Bạc Liêu: Xây dựng chuỗi liên kết cùng phát triển trong nuôi tôm (21-06-2018)

Vừa qua, Ban quản lý dự án “Phát triển chuỗi giá trị sản xuất Tôm Bền vững - Công bằng tại Việt Nam (SusV)” đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu tổ chức “Lễ ký kết hợp tác xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận ASC giữa Công ty cổ phần Tôm Miền Nam (SVS) và Hợp tác xã Thành Đạt, tỉnh Bạc Liêu”
Bạc Liêu: Xây dựng chuỗi liên kết cùng phát triển trong nuôi tôm
Ảnh minh họa

Được sự tài trợ của Liên Minh Châu Âu, trong thời gian qua, Tổ chức OXFAM tại Việt Nam và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội nghề cá Việt Nam (VINAFIS), đã phối hợp Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, WWF Việt Nam đã triển khai dự án (SusV) tại một số tỉnh thành trọng điểm về nuôi tôm. Với mục tiêu hướng đến là phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam, thời gian vừa qua dự án SusV đã cùng các đối tác đã có nhiều biện pháp thúc đẩy đa bên và với nhiều cách tiếp cận. Tiếp cận dựa trên thị trường là một trong những hướng chính mà dự án đã, đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy.

Tại Bạc Liêu, Tổ chức OXFAM tại Việt Nam và Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) đã triển khai nhiều dự án nhằm giúp tăng cường liên kết chuỗi trong sản xuất cũng như nâng cao năng lực cho sản phẩm tôm của địa phương. Trong đó, từ tháng 12 năm 2016, dự án đã xây dựng chuỗi liên kết để sản xuất tạo ra sản phẩm tôm sạch đã được Công ty cổ phần Tôm Miền Nam (SVS) và Hợp tác xã Thành Đạt , tỉnh Bạc Liêu triển khai xây dựng và thực hiện. Đến nay, mô hình liên kết đã mang lại hiệu quả cao, Công ty Tôm Miền Nam và HTX Thành Đạt đã sản xuất được nhiều tấn tôm sạch cung ứng cho thị trường quốc tế.

 Trước tình hình giá cá tôm có xu hướng giảm mạnh như hiện nay phần nào đã người nuôi cũng như công ty gặp phải khó khăn trong liên kết chuỗi. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Công ty SVS và  HTX Thành Đạt đã quyết tâm xây dựng chuỗi liên kết bền vững và lâu dài, do đó, hai bên đã xác định cần nâng cao “giá trị cạnh tranh” cho con tôm và tiến tới đạt được chứng nhận ASC. Được sự hỗ trợ và phối hợp từ phía Ban quản lý dự án SusV cùng Trung tâm khuyến nông tỉnh Bạc Liêu tổ chức “Lễ ký kết hợp tác xây dựng vùng nuôi đạt chứng nhận ASC giữa Công ty cổ phần Tôm Miền Nam (SVS) và Hợp tác xã Thành Đạt, tỉnh Bạc Liêu”. Sự kiện với sự tham gia của trên 40 đại biểu là đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Bạc Liêu, Trung tâm ICAFIS, WWF Việt Nam, Đại diện Công ty Tôm Miền Nam, Thành viên HTX Thành Đạt, Cơ quan truyền thông và các Cơ quan ban ngành địa phương.

Việc ký kết giữa Công ty cổ phần Tôm Miền Nam (SVS) và Hợp tác xã Thành Đạt có ý nghĩa hết sức quan trọng để nâng cao tính liên kết chuỗi cũng như nâng cao giá trị con tôm. Đặc biệt, trong giai đoạn giá tôm có xu hướng giảm như hiện nay giúp người nuôi cũng như doanh nghiệp chia sẽ lợi ích cũng như nâng cao giá trị con tôm một cách bền vững.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, Ông Huỳnh Quốc Khởi – Giám đốc Trung tâm Khuyến Ngư tỉnh Bạc Liêu cho rằng: “Tôm sản xuất thì rất khó khăn về dịch bệnh, giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng, môi trường thời tiết càng ngày càng khó khăn, tôm có giá thì bà con cùng thả giống thả nhiều thì nguồn cung tăng dẫn đến giá giảm, nông dân sản xuất nhỏ lẻ manh mún nên tiếng nói không có trọng lượng,…muốn thành công trong liên kết chuỗi thì các bên nên bớt đi lợi ích cá nhân hòa vào lợi ích chung, các bên phải liên kết lại để có sản lượng lớn vừa đáp ứng nhu cầu công ty vừa giảm giá đầu vào….liên kết hợp tác là quá trình vận động lâu dài, muốn liên kết bền vững phải minh bạch rõ ràng và niền tin vào nhau thì mới đi tới thành công”.

Ông Biện Việt Nhu – Chủ Tịch hội đồng quản trị công ty Tôm Miền Nam khẳng định: Công ty rất tâm quyết và đồng hành cùng chia sẽ khó khăn cũng như lợi nhuận cùng bà con, tâm quyết phát triển chuỗi liên kết để giảm thiêu rủi ro, giảm chi phí sản xuất từ đó tăng lợi nhuận cho đôi bên, hướng đến chuỗi liên kết bền vững và xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt Nam. Công ty cam kết thu mua đúng như hợp đồng và cùng chia sẻ rủi ro với người nuôi khi không đáp ứng được sản lượng cũng như rủi ro trong sản xuất.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác