Tình hình thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi” (25-07-2016)

Ngày 22/7/2016, tại Bình Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị sơ kết Ban chỉ đạo Đề án “ Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, Phú Yên, lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Thủy sản, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngư dân và các phóng viên báo, đài. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám và ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đồng chủ trì Hội nghị.
Tình hình thực hiện đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”

Trong Quý I năm 2016, các tàu khai thác cá ngừ của các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa khai thác có hiệu quả, đa số hoạt động đều có lãi nhờ đạt sản lượng cao, từ 1,5 – 2 tấn/tàu và chi phí giảm do giá nhiên liệu thấp. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, ngư dân khai thác cá ngừ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của hiện tượng El nino hoạt động cuối chu trình trong khu vực biển Đông dẫn đến sản lượng giảm, bên cạnh đó giá cá cũng giảm ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả sản xuất.

Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay có 2.542 tàu tham gia khai thác cá ngừ tại 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, trong đó có 1.672 tàu câu, 615 tàu vây và 255 nghề lưới rê. Sản lượng cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to trong 6 tháng đầu năm của 3 tỉnh đạt 10.600 tấn, trong đó, Bình định 4.720 tấn, tăng 12,5% so cùng kỳ; Phú Yên đạt 3.500 tấn, giảm 7,5% so với cùng kỳ; Khánh Hòa đạt 2.380 tấn, giảm khoảng 10,2%. Sản lượng khai thác cá ngừ vằn trong 6 tháng đầu năm của 3 tỉnh đạt khoảng 31.864 tấn. Giá cá từ đầu năm đến nay có xu hướng giảm nhẹ, chất lượng cá vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Để khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ và sản xuất cá ngừ trở thành ngành sản xuất phát triển tương xứng với tiềm năng về nguồn lợi, năng lực sản xuất; phù hợp với điều kiện và năng lực kinh tế trong nước, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, xu thế của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, gắn khai thác với an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai Đề án “ Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”. Cùng với Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ quy định về một số chính sách phát triển thủy sản, Đề án được xem là bước đột phá góp phần thực hiện thành công Đề án “Tổ chức lại sản xuất trong khai thác thủy sản” và chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Sau hơn 1 năm rưỡi triển khai Đề án, một số mô hình liên kết chuỗi đã hoạt động có hiệu quả tại các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Ban chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch năm 2016, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính: giám sát công tác dự báo ngư trường; nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng dự báo ngư trường khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển Việt Nam; Điều tra thương phẩm, thu thập số liệu sản lượng cá ngừ, xây dựng cơ sở dữ liệu cá ngừ; Nghiên cứu chuỗi giá trị cá ngừ, tiến hành xây dựng tiêu chuẩn cá ngừ nguyên liệu; tiếp tục triển khai dự án Quản lý nghề cá ngừ đại dương khu vực Tây Thái Bình Dương – Đông á; Phối hợp triển khai thủ tục để đầu tư Trung tâm nghề cá lớn tại Khánh Hòa; Triển khai các mô hình khuyến ngư về bảo quản sản phẩm cá ngừ; tuyên truyền phương pháp sơ chế, xây dựng hầm bảo quản, hầm ngâm cá ngừ đến ngư dân; Tiếp tục phát hành các bản tin dự báo ngư trường cá ngừ tần suất 10 ngày, tháng.

Tại các 3 địa phương triển khai Đề án, các mô hình liên kết chuỗi tiếp tục được thực hiện và dần hoàn thiện. Hiện có 3 dạng mô hình liên kết chuỗi được triển khai, đó là: (1) Doanh nghiệp trực tiếp đánh bắt, chế biến, tiêu thụ trong toàn chuỗi; (2) Doanh nghiệp liên kết trực tiếp với chủ tàu thông qua việc cam kết và hỗ trợ kỹ thuật cũng như tài chính trong quá trình đánh bắt và bảo quản sản phẩm; (3) Doanh nghiệp liên kết với chủ tàu thông qua hệ thống cơ sở thu mua. Đặc biệt, tại Bình Định, các tàu tham gia mô hình đã được lắp đặt thiết bị câu hiện đại theo công nghệ Nhật Bản, cải tạo hầm bảo quản, bể hạ nhiệt của các tàu tham gia mô hình; Tập huấn chuyển giao công nghệ tại Nhật Bản cho ngư dân; Tổ chức 1 chuyến khai thác thử nghiệm cho 3 tàu có sự tham gia của 6 chuyên gia Nhật Bản. Qua triển khai mô hình, bước đầu tổ chức chuỗi đạt nhiều thành công, đặc biệt chất lượng cá được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Đã thử nghiệm xuất khẩu sản phẩm LOIN chất lượng sashimi được thị trường Nhật Bản chấp nhận và mở ra hướng mới cho tiêu thụ sản phẩm cá ngừ.

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của chính quyền cũng như người dân trong thực hiện liên kết chuỗi nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của nghề khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ. Song, bên cạnh đó việc thực hiện các mô hình còn gặp nhiều khó khăn do ngư dân chưa quen với công nghệ mới, hiện đại nên chưa có sự thay đổi lớn về chất lượng cá. Thời gian chuyến biển dài, gây ảnh hưởng đến chất lượng cá cũng như bị động trong xuất khẩu. Cơ chế và phương thức thu mua cá ngừ chưa theo đúng chất lượng thực tế, còn hiện tượng ép cấp, ép giá, “mua xô” nên chưa khuyến khích được ngư dân cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng. Chưa tổ chức được tàu dịch vụ hậu cần để rút ngắn thời gian bảo quản cá từ khi khai thác đến thị trường xuất khẩu; Chi phí vận chuyển trong khâu xuất khẩu còn khá cao. Trang thiết bị từ khâu khai thác đến bảo quản còn chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng cảng chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ chưa hình thành một cách đồng bộ. Chính sách cho việc thúc đẩy phát triển chuỗi còn chưa đồng bộ, chưa có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Nhiều doanh nghiệp tâm huyết tham gia mô hình nhưng thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Một số ngư dân còn trông chờ và sự hỗ trợ của Nhà nước.

Theo các đại biểu, trong thời gian tới, cần có mô hình tổ chức tàu vận chuyển cá vào bờ trên cơ sở đội tàu mô hình để giảm thời gian bảo quản cá trên biển, nâng cao chất lượng; Nghiên cứu xây dựng mô hình hầm bảo quản sản phẩm; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào cảng cá ngừ chuyên dụng và chợ đấu giá cá ngừ. Xây dựng chính sách riêng cho nghề khai thác, chế biến và tiêu thụ cá ngừ đại dương của 3 tỉnh Miền Trung. Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cá ngừ để có giải pháp phù hợp. Phải xác định hướng chuyển giao công nghệ phù hợp với điều kiện của ngư dân. Quảng bá sản phẩm cá ngừ Việt Nam thông qua chợ đấu giá trên thị trường quốc tế

Theo ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong 6 tháng đầu năm, BCĐ thực hiện Đề án đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn tại các mô hình, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình triển khai như: thiếu các doanh nghiệp đủ mạnh để làm trụ cột triển khai mô hình. Vì vậy, cần xây dựng chính sách hỗ trợ DN, Tổ đoàn kết, HTX đặc thù cho thực hiện đề án. Cơ chế thu mua khai thác chưa thúc đẩy ngư dân, cần có cơ chế giám sát trong thu mua. Sớm triển khai chợ đấu giá tại Việt Nam để khuyến khích ngư dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật. Cơ sở hạ tầng nghề cá yếu, cần đầu tư sớm. Quy hoạch lại đội tàu khai thác cá ngừ trên cơ sở nguồn lợi, cấp quota cho đội tàu khai thác cá ngừ…

Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng cần phải có chính sách hỗ trợ từ Nhà nước đối với các Doanh nghiệp và Ngư dân, đảm bảo doanh nghiệp có lãi trong kinh doanh. Có như vậy chuỗi mới bền vững được. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp tục thực hiện mô hình này, có thể nhân rộng trong toàn hệ thống nghề cá. Tăng cường hậu cần nghề cá, tiếp tục triển khai chính sách cho nghề cá, cụ thể hóa hơn nữa để người dân dễ tiếp cận vốn, chính sách riêng cho nghề cá xa bờ, đặc biệt là cá ngừ. Phát triển dịch vụ trung chuyển để giảm thời gian bảo quản trên tàu.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của BCĐ các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa trong thời gian qua. Tại các tỉnh đã có các chính sách song song với các chính sách chung của ngành. Một số mô hình liên kết chuỗi đã hình thành và hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, cần quyết tâm thực hiện mới thành công.

Thứ trưởng chỉ đạo, trong 6 tháng cuối năm 2016, BCĐ Trung ương và các Địa phương rà soát kế hoạch để hoàn thành các nội dung trong kế hoạch 2016. Các địa phương cần kiên trì trong việc xây dựng các mô hình. Trong thời gian sớm nhất, Tổng cục Thủy sản cùng các địa phương hoàn thiện tiêu chí đánh giá chất lượng cá ngừ, hoàn thiện công nghệ, kỹ thuật khai thác, công nghệ mới để ứng dụng vào toàn chuỗi, tập trung đào tạo tập huấn, đặc biệt có sự chia sẻ lợi ích và rủi ro giữa các khâu trong chuỗi để đảm bảo sự bền vững của chuỗi.

Bên cạnh đó, tăng cường hoàn thiện hiện đại hóa tàu cá, cơ sở hậu cần dịch vụ nghề cá. Rà soát đề xuất chính sách riêng cho cá ngừ. Các địa phương cần tranh thủ các nguồn vốn để xây dựng các cảng cá chuyên dụng, thí điểm chợ đấu giá cá. Thúc đẩy xây dựng thương hiệu cá ngừ, ban hành các quy định khác để có chứng nhận thương hiệu cho cá ngừ VN. Tiếp tục hợp tác quốc tế và tranh thủ các dự án đang được triển khai để góp phần hoàn thiện chuỗi, đào tạo nguồn nhân lực thông qua các tổ chức quốc tế, khu vực. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của Hiệp hội cá ngừ Việt Nam.

Văn Ninh

Ý kiến bạn đọc

Tin khác