn

T4 - chế độ ăn chứa 30% protein thô và 1,5g men vi sinh/kg thức ăn

Sau 75 ngày, cá đã tiếp xúc với bệnh nhiễm trực khuẩn Pseudomonas, một mầm bệnh phổ biến cho cá. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi cá trong một tuần nữa và đo đường lây nhiễm và tỷ lệ tử vong ở các hồ khác nhau.

Các kết quả

Việc bổ sung nấm men cải thiện đáng kể việc tăng trọng lượng ở cá, tăng tỷ lệ % và chức năng miễn dịch đối với cá gulsa tengra được cho ăn chế độ ăn T2, T3 và T4. Cá con cho ăn chế độ ăn đối chứng (T1) không đạt được những điều này. Cá được ăn chế độ T3 có trọng lượng cuối cùng cao nhất và cho thấy tỷ lệ tăng trọng lượng lớn nhất trong tất cả các nhóm. Tỷ lệ tăng trọng lượng của cá ăn chế độ ăn T3 cao hơn gấp đôi so với T1, điều này cho thấy hiệu suất tăng mạnh. Tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và tỷ lệ hiệu quả protein (PER) cũng cao nhất ở chế độ ăn T3.

Khi đo lường chức năng miễn dịch và khả năng sống tổng thể, các nhà nghiên cứu đã quan sát các xu hướng tương tự. Cá ăn chế độ ăn T3 có tỷ lệ tử vong thấp nhất và có tỷ lệ sống là 90% một tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhiễm trực khuẩn Pseudomonas. Cá ăn chế độ ăn T1 có tỷ lệ tử vong cao nhất, ở mức 70% và tỷ lệ sống thấp nhất (30%).

Những kết quả này chỉ ra rằng men làm bánh có thể hoạt động như một chất bổ sung probiotic cho cá bột M. cavasius. Các kết quả này cũng chứng minh rằng việc xây dựng chế độ ăn với 1,0g men/kg thức ăn nuôi thủy sản sẽ cải thiện sự tăng trưởng, hiệu suất miễn dịch và tỷ lệ sống.

Các nhà nghiên cứu cho rằng men làm tăng sự thèm ăn của cá bột, dẫn đến tăng trưởng. Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất rằng men cải thiện khả năng tiêu hóa enzim từ đó cải thiện tốc độ tăng trưởng.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị việc sử dụng men probiotic là một cách bền vững để cải thiện hiệu suất nuôi cá mà không cần dựa vào kháng sinh.

HNN (Theo Thefishsite)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác