Phát triển chuỗi giá trị nghêu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (20-09-2019)

Trong khuôn khổ của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam”, chuỗi giá trị nghêu đã được lựa chọn xây dựng và phát triển mạnh tại ba tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long gồm Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Phát triển chuỗi giá trị nghêu tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Bối cảnh phát triển chuỗi giá trị nghêu

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) được triển khai trong các năm 2018-2022 với mục tiêu: Gia tăng thu nhập cho người sản xuất quy mô nhỏ và các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ trong ngành hàng Nghêu thông qua các hoạt động sản xuất bền vững. Theo đó, SCBV đã xác định: Các tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có điều kiện tự nhiên và khí hậu  thuận lợi để phát triển nuôi trồng, trong đó có nghêu (một trong bốn sản phẩm nuôi trồng thuỷ sản chủ lực của Việt Nam bên cạnh tôm, cá tra, cá rô phi). Nghêu được nuôi thả nhiều tại ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và được xác định là sản phẩm thuỷ sản chính của các tỉnh này. Mặc dù có lợi thế và tiềm năng như vậy, nhưng thực tế, nghề nuôi nghêu lại còn nhiều khó khăn, thách thức, cần giải quyết như: Vấn đề dịch bệnh; Quản lý môi trường, sinh thái; Biến đổi khí hậu; Đầu ra sản phẩm hay liên kết tiêu thụ sản phẩm…

Đối với người nuôi nghêu tại ba tỉnh, thu nhập từ nghêu chưa ổn định. Thậm chí trong 1-2 năm lại đây, nguồn thu nhập từ nghêu bị sụt giảm đáng kể do thời tiết bất lợi, thiếu con giống, dịch bệnh khiến nghêu chết nhiều. Theo báo cáo của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam”, năm 2017, thu nhập trung bình của người nuôi nghêu chỉ dao động từ 5 đến 10 triệu đồng/người/năm. Giá trị kinh tế từ nghêu đem lại cho người dân thấp một phần là do giá bán thấp, diễn biến thời tiết phức tạp, dịch bệnh bùng phát nhiều. Trong khi thực tế sản xuất và thu hoạch nhỏ lẻ, thiếu liên kết với nhau. Người dân thường đơn lẻ từng hộ bán nghêu cho thương lái. Nhìn chung, đa số các hộ dân ở vùng nuôi nghêu vẫn duy trì hình thức sản xuất riêng lẻ, thiếu liên kết, cũng vì nhiều lý do khác nhau: Do thiếu vốn, hoặc chưa thấy được lợi ích và nhu cầu trong liên kết.

Liên kết chuỗi và Chứng nhận quốc tế

Chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng là một yếu tố giúp tăng giá trị của sản phẩm nghêu. Chứng nhận quốc tế MSC (theo Tiêu chuẩn đánh bắt thủy sản của Hội đồng Quản lý Hàng hải) vốn được coi là chìa khóa để sản phẩm nghêu tiếp cận các thị trường xuất khẩu đem lại giá trị cao. Chứng nhân MSC đòi hỏi việc tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn sản xuất bền vững bao gồm đánh bắt bền vững, giảm thiểu tác động môi trường và quản lý thủy sản hiệu quả. Tuy nhiên, hiện mới có Bến Tre đạt chứng nhận MSC, còn Trà Vinh và Tiền Giang vẫn chưa đạt được chứng nhận này (vì hai tỉnh Trà Vinh và Tiền Giang chưa đạt tiêu chuẩn quản lý nghêu theo hướng phát triển bền vững MSC). Việc Trà Vinh và Tiền Giang chưa quy hoạch vùng nuôi trồng nghêu và định hướng gắn kết theo chuỗi giá trị đã ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm, khả năng truy xuất nguồn gốc, dẫn tới chưa đáp ứng được điều kiện của tiêu chuẩn MSC trong ngành Thủy sản.

Theo báo cáo tại Diễn đàn “Kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm Nghêu” được tổ chức vào ngày 30/8/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh, nhờ đã áp dụng phương pháp tiếp cận phát triển chuỗi giá trị toàn diện và nâng cao năng lực quản trị chuỗi, người sản xuất quy mô nhỏ trong ngành Nghêu đã được hỗ trợ thực hành sản xuất bền vững, có thể chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị được chứng nhận (thông qua các hợp đồng cung ứng với các công ty chế biến vừa và nhỏ, cũng như với các doanh nghiệp lớn). Qua đó, năng lực của những người sản xuất quy mô nhỏ được nâng cao, tiến tới thực hành các tiêu chuẩn sản xuất bền vững.  

Trước mắt, để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) với các mức thuế suất giảm mạnh, các hộ nuôi trồng và doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thủy sản sẽ phải nhanh chóng liên kết, tạo chuỗi giá trị ngành hàng Nghêu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc và phát triển bền vững mà thị trường yêu cầu.

Tuy nhiên, theo đánh giá của SCBV, chuỗi thị trường phức tạp với yêu cầu nghiêm ngặt phải tuân thủ các tiêu chuẩn xuất khẩu và vệ sinh môi trường trong khi mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi nghêu tại ba tỉnh còn lỏng lẻo. 100% người dân sản xuất nghêu không bán hàng thông qua các hợp đồng cung ứng. Các nhóm tiểu thương (hay còn gọi là thương lái, thu gom hàng) đóng vai trò trung gian trong việc thu mua nguyên liệu từ người sản xuất đến các doanh nghiệp và hợp tác xã chế biến. Giá bán nguyên liệu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường hoặc do thương lái quyết định. Các hợp tác xã nghêu có thực hiện đấu thầu bán nghêu bao gồm cả khoán khâu thu hoạch cho thương lái.

Những khó khăn và nút thắt kể trên đang được Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) và Oxfam Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) nỗ lực phối hợp giải quyết, vì 20 nghìn nông dân ngành Nghêu và vì một ngành Nghêu bền vững. Cụ thể là, Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu và Tổ chức Oxfam Việt Nam đồng tài trợ, được triển khai trong 04 năm (2018-2022) sẽ đẩy mạnh mối liên kết giữa các nhân tố trong chuỗi giá trị nghêu, đảm bảo tính công bằng và minh bạch về lợi ích, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế cho hoạt động sản xuất thủy sản, từ đó góp phần giảm nghèo ở các vùng nông thôn của Việt Nam.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác