Tạo động lực để phát triển bền vững lĩnh vực nuôi biển (12-07-2018)

Ngày 11/7/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tổ chức Hội thảo Chiến lược Phát triển nuôi biển Việt Nam.
Tạo động lực để phát triển bền vững lĩnh vực nuôi biển

Tham dự Hội nghị có đại diện các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố ven biển, các Viện Nghiên cứu, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (Jica), Hội đồng xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ (USSEC) cùng các cơ quan thông tấn báo chí đến đưa tin.

Trong những năm qua, lĩnh vực nuôi biển của nước ta đã có những bước phát triển đáng kể, diện tích và sản lượng nuôi biển không ngừng tăng qua các năm. Các đối tượng nuôi biển chính hiện nay của nước ta là cá biển, nhuyễn thể, tôm hùm, cua ghẹ và rong biển. Trong năm 2017, tổng diện tích nuôi biển của nước ta đạt xấp xỉ 246 nghìn ha với sản lượng đạt hơn 377 nghìn tấn. Diện tích nuôi chủ yếu tập trung tại một số tỉnh/thành phố trọng điểm như Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang. Các sản phẩm nuôi biển của nước ta như: ngao/nghêu, sò điệp, cá mú, cá chẽm, cá chim, cá cam…đã có mặt tại các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapo …

Tuy nhiên, hiện nay trong phát triển nuôi biển còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ áp dụng vẫn còn lạc hậu, chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của nước ta. Bên cạnh đó, vấn đề về con giống hiện nay vẫn còn phụ thuộc chủ yếu từ khai thác tự nhiên và nguồn nhập khẩu. Sản phẩm chế biến chủ yếu là chế biến thô chưa nâng cao giá trị gia tăng. Chưa tạo động lực để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này cũng như nguồn vốn, chính sách ưu đãi còn hạn chế.

Tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Ông Trần Đình Luân cho biết, với chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, có nhiều đảo lớn nhỏ, vùng vịnh kín... Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nuôi biển. Đặc biệt là các vùng biển khu vực phía Tây (ít chịu gió bão), khu vực biển miền Trung có lợi thế về độ sâu, nếu áp dụng công nghệ tiến tiến sẽ đảm bảo phát triển nuôi các loài cá biển công nghiệp có quy mô lớn. 

Theo định hướng phát triển của ngành thủy sản của nước ta, lĩnh vực nuôi biển được xác định là một trong 3 trụ cột chính trong định hướng phát triển chung của ngành trong thời gian tới. Để có thể phát triển nuôi biển bền vững, cần phải phát triển theo hướng công nghiệp, với sự tham gia của các doanh nghiệp, có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, chú trọng bảo vệ môi trường. Công nghiệp nuôi biển cũng giúp hình thành những ngành công nghiệp phụ trợ mới, tạo thêm việc làm và sinh kế mới, tăng thu nhập cho ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo và bảo vệ an ninh quốc phòng biển, đảo của Tổ quốc.

Chính vì vậy, ngay từ bây giờ cần xây dựng một chiến lược phát triển nuôi biển một cách đồng bộ đối với tất cả các khâu từ sản xuất giống, thức ăn, cơ sở chế biến, công nghiệp phụ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi biển cũng như phát triển thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần ban hành các chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp để phát triển vùng nuôi tập trung quy mô lớn, đây là cơ sở cho hoạch định chiến lược phát triển nuôi biển sau này. 

Dự thảo về Chiến lược phát triển nuôi biển Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, đưa lĩnh vực nuôi biển trở thành ngành công nghiệp tập trung, đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm, năng suất cao, cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập; gắn với bảo vệ môi trường. Phấn đấu diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha, trong đó: Diện tích nuôi vùng biển xa bờ 30 nghìn ha; diện tích nuôi gần bờ, ven đảo 20 nghìn ha; diện tích nuôi bãi triều là 250 nghìn ha; thể tích lồng nuôi đạt 9 triệu m3.

Đến năm 2050, đưa Việt Nam trở thành nước có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta, đóng góp 12-15% GDP. Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hàng đầu về công nghiệp nuôi biển trong khối ASEAN và châu Á, đứng trong top 5 trên thế giới về sản lượng và giá trị xuất khẩu hải sản nuôi. Với mục tiêu đến năm 2050, phấn đấu đạt sản lượng nuôi biển đạt 3,0 triệu tấn/năm; giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỷ USD.

Tại Hội thảo, một số đại biểu đã đặt câu hỏi xung quanh các vấn đề làm thế nào để bảo đảm an ninh cho các hoạt động nuôi biển trong bối cảnh tình hình biển Đông diễn biến phức tạp hiện nay? ngoài ra các công nghệ sản xuất các lồng bè, các công trình phụ trợ để phát triển nuôi biển có đáp ứng được điều kiện thời tiết ở nước ta hay không? Vấn đề đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng được các đại biểu quan tâm.

Theo TS. Patrick White - Đại diện Hội đồng Xuất khẩu đậu tương Hoa Kỳ cho biết, hiện nay, trên thế giới đã có nhiều công nghệ lồng, bè có khả năng chịu sóng gió, giúp cho nuôi giảm thiểu rủi ro bởi thiên tai để nuôi biển đạt hiệu quả cao. Thậm chí đã có cả công nghệ để nuôi cá biển trên đất liền. Công nghệ sản xuất thức ăn phù hợp với nuôi biển cũng đã có. Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nghề nuôi biển. Và nếu có cơ chế chính sách để phát triển thì các khu vực có tiềm năng, lợi thế sẽ tiếp cận được khoa học công nghệ trong phát triển nuôi biển. 

Đánh giá về xu hướng phát triển của thế giới, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản đều cho rằng, lĩnh vực nuôi biển đang là xu hướng phát triển chung trên thế giới. So với chăn nuôi động vật trên cạn, nuôi thủy sản nói chung được đánh giá cao hơn nhiều về hiệu quả kinh tế, môi trường. Xét về khía cạnh kinh tế, nuôi thủy sản có năng suất cao hơn so với nuôi gia súc, gia cầm, nhờ hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn. Về môi trường, nuôi thủy sản không gây tác hại nhiều tới môi trường như gia súc, gia cầm…Bên cạnh đó, nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm thủy sản có xu hướng tăng, chính vì vậy, phát triển nuôi trồng thủy sản đang là xu hướng chung trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong bối cảnh dân số thế giới đang tăng lên (có thể đạt 9 tỷ người vào năm 2050).

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác