Độ mặn của nước biển giảm tàn phá san hô (15-03-2019)

Nghiên cứu mới xác nhận rằng những thay đổi lớn về độ mặn đại dương, ví dụ như tình trạng nước ngọt tràn vào vùng biển như vừa mới xảy ra ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Queensland do điều kiện gió mùa bất thường, gây ra phản ứng căng thẳng tương tự ở san hô khi nóng quá mức, dẫn đến tình trạng tẩy trắng nước ngọt. Và nếu tình trạng này không suy giảm, san hô sẽ chết.
Độ mặn của nước biển giảm tàn phá san hô
Ảnh minh họa

Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm xuất Nghiên cứu rạn san hô tại Đại học James Cook (Coral CoE) và Đại học Công nghệ Sydney (UTS) báo cáo rằng những thay đổi cực đoan và đột ngột của độ mặn, hoặc nồng độ muối đại dương, gây ra phản ứng sinh hóa ở san hô tương tự như sóng nhiệt biển, nhưng trong một số trường hợp, gây tổn hại nhiều hơn đến khả năng hoạt động của tế bào.

Tác giả nghiên cứu Giáo sư David Miller của Coral CoE cho biết: “San hô là những sinh vật nhạy cảm, được biết là chỉ chịu đựng được những thay đổi nhỏ trong môi trường của chúng. Phát triển mạnh ở vùng nước trong, có ánh nắng mặt trời, phần lớn san hô được tìm thấy ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới với độ mặn từ 32 - 42 phần nghìn. Trong trận lụt gần đây, có nhiều báo cáo cho thấy các rạn san hô gần bờ đã bị phơi nhiễm với khoảng một nửa độ mặn đại dương so với mức bình thường. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy loại thay đổi môi trường này gây ra phản ứng sốc ở san hô ngăn cản chức năng tế bào bình thường”.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng bộ gien được giải trình tự, một bản thiết kế sinh học của loài san hô phổ biến, Acropora milleporato để phát hiện những thay đổi trong sinh học của san hô.

Tiến sĩ Jean-Baptiste Raina của UTS cho biết: “Sử dụng các phòng thí nghiệm tinh vi tại National Sea Simulator, chúng tôi đặt cả san hô trẻ và trưởng thành vào một thử nghiệm về độ mặn để xem cách chúng phản ứng với nồng độ mặn khác nhau. Chúng tôi thấy rằng có một phản ứng chung giữa cả hai giai đoạn sống của san hô - với san hô trẻ nhạy cảm hơn với điều kiện độ mặn thấp, nhưng chống chịu tốt hơn khi tiếp xúc theo thời gian”.

Giáo sư Miller giải thích: “Nói chung, chúng tôi thấy rằng các tế bào của san hô khởi động một phản ứng hóa học tương tự để giảm độ mặn giống như khi chúng bị stress nhiệt. Tuy nhiên, không giống như phản ứng căng thẳng do nhiệt, san hô bị giảm độ mặn trải qua sự sụp đổ hoàn toàn về cân bằng protein tế bào bên trong của chúng, cho thấy các tế bào của chúng đang gặp rắc rối nghiêm trọng”.

Mặc dù rạn san hô Great Barrier trung tâm có thể đã không bị tẩy trắng do nhiệt độ đại dương cao hơn bình thường vào mùa hè này, nhưng có nhiều rạn san hô ven biển đã phải đối mặt với những thay đổi đáng kể trong điều kiện nước từ những dòng nước lũ khổng lồ.

Với tần suất và mức độ nghiêm trọng của lượng mưa lớn và các sự kiện dòng chảy được dự đoán sẽ tăng vào năm 2050, các biện pháp can thiệp quản lý để tăng khả năng phục hồi của các rạn san hô là cần thiết hơn bao giờ hết.

HNN (Theo sciencedaily)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác