Đánh giá sức tải môi trường vùng biển gần bờ để phát triển nuôi biển công nghiệp (18-09-2019)

Ngày 17/9/2019, tại Hà Nội, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo “Một số kinh nghiệm bước đầu trong đánh giá sức tải môi trường vùng biển gần bờ để phát triển nuôi biển công nghiệp”.
Đánh giá sức tải môi trường vùng biển gần bờ để phát triển nuôi biển công nghiệp

Trước đó, nhận sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam xây dựng “Chiến lược Phát triển Nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để chuẩn bị cơ sở khoa học cho việc lập kế hoạch phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, trong thời gian từ tháng 6/2019 đến nay, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã tiến hành thí điểm “Đánh giá sức tải môi trường biển nhằm xác định vùng nuôi cá biển quy mô công nghiệp phù hợp cho tỉnh Quảng Ninh”.

Để đánh giá, rút kinh nghiệm, triển khai cho các địa phương khác, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội thảo “Một số kinh nghiệm bước đầu trong đánh giá sức tải môi trường vùng biển gần bờ để phát triển nuôi biển công nghiệp” với mục đích giới thiệu phương pháp và trao đổi kinh nghiệm đánh giá sức tải môi trường vùng biển gần bờ; Đồng thời, thảo luận các kinh nghiệm thực tế của việc tạo dựng cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch phát triển nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam.

Tham dự Hội thảo có đại diện của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I), Trung tâm Khoa học công nghệ Nuôi biển Việt Nam; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Hà Tĩnh; Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, Nghệ An, Nam Định, Quảng Ngãi, Cà Mau; Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh; các chuyên gia, doanh nghiệp thủy sản ở các tỉnh thành trên cả nước và đại diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Đan Mạch (DANIDA).

Tại Hội thảo, các báo cáo tham luận đã đề cập đến nhiều vấn đề như: Đánh giá hiện trạng môi trường ven biển tỉnh Quảng Ninh; Đánh giá sức tải môi trường khu vực Hòn Bọ Cắn (Cẩm Phả, Quảng Ninh) phục vụ nuôi cá biển quy mô công nghiệp; Kết quả và kinh nghiệm bước đầu trong đánh giá sức tải môi trường biển để xác định khu vực nuôi biển dự kiến của Quảng Ninh; Nhận xét các kết quả đánh giá sức tải môi trường vùng biển ven bờ và khả năng ứng dụng vào việc lập kế hoạch phát triển nuôi biển công nghiệp Quảng Ninh; Phương pháp đánh giá sức tải môi trường vùng biển ven bờ. Đặc biệt, Hội thảo đã nêu chi tiết những công việc cần tiến hành tiếp theo, cũng như đề xuất sự hỗ trợ từ Đại sứ quán Đan Mạch.

Đến tham dự Hội thảo, các đại biểu đã tích cực đóng góp ý kiến thảo luận/tham luận về Nhu cầu và Kế hoạch đánh giá sức tải môi trường phục vụ xây dựng quy hoạch và phát triển nuôi biển ở các tỉnh ven biển; Phương pháp đánh giá sức tải môi trường; Cải thiện kết quả đánh giá sức tải môi trường. Cũng tại buổi Hội thảo “Một số kinh nghiệm bước đầu trong đánh giá sức tải môi trường vùng biển gần bờ để phát triển nuôi biển công nghiệp”, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam đã trân trọng trao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh “Kết quả đánh giá sức tải môi trường” nhằm phát triển nuôi biển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh.

Nuôi biển công nghiệp tại Quảng Ninh

Tháng 6 năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh và Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã ký kết hợp tác “Phát triển nuôi biển công nghiệp tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2025” nhằm phối hợp xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp nuôi biển để kiến nghị Nhà nước thực hiện; xây dựng chương trình phát triển nuôi biển công nghiệp đến năm 2030. Cùng với đó, quy hoạch lại việc sử dụng vùng biển dưới 6 hải lý; sắp xếp lại các khu vực lồng bè nuôi biển theo quy hoạch; xây dựng các mô hình công nghiệp nuôi biển tiên tiến; hỗ trợ 2-5% hộ ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi; xây dựng các chuỗi giá trị lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tổ chức thị trường nội địa và xuất khẩu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh đã xác định: Nuôi biển nói chung, nuôi cá biển quy mô công nghiệp nói riêng là nhu cầu cần thiết trong giai đoạn hiện nay và tương lai. Vì vậy, Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I) - đối tác của Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, đã thực hiện “Đánh giá hiện trạng môi trường ven biển tỉnh Quảng Ninh và Đánh giá sức tải môi trường khu vực biển hòn Bọ Cắn, Cẩm Phả”. Qua đó, bước đầu xác định được các vùng biển tiềm năng có thể phát triển nuôi cá biển quy mô công nghiệp. Đánh giá sức tải môi trường vùng nuôi biển tập trung, giúp địa phương xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển nuôi cá biển quy mô công nghiệp.

Tuy nhiên, nuôi cá biển quy mô công nghiệp bên cạnh việc tạo ra nguồn sản phẩm cho xã hội thì nó cũng gây ra rất nhiều thách thức đối với môi trường sinh thái. Do đó, cần xây dựng một dự án Đánh giá toàn diện hiện trạng môi trường (nước và trầm tích) vùng nuôi trồng tập trung trên biển tỉnh Quảng Ninh. Trong đó đặc biệt chú ý môi trường các vùng nuôi cá biển, động vật thân mềm nhằm đề xuất giải pháp/xây dựng phương án nuôi trồng trên biển bền vững, tiếp cận hệ sinh thái. Bên cạnh đó, xây dựng dự án Đánh giá tác động môi trường nuôi cá biển, động vật thân mềm đến sức tải môi trường vùng nuôi biển tập trung trên cả nước. Từ đó, đưa ra giải pháp, xây dựng kế hoạch quản lý môi trường tốt hơn, đảm bảo ổn định năng suất nuôi, đảm bảo môi trường sinh thái. Trong trường hợp cần thiết, áp dụng tiêu chuẩn đánh giá của mô hình MOM của Nauy (Modelling - Ongrowing Fish Farms - Monitoring) để đánh giá tác động của nuôi cá biển đến sức tải môi trường trong các vùng nuôi biển tập trung (cá biển, động vật thân mềm).  

Để đảm bảo nuôi biển bền vững, tiếp cận hệ sinh thái, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam sẽ là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn và các chuyên gia xây dựng khung đánh giá tác động môi trường/ sức tải môi trường phục vụ cho nuôi biển. Đảm bảo đánh giá đầy đủ các yếu tố nhưng lại đơn giản, dễ thực hiện, nhằm giúp các doanh nghiệp/ chủ trang trại/ hộ dân có đủ nguồn lực thực hiện các đánh giá liên tục (trong suốt quá trình sản xuất) với mục tiêu tối ưu là: Giúp người nuôi lập kế hoạch sản xuất, quản lý môi trường và phòng trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả.

 Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác