Tác động kép của tân dược
Các nghiên cứu gần đây đã làm rõ một thực tế đáng báo động: trong khi các loại thuốc hiện đại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người, chúng lại đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với các hệ sinh thái trên toàn thế giới. Dư lượng dược phẩm từ thuốc thải ra môi trường thông qua nước thải và rác thải y tế đã xâm nhập vào sông ngòi, đại dương và đất đai, gây hại cho động vật hoang dã, đe dọa đến đa dạng sinh học và làm suy giảm chất lượng môi trường sống tự nhiên.
Hệ sinh thái bị tổn thương
Các hợp chất dược phẩm được thiết kế để bảo vệ và tăng cường sức khỏe con người thường vô tình ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác, làm thay đổi hành vi, thể chất và hệ sinh thái tự nhiên:
- Thay đổi hành vi và sinh lý của các loài động vật: Các nghiên cứu cho thấy cá bảy màu đực tiếp xúc với fluoxetine (thành phần trong thuốc chống trầm cảm Prozac) có những biểu hiện thay đổi bất thường về tình trạng cơ thể và khả năng sinh sản.
- Phá vỡ mạng lưới thức ăn: Các chất từ thuốc bị thải ra môi trường tự nhiên có thể tích tụ trong các loài động vật không xương sống và nhện, gây ảnh hưởng đến những loài động vật ở bậc cao hơn trong chuỗi thức ăn.
- Cá bị “nữ hóa”: Hormon từ thuốc tránh thai có thể khiến cá đực sản sinh các protein đặc trưng của cá cái, làm suy giảm quần thể cá.
- Thay đổi hành vi tự nhiên: Một số loại thuốc hướng thần tồn tại trong nước thải có thể làm thay đổi cách thức kiếm ăn và sinh hoạt của cá hoang dã, gây mất cân bằng sinh thái.
Bằng chứng từ nghiên cứu toàn cầu
Năm 2022, một nghiên cứu trên các con sông tại 104 quốc gia cho thấy hơn 25% địa điểm được khảo sát có mức ô nhiễm dược phẩm đủ gây rủi ro cho con người hoặc hệ sinh thái.
Năm 2018, cơ quan Melbourne Waterways phát hiện hơn 60 hợp chất dược phẩm tích tụ trong các sinh vật thủy sinh, cho thấy mức độ ô nhiễm dược phẩm đáng báo động.
Cần một cách tiếp cận bền vững
1. Nghiên cứu và phát triển dược phẩm thân thiện với môi trường
Các nhà khoa học và ngành công nghiệp dược phẩm cần tập trung vào việc tạo ra các loại thuốc điều trị cho con người mà không gây hại cho tự nhiên bằng cách nghiên cứu các loại thuốc có khả năng phân hủy sinh học nhanh hơn để giảm tác động tiêu cực đến môi trường. Việc đưa tiêu chí bền vững vào chương trình giảng dạy sẽ giúp các nhà nghiên cứu tương lai ưu tiên phát triển dược phẩm thân thiện với môi trường.
2. Siết chặt quy định về xử lý dược phẩm
Tại châu Âu, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã yêu cầu đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép lưu hành thuốc, đồng thời yêu cầu các kế hoạch quản lý chất thải dược phẩm phải giảm thiểu tác động đến sinh thái.
Tuy nhiên, tại Australia vẫn chưa có các quy định tương tự như ở châu Âu, điều này cho thấy quốc gia này cần phải cải cách hơn nữa chính sách trong lĩnh vực quản lý dược phẩm và môi trường.
Vai trò của cá nhân trong việc giảm thiểu ô nhiễm dược phẩm
Mỗi cá nhân có thể góp phần giảm ô nhiễm bằng cách xử lý thuốc đúng cách, thay vì vứt chúng vào bồn cầu hoặc thùng rác. Tại Australia, chính phủ liên bang đã triển khai chương trình “Trả lại thuốc không mong muốn”, giúp người dân có thể xử lý thuốc một cách an toàn mà không gây hại cho môi trường, giúp bảo vệ các loài động vật hoang dã khỏi tình trạng ô nhiễm gây ra do quá trình xử lý thuốc không đúng cách.
Hương Trà (theo fishery.news)