Phân tích mới hướng tới mô hình sản xuất thực phẩm bền vững (19-02-2025)

Ước tính đến năm 2050, thế giới cần sản xuất thêm 60% sản lượng lương thực để có thể đáp ứng cho nhu cầu của dân số thế giới. Như vậy, ngành nông nghiệp thực phẩm sẽ phải đối mặt với những thách thức không chỉ đe dọa đến an ninh môi trường mà còn liên quan đến sự ổn định kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh này, báo cáo về tính bền vững trong ngành thực phẩm do Trung tâm công nghệ AZTI công bố đã tập trung phân tích những thách thức cũng như đề xuất các chiến lược dựa trên khoa học để hướng tới mô hình sản xuất bền vững và công bằng.
Phân tích mới hướng tới mô hình sản xuất thực phẩm bền vững
Ảnh minh họa

Hiện nay, ngành thực phẩm tạo ra một tác động rất lớn tới môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Nó tiêu thụ tới 70% lượng nước ngọt của thế giới – một nguồn tài nguyên ngày càng khan hiếm, và thải ra tới 24% tổng lượng khí thải nhà kính – nhân tố góp phần trực tiếp vào biến đổi khí hậu. Ngoài ra, các hoạt động sản xuất lương thực cũng là nguyên nhân của 60% sự mất mát về đa dạng sinh học trên cạn và chịu trách nhiệm cho 90% tình trạng đánh bắt quá mức cá thương mại, đe dọa tính bền vững của các hệ sinh thái biển. Những con số này cho thấy ngành này không chỉ có tác động lớn đến môi trường mà còn trực tiếp chịu tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước và nhiệt độ tăng cao, những yếu tố tác động trực tiếp đến chi phí sản xuất và giá cả sản phẩm mà người tiêu dùng phải chi trả.

Để giải quyết những thách thức này, đồng thời hướng tới xây dựng các chính sách và quy định mới nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động sản xuất lương thực đến môi trường, báo cáo của AZTI đã đề xuất một cách tiếp cận toàn diện, có tính đến các giai đoạn từ thiết kế sản phẩm đến sự tham gia của người tiêu dùng cuối cùng.

Đầu tiên, báo cáo nhấn mạnh đến nhu cầu kết hợp các tiêu chí về môi trường ngay từ giai đoạn đầu phát triển sản phẩm thông qua thiết kế sinh thái và phân tích vòng đời sản phẩm. Cách tiếp cận này giúp đánh giá và giảm thiểu tác động ở mọi giai đoạn, từ khai thác nguyên liệu thô đến cuối vòng đời sản phẩm.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa các tác động môi trường tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ lương thực bằng cách áp dụng các kế hoạch hiệu quả sinh thái giúp giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và năng lượng, đồng thời giảm thiểu chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Một trong những mô hình phù hợp với triết lý kinh tế này có thể kể đến là nền kinh tế tuần hoàn – một trong những giải pháp triển vọng nhất cho mục tiêu trên. Dựa trên nền kinh tế tuần hoàn, thành công của mô hình tái sử dụng bã cà phê làm thức ăn chăn nuôi hoặc sử dụng chất thải của nhà máy bia trong nuôi trồng thủy sản là minh chứng rõ ràng cho thấy các sản phẩm phụ cũng có tiềm năng trở thành nguồn tài nguyên có giá trị quan trọng trong chuỗi sản xuất lương thực.

Cùng với việc tăng cường tính hiệu quả của chuỗi sản xuất lương thực, báo cáo cũng đề xuất phương án nghiên cứu các nguồn protein thay thế mới, chẳng hạn như côn trùng, vi tảo, cá bị thải loại hoặc thậm chí là thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đều có thể trở thành những lựa chọn bền vững và khả thi để đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng trên toàn cầu. Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh nhu cầu thúc đẩy sản xuất tại địa phương và các vùng lân cận để giảm thiểu các tác động môi trường liên quan đến vận tải và thúc đẩy khả năng phục hồi của cộng đồng.

Không chỉ nghiên cứu tác động của các yếu tố khách quan bên ngoài, báo cáo cũng dành một phần để đánh giá tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và trao quyền cho người tiêu dùng, nhấn mạnh việc cung cấp thông tin rõ ràng giúp người mua hàng dễ tiếp cận tại các nơi mua sắm là yếu tố quan trọng giúp người mua hàng có thể đưa ra những lựa chọn có trách nhiệm, từ đó sẽ tạo nên những tác động tích cực đến toàn bộ chuỗi thực phẩm.

Bên cạnh việc phân tích mô hình sản xuất lương thực bền vững và công bằng, các nhà nghiên cứu cũng nêu bật một vấn đề cấp bách, đó là lãng phí và thất thoát thực phẩm. Tại Liên minh châu Âu, 591 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm, tương đương 131 kg mỗi người. Hơn một nửa lượng thực phẩm lãng phí này đến từ các hộ gia đình, 10,4% lãng phí được ghi nhận trong quá trình sản xuất sơ cấp và 20,2% trong quá trình chế biến. Hiện tượng này không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt xã hội và kinh tế mà còn tác động đáng kể lên môi trường: lãng phí thực phẩm tạo ra 254 triệu tấn CO2, tương đương 16% tổng lượng khí thải của toàn bộ hệ thống thực phẩm châu Âu.

Số hóa, truy xuất nguồn gốc, đổi mới và trên hết là đặt yếu tố con người lên hàng đầu, từ những người làm việc trong chuỗi sản xuất lương thực đến người tiêu dùng – những người  mà sự lựa chọn của họ sẽ tác động trực tiếp đến toàn bộ chuỗi thực phẩm – chính là các thành tố tạo nên con đường hướng đến một ngành công nghiệp thực phẩm bền vững.

Hương Trà (theo azti)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác