Doanh nghiệp thủy sản chuyển mình thích ứng (07-06-2023)

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 5 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh. Tuy nhiên Bộ NN&PTNT đánh giá, con số này không có ý nghĩa quá tiêu cực, bởi năm 2022 ngành thủy sản Việt Nam đã tăng trưởng đột phá. Hơn nữa, hiện nay các doanh nghiệp thủy sản đang chủ động nhiều giải pháp nhằm thích ứng trước khó khăn.
Doanh nghiệp thủy sản chuyển mình thích ứng
Đóng gói cá tra Phi lê (ảnh Hải Đăng)

Sụt giảm nhưng không quá tiêu cực

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 5/2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt 900 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều giảm sâu từ tháng 4/2023, như cá tra giảm 52%, tôm sụt giảm 35%, cá ngừ giảm 38% và mực bạch tuộc giảm 11%...

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 3,47 tỷ USD, giảm 25,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trước khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, tổng cầu giảm rất nhiều, nhiều ngành hàng không có đơn hàng. Nhiều ngành hàng, người lao động chỉ làm việc một số buổi trong tháng, ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, do đó, nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng giảm. Đây được coi là nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm giá trị xuất khẩu của thủy sản Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, xuất khẩu thủy sản tuy giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng mức giảm đang từng bước được thu nhỏ. Trên thực tế, con số này không có ý nghĩa quá tiêu cực, bởi ngành thủy sản Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột phá trong năm 2022.

 

Tích cực thay đổi

Suy thoái kinh tế đang ngấm sâu vào đời sống của nhiều quốc gia trên thế giới khiến sức tiêu thụ các mặt hàng thủy sản giảm sút trong năm 2023. Tuy nhiên VASEP dự báo, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ hồi phục dần từ quý III/2023.

Việt Nam có gần 280 doanh nghiệp ngành thủy sản và 2/3 trong số đó là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh khát đơn hàng, khó khăn bủa vây như hiện nay, nhiều doanh nghiệp có phương án phân bổ thị trường, đẩy mạnh giao dịch qua sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, trước tình hình hiện nay, ngoài việc tập trung vào thị trường lớn như Nhật Bản, EU; các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng hướng đến những đối tác thường xuyên đến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia, Canada…

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông VASEP cho biết: Trong khi việc tiếp cận thị trường châu Âu còn khó, sức mua thấp thì giải pháp tiếp nhận nguồn nguyên liệu từ khu vực này để chế biến cung cấp sang cho thị trường Đông Á đang được doanh nghiệp Việt Nam thực hiện linh hoạt. Đồng thời, các hiệp định thương mại tự do không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu mà còn giúp Việt Nam chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

          Song song đó, các doanh nghiệp cũng đang có những chính sách linh hoạt về giá để tăng sức cạnh tranh, gia tăng xúc tiến thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử đối với các sản phẩm thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao.

Ngoài ra, từ đầu năm tới nay, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng đã tích cực tham gia các hội chợ thủy sản quốc tế tại Mỹ, EU, Nhật Bản… với hy vọng sẽ tăng thêm các kết nối và thu hút được các bạn hàng nhiều hơn trong thời gian tới. Đơn cử như trong tháng 4/2023, đã có 38 doanh nghiệp thủy sản tham gia Triển lãm Thủy sản toàn cầu lần thứ 29 khai mạc tại Fira Gran Via, Barrcelona, Tây Ban Nha. Đây là một trong những hội chợ thương mại thủy sản lớn nhất ở châu Âu và thế giới.

Triển lãm năm nay thu hút hơn 20.000 đơn vị triển lãm đến từ 77 quốc gia trên thế giới, chiếm gần 40.000 m2. Các công ty xuất nhập khẩu và kinh doanh thủy sản, các chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản đến từ 150 quốc gia trên thế giới, từ chế biến, nuôi trồng, đánh bắt đến các ngành công nghiệp phụ trợ… Đây cũng là triển lãm chuyên ngành có số lượng gian hàng quốc gia lên đến 70 gian hàng.

VASEP đã đăng ký diện tích 464 m2 và dàn dựng thành gian hàng quốc gia Việt Nam. Tham dự Triển lãm năm nay, có tổng cộng 38 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, tăng gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 15 công ty chế biến tôm, 13 công ty chế biến cá tra, 3 công ty chế biến cá ngừ và 7 công ty chế biến các mặt hàng thủy hải sản nói chung. Đại diện Việt Nam có các doanh nghiệp chế biến thủy sản nổi tiếng hàng đầu như: Hải Vương, Minh Phú, CL Fish, Hải Nam, Thiên Phú, Phú Cường, IDI, Đại Thành, Thông Thuận, Khang An Foods, Meksea, Mekongfish, Hùng Hậu, Silvera, Trọng Nhân, Kim Anh….

Các sản phẩm chủ lực được trưng bày tại Triển lãm bao gồm cá tra, tôm, cá ngừ, cá rô phi, nghêu, mực, bạch tuộc, các mặt hàng hải sản khô, hàng giá trị gia tăng, thực phẩm phối chế. Các sản phẩm chế biến sâu phong phú, đa dạng, sản phẩm “ready to eat” “ready to cook” tiện lợi, đặc sắc đáp ứng xu hướng tiêu dùng đã thay đổi nhanh sau đại dịch. Tại đây, tập hợp các cường quốc sản xuất thủy sản thế giới, những nhà nhập khẩu, thương nhân cũng đang săn tìm nguồn cung mới cho hệ thống siêu thị... Sự kiện này như một cánh cửa để doanh nghiệp Việt Nam thử nghiệm và giới thiệu sản phẩm trong hành trình chuyển hướng từ nguyên liệu thô sang sản phẩm giá trị gia tăng.

Trong bối cảnh thị trường trầm lắng trong quý I và II/2023 thì việc tham dự các Triển lãm quốc tế là cơ hội quý báu để doanh nghiệp đánh giá thị trường, định hướng sản xuất, xuất khẩu cho năm 2023 - 2024.

Với tình hình hiện nay, việc cơ cấu lại thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại với từng đối tượng ngành hàng, từng thị trường... là những giải pháp hiệu quả để mở rộng thị trường tiêu thụ thủy sản.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc

Tin khác